Phong phú các hoạt động duy trì Ngày Pháp luật hàng tháng

Để nâng cao hiệu quả công tác phổ biến, giáo dục pháp luật (PBGDPL), các bộ, ngành, địa phương đã tích cực đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức tổ chức các hoạt động hưởng ứng Ngày Pháp luật. Đặc biệt sau đợt cao điểm, nhiều địa phương đã tiếp tục triển khai các hoạt động nhằm duy trì Ngày Pháp luật hàng tháng.

Bộ đội Biên phòng Lai Châu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa

Bộ đội Biên phòng Lai Châu tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho đồng bào dân tộc thiểu số. Ảnh minh họa

Phát huy kết quả tích cực đã đạt được trong năm 2017, ngày 2/1/2018, Sở Tư pháp Khánh Hòa đã ban hành kế hoạch thực hiện Ngày Pháp luật hàng tháng năm 2018. Theo đó, Ngày Pháp luật được tổ chức định kỳ vào ngày 9 hàng tháng, nếu trùng vào ngày thứ bảy hoặc chủ nhật thì được tổ chức vào ngày thứ sáu liền kề trước đó. Với hình thức hội thảo, tọa đàm, truyền đạt kỹ năng, nội dung sinh hoạt Ngày Pháp luật chú trọng đến việc phổ biến Hiến pháp, Luật, Nghị định, Quyết định mới ban hành.

Ông Đặng Văn Khánh, Phó Giám đốc Sở Tư pháp Khánh Hòa cho biết, ngay từ đầu năm, các phòng, ban chuyên môn thuộc Sở đều chủ động đăng ký nội dung chuyên đề về Ngày Pháp luật với Phòng PBGDPL, mỗi bài báo cáo, chuyên đề do đại diện các Phòng, Trung tâm trình bày tại buổi sinh hoạt phải có độ dài từ 60 đến 90 phút.

Trước đây, việc giới thiệu, phổ biến các văn bản pháp luật mới tới cán bộ chủ chốt chủ yếu được thực hiện thông qua tổ chức hội thảo, hội nghị; mua sách để bổ sung cho tủ sách pháp luật; tìm hiểu qua mạng nên đôi khi còn không kịp thời, chưa hiệu quả do mọi người còn thiếu chủ động trong việc tìm và đọc các tài liệu.

Tuy nhiên, việc duy trì các buổi sinh hoạt Ngày Pháp luật hàng tháng đã góp phần tạo điều kiện cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thuộc Sở kịp thời tiếp cận, nắm bắt với các văn bản pháp luật mới trong mọi lĩnh vực, tránh tình trạng cán bộ chỉ quan tâm tới các văn bản thuộc lĩnh vực của mình.

Còn tại Lai Châu, công tác PBGDPL, đặc biệt là PBGDPL cho đồng bào dân tộc thiểu số rất được chú trọng. Theo đó, các đồn biên phòng đã chủ động biên soạn các loại tài liệu tuyên truyền phù hợp với thực tế địa bàn, đơn vị mình nhằm phục vụ tốt công tác tuyên truyền cả thường xuyên và đột xuất. Mỗi tháng duy trì tổ chức đều đặn các hội nghị tuyên truyền viên cấp cơ sở, từng bước nâng cao chất lượng thông tin để làm tốt công tác định hướng dư luận xã hội.

Để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, PBGDPL, cán bộ, chiến sĩ bộ đội biên phòng còn trực tiếp xuống cùng ăn, cùng ở, cùng làm với bà con tại các thôn, bản, nhất là các bản giáp biên phức tạp đồng thời khéo léo định hướng, vận động nhân dân thực hiện chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước. Nhờ đó, nhận thức của bà con các dân tộc thiểu số trong khu vực biên giới tỉnh Lai Châu đã được nâng lên rõ rệt, từ đó yên tâm lao động sản xuất, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo, cùng với bộ đội biên phòng giữ vững an ninh trật tự vùng biên giới.

Là một trong các quận của TP HCM tích cực triển khai các hoạt động tuyên truyền, PBGDPL, quận Tân Phú đã thực hiện nhiều mô hình mới, đem lại hiệu quả thiết thực như tuyên truyền, phổ biến trên trang fanpage "Thông tin cần biết", mô hình "Sách nói pháp luật", "Phiên tòa giả định kết hợp trợ giúp pháp lý lưu động" tại trường học...

Để duy trì thực hiện tốt Ngày Pháp luật hàng tháng, quận Tân Phú đã triển khai nhiều hoạt động đa dạng như hội thi tìm hiểu pháp luật “Chúng tôi là cán bộ Mặt trận giỏi” năm 2017; hội nghị phổ biến pháp luật và tập huấn kỹ năng nghiệp vụ, hướng dẫn quy trình về quản lý, giám sát, giáo dục người chấp hành án; hội nghị phổ biến pháp luật về trẻ em và trợ giúp pháp lý lưu động cho trẻ em…

Còn tại Hà Tĩnh, từ năm 2014, để nâng cao hiệu quả công tác PBGDPL, thành phố đã áp dụng nhiều hình thức phổ biến phong phú và đa dạng với nhiều nội dung thiết thực, phù hợp được đổi mới theo quan điểm gắn với việc thực hiện nhiệm vụ chính trị của thành phố và trọng tâm hướng về cơ sở.

Nổi bật trong đó là việc tổ chức sinh hoạt Ngày Pháp luật vào ngày 28 hàng tháng thông qua chào cờ đầu tháng, giao ban ngành, hội, xóm phố để triển khai phổ biến Hiến pháp, các văn bản pháp luật mới. Đặc biệt đã thành lập và phát huy hiệu quả của hơn 30 câu lạc bộ pháp luật; củng cố, kiện toàn các tổ hòa giải và đội ngũ hòa giải viên tại cơ sở... gắn PBGDPL với các cuộc vận động, các phong trào quần chúng khác. Nhờ đó, công tác PBGDPL ở Hà Tĩnh đã đi vào nền nếp, có chiều sâu.

Có thể nói, Ngày Pháp luật đã trở thành một hoạt động định kỳ, thường xuyên, thống nhất trong công tác PBGDPL, đồng thời tạo thói quen cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, người dân được học tập, tìm hiểu pháp luật hàng tháng. Từ đó, góp phần nâng cao ý thức sống và làm việc theo Hiến pháp và pháp luật của người dân và toàn xã hội.

Lê Hồng

Nguồn Pháp Luật VN: http://baophapluat.vn/tu-phap/phong-phu-cac-hoat-dong-duy-tri-ngay-phap-luat-hang-thang-382977.html