Phóng sinh

Truyện ngắn của Đào Hồng Khởi

Tôi quen anh, người làm nghề bẫy chim vào một buổi trưa rực nắng. Nhớ rất rõ ngày chúng tôi biết nhau vì hôm ấy trời nóng lắm và tôi đang được nghỉ hè. Nóng ran người, khát khô cổ nên anh ghé nhà tôi xin nước uống và mang theo một lồng chim sẻ vừa bẫy được. Anh cởi mở, vui tính, hiền lành. Đó là những gì tôi cảm nhận đầu tiên về anh. Nhưng khi nghe giọng miền Tây đặc sệt thì tôi lại càng có cảm tình hơn. Giọng anh chân chất hỏi tôi vừa nghiêm túc, vừa cà giỡn:

- Hôm nay thầy “mất” dạy phải không?

- Dạ, tính xin theo anh học nghề bẫy chim giết thời gian chơi đây, được chứ?

Nói vậy thôi, tính mua ít con rủ mấy thằng bạn Sài Gòn xuống nhậu chơi ấy mà.

- Nắng nực cực lắm, hơn nữa tôi bẫy chim bán cho người ta phóng sinh chứ không bán cho người ăn thịt đâu, thầy ạ!

Nghe anh nói, tôi lại càng bất ngờ về anh. Tôi không hiểu sao anh lại có quan niệm ấy. Định hỏi thì anh đã chào ra về.

Một buổi chiều, anh lại đến bẫy chim ở cánh đồng sau nhà tôi. Nói là cánh đồng vậy thôi chứ bây giờ người ta bỏ ruộng hoang không cấy lúa nữa, bán cho đại gia, trồng toàn cọc xi măng, cỏ mọc xanh rì, um tùm. Thấy mà tiếc, đất đai màu mỡ, phì nhiêu là thế mà họ bỏ. Đâu trách họ được, ngày nay, cấy được ba hạt lúa có đáng là bao, đâu bằng một tháng đi làm công nhân. Sống mấy đời nông dân cơ cực lắm rồi phải cho con cái đi làm xí nghiệp để xóa cảnh chân lấm tay bùn. Thế nên nhiều nhà bán ruộng cho người thành phố về đóng cọc bê tông, rào dây kẽm gai giữ đất. Anh tha hồ có chỗ bẫy chim. Tôi ngồi cả buổi chiều cùng anh chờ những chú chim hồn nhiên gọi nhau ríu rít, hót lảnh lót tìm bạn. Chúng không biết những tấm lưới đang chờ sẵn.

Vừa bắt những chú chim cho vào lồng, anh vừa kể cho tôi nghe về cái nghề tình cờ của mình với giọng xa xăm:

- Thầy biết không, 2 năm trước, từ Đồng Tháp lên, chưa có việc làm, thấy ở đây có chim mà ở chùa ngày rằm hay mùng một người ta thường mua chim phóng sinh nên tôi mua lưới làm nghề này. Bắt chim, nhìn chúng sa vào lưới kêu lên những tiếng tuyệt vọng như oán trách, tôi thương chúng ghê lắm. Tôi nhất quyết chỉ bán chúng cho những người đem bán cho người ta phóng sinh thôi, tuyệt đối không bán cho quán nhậu, nhà hàng. Có nhiều mối đến tìm hỏi mua, trả tiền gấp ba bốn lần, nhưng biết họ mang về bán quán nhậu là tôi từ chối liền. Thương chúng đến đau lòng, thầy ạ!

- Anh có đảm bảo là họ mua chúng về chỉ để bán cho người ta thả thôi sao? - tôi hỏi.

- Thì tôi vẫn mong là vậy. Tôi tin mấy tay mối mua chim nó không lừa mình!

- Anh tính theo nghề này mãi sao? Mai mốt người ta quy hoạch xây nhà cao tầng, chung cư hết rồi thì lấy đâu chỗ cho anh đặt bẫy?

Anh không trả lời tôi, nhìn lên bầu trời trong veo với khuôn mặt buồn thiu. Tôi biết anh đang nghĩ ngợi đến ngày phải giải nghệ. Buồn kinh khủng.

Theo anh ra đồng mãi đâm ghiền. Hôm nào anh không đến, tôi cảm thấy thiếu điều gì đó. Không phải tôi thích cái thú bắt chim mà thích đàm đạo chuyện người, chuyện đời cùng anh. Có lần, dễ cả tháng anh mới đến. Hỏi lý do, anh buồn buồn:

- Chim nó oán!

- Trên đời này làm gì có chuyện ấy?

- Thầy không biết đấy chứ, có đêm tôi nằm mơ cả ngàn con chim về bao vây tôi hỏi sao bắt chúng. Chúng có tội gì? Tỉnh giấc thấy ớn lạnh cả xương.

- Anh yên tâm đi, chúng được thả ra hết mà.

- Hôm bữa đi làm dầm mưa nên sốt, đêm nằm mơ vậy tính bỏ nghề quách cho xong nhưng không tiền lại vác lưới đi.

Mùa hạ qua đi, bỏ lại những xác hoa phượng rụng rơi và xác ve sầu tơi tả. Tôi bận việc trường, ít có dịp trò chuyện với anh.

Bẵng đi một thời gian anh mất hút. Lũ chim bay trên đồng hình như đến nhiều hơn. Chúng thong thả, thoải mái kiếm tìm sâu bọ, thoải mái cong cái mỏ lên hót líu lo, ríu rít chọc ghẹo nhau vang cánh đồng. Ba tháng, sáu tháng anh vẫn bặt tăm. Tôi đâm nhớ anh, dù gì chúng tôi cũng quen biết nhau đã đến mức trở thành bạn. Nhớ có lần anh nói, dưới quê còn ông già đã ngoài tám mươi, cũng hơi yếu rồi. Có lẽ anh về quê chăm sóc cha già. Rồi ngày một, ngày hai và thời gian cứ trôi qua giữa cuộc sống cơm áo gạo tiền nhiều bận rộn này, tôi cũng chẳng có thì giờ để nhớ tới anh nữa, dần quên lãng anh như quên bao người mình đã từng gặp trước đây ở nhiều nơi đã đi qua…

****

Tình cờ tôi gặp lại anh vào một buổi chiều gần cổng cơ quan. Anh ốm hơn, tóc đã có nhiều sợi bạc, da đen hơn trước. Anh đang đứng bán những cánh diều cho đám học trò trường tôi. Thấy anh và tôi hồ hởi tay bắt mặt mừng, đám học trò ngạc nhiên, trố mắt nhìn. Kéo anh vào một quán nhậu lai rai mấy ly, anh ngại ngần. Tôi thuyết phục mãi anh mới chịu đạp xe theo. Quán nằm bên bờ sông Cái hiền hòa. Đưa ly bia mời anh, tôi hỏi:

- Không ngờ anh đã bỏ nghề. Vì sao vậy?

Giọng anh buồn bã, nói chầm chậm từng câu:

- Thầy biết không, năm ngoái có thằng bạn Việt kiều về nước đi du lịch gặp tôi ở trên này. Nó vui lắm, tôi dẫn nó về chỗ nhà trọ chơi. Nhìn cái phòng nhỏ xíu, nó không cho tôi làm mồi nhậu ở nhà mà đòi ra quán. Tôi dẫn nó đến một quán đặc sản đồng quê bán toàn chuột, chim, rắn. Nó khoái, kêu đủ món, ăn như chưa bao giờ được ăn. Tôi và nó đang say sưa uống, say sưa ăn, say sưa nói chuyện thì tôi giật mình khi nhìn thấy cái tay chuyên mua chim của tôi. Hắn chở chim đến bán cho quán. Tôi nhìn con chim vàng ươm nằm trong chén mình, lòng nhoi nhói, cổ họng như nghẹn lại. Hình ảnh những chú chim bị tôi bắt hiện ra thật tội nghiệp.

Ngừng một lát, giọng anh buồn thăm thẳm:

- Đau. Quặn lòng. Miệng đắng ngắt. Buồn kinh khủng. Tôi uống thật nhiều và không dám đụng tới miếng mồi nào nữa. Đêm đó cố gắng uống cho say mà tôi vẫn không sao quên được hình ảnh những con chim mình bắt chúng bị người ta cắt cổ, máu chảy ròng ròng… Tôi bị sốc nặng. Sau đó tôi mang những tấm lưới làm bẫy chim quăng vào đống rác…

Nghe anh kể xong, tôi ngồi thừ người ra, nhìn dòng sông nhẹ nhàng trôi. Rồi tôi gọi ông chủ quán đến bảo không làm món chim bồ câu nữa. Thay vào đó tôi mua hai chú chim mang về. Anh thấy lạ, hỏi:

- Thầy thích ăn món chim bồ câu lắm mà. Mang chúng về nhà làm gì? Nuôi chúng chăng?

- Không! Tôi sẽ phóng sinh!

Anh lặng nhìn tôi, một cái nhìn rất lạ rồi nở nụ cười tươi rói…

Đ.H.K

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/vanhoa/202001/phong-sinh-2981782/