Phong Phú (Bình Chánh – TP Hồ Chí Minh): Doanh nghiệp kêu vì bị cưỡng chế nhầm

Theo phản ánh, dù chủ doanh nghiệp có mặt tại hiện trường và ra sức thuyết phục rằng công ty không có trong danh sách phải cưỡng chế phá dỡ tài sản, nhưng đoàn cưỡng chế vẫn phá dỡ nhiều hạng mục mà không lập biên bản hiện trường, gây thiệt hại cho doanh nghiệp.

Cưỡng chế có đúng đối tượng?

Mới đây, Phóng viên nhận được đơn kêu cứu của ông Nguyễn Trường Giang, Giám đốc Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư GTP phản ánh việc đoàn cưỡng chế của UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TP. HCM cưỡng chế tài sản không đúng thẩm quyền, không đúng pháp luật gây thiệt hại lớn về tài sản.

Cưỡng chế thu hồi nhà đất tại Công ty GTP

Cưỡng chế thu hồi nhà đất tại Công ty GTP

Theo nội dung phản ánh, cuối năm 2017 Công ty TNHH Đầu tư Kinh doanh Phát triển Thương mại Dịch vụ TMT (Công ty TMT) được Công ty Cổ phần Khu công nghiệp Phong Phú (Công ty Phong Phú) ký hợp đồng thuê bảo vệ và quản lý tài sản trên khu đất 120ha trong tổng diện tích quy hoạch làm KCN Phong Phú là 140ha với thời hạn là 36 tháng. Dựa theo các điều khoản đã có trong hợp đồng, đến đầu tháng 1/2018, Công ty TMT ký hợp đồng Hợp tác kinh doanh trên chính diện tích này với Công ty TNHH Tư vấn và Đầu tư GTP (Công ty GTP).

Đến tháng 8/2018, khi hợp đồng với Công ty GTP còn hiệu lực và Công ty GTP đã đầu tư san lấp mặt bằng, xây dựng rào chắn và nhiều hạng mục khác với chi phí hơn 20 tỷ đồng thì Công ty TMT thanh lý hợp đồng với Công ty Phong Phú. Từ đó, hàng loạt sự việc gây mất an ninh trật tự xảy ra tại khu đất này.

Ngoài ra, cũng trong thời điểm đó, để thiết lập lại trật tự xây dựng tại khu đất này, UBND huyện Bình Chánh, TP. HCM quyết định vận động các bên có liên quan tháo dỡ các công trình xây dựng không phép. Đối tượng cưỡng chế ghi rõ trong các văn bản là Công ty Phong Phú chứ không phải là Công ty GTP.

Đến ngày 16/6/2020, đoàn cưỡng chế của UBND xã Phong Phú, huyện Bình Chánh đã tiến hành cưỡng chế, phá dỡ và thu giữ nhiều tài sản được cho là xây dựng sai phép tại KCN Phong Phú trong đó có tài sản của Công ty GTP (mặc dù Giám đốc Công ty GTP có giải thích những tài sản đó thuộc sở hữu của công ty).

Tuy nhiên, theo ông Giang, đoàn cưỡng chế đã “lạm quyền”, tự ý phá dỡ các công trình, tài sản của Công ty GTP nằm ngoài các nội dung đã được kết luận tháo dỡ của UBND TP. HCM, UBND huyện Bình Chánh. Cụ thể là các công trình tài sản gồm hệ thống điện năng lượng mặt trời độc lập, các đồ dùng sinh hoạt, các thiết bị, chốt bảo vệ, biển báo… với tổng giá trị khoảng 900 triệu đồng mà không lập biên bản thu giữ.

Giám đốc Công ty GTP cho rằng, việc UBND xã Phong Phú tiến hành cưỡng chế là không đúng đối tượng, thẩm quyền và có dấu hiệu vi phạm pháp luật khi những tài sản bị thu giữ không phải của Công ty Phong Phú mà là của Công ty GTP. Bên cạnh đó, việc thu giữ tài sản không được lập biên bản thống kê chủng loại, số lượng.

Theo Giám đốc Công ty GTP thì có lẽ UBND xã Phong Phú chỉ răm rắp làm theo lệnh trên, bất chấp tất cả để hoàn thành nhiệm vụ mà bỏ qua thực tế rằng những tài sản họ thu giữ không phải là của đối tượng cưỡng chế trong các quyết định của UBND TP.HCM (là Công ty Phong Phú).

Xã lên tiếng

Trả lời báo chí về sự việc trên, bà Tô Thị Kim Anh, Chủ tịch UBND xã Phong Phú xác nhận, ngày 16/6 xã tổ chức thực hiện cưỡng chế thi hành các biện pháp khắc phục hậu quả trong hoạt động đầu tư xây dựng đối với KCN Phong Phú.

Trước khi thực hiện cưỡng chế, UBND xã Phong Phú đã gửi các văn bản thông báo nội dung liên quan đến KCN Phong Phú. Bà Kim Anh cho rằng, qua rà soát, UBND xã Phong Phú không tiếp nhận thông tin hoạt động kinh doanh hoặc thông báo hoạt động hợp pháp của Công ty GTP trên đia bàn xã Phong Phú.

Ngoài ra, trước khi thực hiện cưỡng chế, đoàn cưỡng chế đã đọc công khai các quyết định cưỡng chế cho người vi phạm cùng nghe, có mời đại diện Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức đoàn thể của xã Phong phú, đại diện KCN Phong Phú cùng giám sát và chứng kiến đầy đủ các bước thi hành cưỡng chế. Bên cạnh đó, khi thực hiện cưỡng chế đoàn cưỡng chế của xã có lập biên bản kiểm kê tài sản để thực hiện cưỡng chế, đại diện UBND xã Phong Phú thông tin thêm.

Đến ngày 17/6 (một ngày sau khi cưỡng chế phá dỡ, thu giữ tài sản của doanh nghiệp) thì UBND xã ban hành quyết định tạm giữ tang vật, phương tiện vi phạm hành chính do tổ chức vi phạm là Công ty Phong Phú không nhận tài sản trong quá trình cưỡng chế. Đồng thời có Thông báo về việc nhận lại tài sản của UBND xã được ban hành ngày 17/6.

Cũng tại buổi làm việc, Chủ tịch UBND xã Phong Phú cho biết, đại diện Công ty Phong Phú (Chủ đầu tư hợp pháp toàn bộ diện tích đất trong KCN Phong Phú) cũng xác định UBND xã Phong Phú cưỡng chế các công trình vi phạm trên là đúng đối tượng đã được xác định. UBND xã Phong Phú không tổ chức cưỡng chế phá dỡ công trình xây dựng hợp pháp của tổ chức nào ngoài dự án KCN Phong Phú.

Tuy nhiên, ngày 30/6, UBND xã Phong Phú lập Biên bản vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai với đối tượng là ông Nguyễn Trường Giang chiếm đất nông nghiệp là đất trồng lúa với tổng diện tích là 104,3m2 với 5 công trình.

Câu hỏi đặt ra là tại sao trong ngày 16/6, khi có ông Giang tại hiện trường, đoàn cưỡng chế không tổ chức lập biên bản quả tang về hành vi chiếm đất với ông Giang mà đến ngày 30/6 mới lập biên bản khi vắng mặt ông Giang?

Hơn nữa, khi Giám đốc Công ty GTP xác nhận những công trình bị cưỡng chế, số tài sản bị đoàn cưỡng chế thu giữ trong ngày 16/6/2020 thì phía UBND xã Phong Phú lại không quan tâm, biên bản thu giữ, cưỡng chế tháo dỡ lại đưa cho đại diện Công ty Phong Phú ký.

Đến thời điểm hiện tại, khi Công ty Phong Phú không nhận lại tài sản bị thu giữ (trong quá trình cưỡng chế) thì Công ty GTP muốn nhận lại những tài sản đó cũng không được vì trong biên bản thu giữ không có tên Công ty GTP.

Được biết, Công ty GTP đã khởi kiện Công ty Phong Phú ra Tòa án nhân dân Huyện Bình Chánh, TP.HCM.

Theo Luật sư Huỳnh Văn Nông – Đoàn Luật sư TP. HCM cho biết, căn cứ theo các quy định pháp luật hiện hành, văn bản trên của UBND xã Phong Phú không đúng với các trình tự quy định pháp luật. Cụ thể, tại Khoản 1, Điều 5, Nghị định 166/2013/NĐ-CP của Chính phủ quy định, ngay sau khi ra quyết định cưỡng chế, người có thẩm quyền quyết định cưỡng chế phải tổ chức gửi quyết định cưỡng chế cho cá nhân, tổ chức bị cưỡng chế, tổ chức, cá nhân có liên quan. Tuy nhiên ở đây Công ty GTP là tổ chức có liên quan không được UBND xã Phong Phú thông báo quyết định cưỡng chế;

Ngoài ra, tại Khoản 5, Điều 34, Nghị định 166/2013 cũng quy định, trường hợp cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế về việc tháo dỡ, di chuyển công trình xây dựng trái phép hoặc bàn giao đất mà trong công trình và trên đất đó có tài sản không thuộc diện phải cưỡng chế thì người tổ chức cưỡng chế có quyền buộc cá nhân, tổ chức phải thi hành quyết định cưỡng chế và những người khác có mặt trong công trình ra khỏi công trình hoặc khu vực đất, đồng thời yêu cầu họ tự chuyển tài sản ra theo.

Căn cứ các quy định pháp luật trên, Luật sư Nông cho rằng Công ty GTP có thể thực hiện các thủ tục khởi kiện hành vi cưỡng chế thu hồi nhà đất trái luật của UBND xã Phong Phú để có thể bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình.

Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin sự việc.

Long Vũ

Nguồn Khỏe 365: http://khoe365.nguoiduatin.vn/phong-phu-binh-chanh-tp-ho-chi-minh-doanh-nghiep-keu-vi-bi-cuong-che-nham-71549.html