Phong phú các hình thức tuyên truyền thực hiện Quy tắc ứng xử

Sau hơn một năm thực hiện Quy tắc ứng xử (QTƯX) dành cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong các cơ quan trực thuộc thành phố và QTƯX nơi công cộng, các cơ quan trên địa bàn Thủ đô đã triển khai với nhiều hình thức phong phú. Những biện pháp đó giúp cán bộ, nhân dân thay đổi nhận thức, hành vi trong văn hóa ứng xử. Tuy nhiên, để nâng cao chất lượng, hiệu quả, thì công tác này cần được thực hiện bền bỉ, lâu dài.

Người dân phường Quảng An (quận Tây Hồ) tìm hiểu về Quy tắc ứng xử nơi công cộng. Ảnh: LINH TÂM

Tổ dân phố 15, phường Sài Đồng (quận Long Biên) vừa tổ chức tọa đàm "Về việc thực hiện hiệu quả Quy tắc ứng xử nơi công cộng". Ngay sau báo cáo đề dẫn, không khí hội trường trở nên sôi nổi với các ý kiến phát biểu. Đại biểu tập trung thảo luận các vấn đề như: Ý thức của người dân khi tham gia giao thông, vệ sinh môi trường trên địa bàn dân cư; hành vi của người trẻ tại nơi công cộng; sự gương mẫu của người lớn trong việc giáo dục con trẻ, ý thức của người dân tại khu chợ, trung tâm thương mại, việc nói tục chửi thề... Cũng tại buổi tọa đàm, nhiều giải pháp được đưa ra như: Đưa bộ QTƯX vào nội dung triển khai Nghị quyết hằng tháng của cấp ủy đảng cơ sở, chi bộ, đảng ủy phường; tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền để quy tắc thật sự đến với từng người dân, từng hộ gia đình với mục tiêu hiện thực hóa quy tắc vào đời sống của người dân, nghiên cứu việc đưa nội dung QTƯX vào quy ước tổ dân phố và đánh giá Gia đình văn hóa...

Ngay từ khi xây dựng hai bộ QTƯX, Sở Văn hóa và Thể thao - đơn vị thường trực triển khai QTƯX đã xác định, việc thực hiện công tác này có thành công hay không phụ thuộc vào cơ sở, lắng nghe tiếng nói từ cơ sở. Bởi vậy, song song với tổ chức các cuộc thi tuyên truyền QTƯX, Văn minh công sở, hội thi trưởng thôn thân thiện..., ngành văn hóa tập trung triển khai tổ chức tọa đàm tại các khu dân cư. Theo đại diện lãnh đạo Sở Văn hóa và Thể thao, dự kiến, đến hết tháng 9-2018, toàn bộ các khu dân cư hoàn thành tổ chức tọa đàm về thực hiện QTƯX nơi công cộng. Đây chính là diễn đàn để nhân dân nói lên băn khoăn, thắc mắc, cũng như góp ý những giải pháp để thành phố rút kinh nghiệm trong việc thực hiện QTƯX, điều chỉnh một số nội dung nếu thấy cần thiết.

Có thể nói, việc thực hiện hai QTƯX đã tạo nên cuộc sinh hoạt chính trị sôi nổi, rộng khắp trong các ban, ngành, tầng lớp nhân dân. Tùy theo chức năng, nhiệm vụ, mỗi ban, ngành của thành phố triển khai với hình thức khác nhau, trong đó nhấn mạnh nội dung tuyên truyền nâng cao nhận thức. Với đặc thù là hội viên làm việc trong các cơ quan, nhà máy, xí nghiệp..., những năm qua Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố đã tổ chức hội thi Nét đẹp văn hóa công sở. Năm 2018, nội dung của hội thi gắn với việc thực hiện hai QTƯX. Hiện tại, các cụm thi đua đang tổ chức vòng sơ khảo với các phần thi: Chào hỏi, kiến thức và tiểu phẩm với nội dung xoay quanh các quy định trong hai bộ QTƯX; các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, vai trò của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Chủ tịch LĐLĐ huyện Mê Linh, Cụm trưởng Cụm thi đua số 3 Đào Mạnh Hùng khẳng định: "Hội thi Nét đẹp văn hóa công sở năm 2018 đã nâng cao ý thức trách nhiệm, tác phong, hành động và văn hóa ứng xử của công nhân viên chức lao động và đoàn viên công đoàn, góp phần xây dựng tổ chức công đoàn ngày càng vững mạnh, xây dựng Thủ đô Hà Nội giàu đẹp văn minh, hiện đại".

Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) Thủ đô xác định, hội viên là những người có vai trò quan trọng hàng đầu trong xây dựng văn hóa gia đình, văn minh thương mại... nên từ đầu năm 2018, triển khai thực hiện hai QTƯX, Hội LHPN thành phố đã phát động phong trào "Phụ nữ Thủ đô ứng xử đẹp". Từ chủ trương chung, các cấp hội đã tổ chức nhiều hoạt động khác nhau như: Hội LHPN quận Hai Bà Trưng tổ chức liên hoan tuyên truyền "Phụ nữ và thanh niên quận Hai Bà Trưng nói lời hay, ứng xử đẹp"; Hội LHPN huyện Mê Linh tổ chức hội thi "Phụ nữ Mê Linh tài năng, thanh lịch"; Hội LHPN huyện Phú Xuyên tổ chức hội thi "Nét đẹp Tràng An"; Hội LHPN quận Ba Đình tổ chức "Diễn đàn sống đẹp"... thu hút hàng chục nghìn lượt hội viên tham gia.

Các phương tiện truyền thông cũng tích cực vào cuộc, điển hình như Báo Hà Nội mới tổ chức cuộc thi ảnh "Người Hà Nội ứng xử thanh lịch, văn minh", mở chuyên mục mới "Người Hà Nội thanh lịch, văn minh" trên ấn phẩm điện tử; Đài PT và TH Hà Nội xây dựng chuyên mục Người Tràng An, phát sóng vào khung giờ "vàng"; báo Kinh tế & Đô thị tổ chức chuyên mục mới và Góc ảnh trên các ấn phẩm…

Tại Hội nghị thống nhất kế hoạch đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến, giáo dục ứng xử văn hóa và đấu tranh phòng, chống các hành vi bạo lực trên địa bàn Thủ đô do Ban Tuyên giáo Thành ủy tổ chức mới đây, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Nguyễn Văn Phong khẳng định, công tác tuyên truyền của các sở, ngành và cơ quan báo chí đã đạt được nhiều hiệu quả trong thời gian qua. Tuy nhiên, để tăng cường hơn nữa, đồng chí Nguyễn Văn Phong đề nghị, các đơn vị phải chọn một số việc làm trọng điểm phù hợp với tính chất đặc thù của đơn vị để việc tuyên truyền đi vào chất lượng. Đồng thời, các sở, ngành cần triển khai các biện pháp lâu dài, bền bỉ mới có thể đem lại hiệu quả trong công tác xây dựng đời sống văn hóa cũng như phòng, chống các hành vi bạo lực.

VIỆT HƯNG

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/37674502-phong-phu-cac-hinh-thuc-tuyen-truyen-thuc-hien-quy-tac-ung-xu.html