Phòng ngừa và giảm thiểu khiếu nại, tranh chấp đầu tư quốc tế

Quản lý đầu tư nước ngoài có đặc thù là ngoài việc chấp hành đúng quy định pháp luật trong nước còn phải nắm vững và đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên.

Sản xuất điện thoại di động tại Công ty Samsung Việt Nam Thái Nguyên. Ảnh: Danh Lam/TTXVN.

Phòng ngừa và giảm thiểu tranh chấp đầu tư quốc tế là một trong những giải pháp quan trọng trong việc xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh lành mạnh, cạnh tranh từ đó gia tăng thu hút đầu tư nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội.

Đây là nhận định của các chuyên gia tại Hội thảo phòng ngừa và giảm thiểu khiếu nại, tranh chấp đầu tư quốc tế do Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Bộ Tư pháp tổ chức tại Tp. Hồ Chí Minh, ngày 22/6.

*Có xu hướng gia tăng

Ông Vũ Đại Thắng, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, mở cửa thu hút đầu tư nước ngoài là một chủ trương lớn, nhất quán của Chính phủ trong suốt ba thập kỷ qua.

Tính đến tháng 5/2018, Việt Nam đã có quan hệ đầu tư với 127 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 25.600 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký gần 323 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế ước đạt 179,12 tỷ USD, bằng 55,5% tổng vốn đăng ký còn hiệu lực.

Với sự phát triển nhanh chóng của các hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, xu thế hội nhập mạnh mẽ kèm theo các cam kết về bảo hộ đầu tư ngày càng rộng, yêu cầu đối xử công bằng cho các nhà đầu tư nước ngoài ngày càng cao cũng tiềm ẩn phát sinh những khiếu nại có thể dẫn tới tranh chấp đầu tư với Chính phủ.

Theo ông Vũ Đại Thắng, trên thực tế số lượng các vụ khiếu nại, vướng mắc, tranh chấp đầu tư giữa nhà đầu tư nước ngoài với các cơ quan quản lý nhà nước, với Chính phủ đang có chiều hướng gia tăng cả về số lượng và mức độ phức tạp.

Theo rà soát, thống kê của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì các vướng mắc, khiếu nại, khiếu kiện của nhà đầu tư nước ngoài liên quan chủ yếu tới lĩnh vực đất đai, thuế và tiền thuê đất, tranh chấp cổ đông, lao động, môi trường, quan hệ với cộng đồng dân cư địa phương, thủ tục đăng ký doanh nghiệp, cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư; các vướng mắc khi thu hồi dự án, thu hồi giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, thu hồi đất, giải thể doanh nghiệp, chuyển đổi doanh nghiệp, quyền khai thác khoáng sản...

Các vướng mắc, khiếu nại này của nhà đầu tư nước ngoài nếu không được các cơ quan quản lý nhà nước phản hồi, giải quyết kịp thời và hiệu quả sẽ tiềm ẩn khả năng phát sinh thành tranh chấp quốc tế, làm giảm lòng tin của nhà đầu tư và tính hấp dẫn của môi trường đầu tư Việt Nam.

Bà Lê Thị Huỳnh Mai, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh thông tin, Tp. Hồ Chí Minh là địa phương dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư nước ngoài, lũy kế tới nay trên địa bàn Tp. Hồ Chí Minh có 7.779 dự án đầu tư nước ngoài còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đầu tư đạt gần 45 tỷ USD.

Bên cạnh những đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế - xã hội, hoạt động đầu tư nước ngoài cũng đặt ra nhiều vấn đề trong việc quản lý, vừa phải đảm bảo môi trường kinh doanh lành mạnh, đúng quy định của pháp luật, tạo cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế lại vừa không làm phương hại tới lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư và phù hợp với các tập quán đầu tư kinh doanh quốc tế.

Quản lý đầu tư nước ngoài có đặc thù là ngoài việc chấp hành đúng quy định pháp luật trong nước còn phải nắm vững và đảm bảo phù hợp với các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên. Các hiệp định bảo hộ đầu tư và các hiệp định song phương, đa phương cho phép nhà đầu tư nước ngoài trong trường hợp cần thiết có thể khởi kiện Chính phủ Việt Nam ra các cơ quan tài phán quốc tế.

Cụ thể, tại Tp. Hồ Chí Minh đã phát sinh một số dự án nhà đầu tư nước ngoài kiện ra cơ quan tài phán quốc tế. Ngoài ra, hiện nay Sở Kế hoạch và Đầu tư Tp. Hồ Chí Minh cũng đang tiếp nhận và giải quyết 8 vụ việc có khả năng chuyển thành tranh chấp quốc tế.

Theo bà Lê Thị Huỳnh Mai, nguyên nhân của thực trạng phát sinh nhiều khiếu nại, tranh chấp trong đầu tư quốc tế hiện nay xuất phát từ việc thay đổi trong chính sách, quy định liên quan đến ưu đãi thuế, đất đai, điều khoản chuyển giao. Việc điều chỉnh quy hoạch các địa phương, ngành nghề khiến nhiều dự án phải chấm dứt hoạt động hoặc di dời. Mặt khác, vẫn còn sự chồng chéo, mâu thuẫn trong nội dung của các văn bản pháp luật dẫn đến sự lúng túng khi giải quyết khiếu nại, vướng mắc…

Các luật sư thì cho rằng, mấu chốt của việc phát sinh các khiếu nại, tranh chấp trong đầu tư quốc tế hiện nay là do hiệu quả và tính nhất quán trong việc thực thi chính sách pháp luật chưa cao. Thêm vào đó, tới thời điểm hiện tại, Việt Nam vẫn chưa có một chương trình phòng ngừa tranh chấp thống nhất, tập trung với những mục tiêu, nhiệm vụ và hoạt động cụ thể.

*Xây dựng cơ chế phòng ngừa

Trong bối cảnh hội nhập kinh tế sâu rộng và thu hút đầu tư nước ngoài là động lực phát triển kinh tế, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam phải nhanh chóng xây dựng cơ chế phòng ngừa, giảm thiểu các tranh chấp trong đầu tư quốc tế để củng cố uy tín và sức hút của môi trường đầu tư kinh doanh.

Bà Lê Thị Ngọc Hà, Giảng viên trường Đại học Luật Tp. Hồ Chí Minh cho rằng, nếu để xảy ra tranh chấp quốc tế thì việc giải quyết sẽ rất tốn kém về chi phí, nhân lực và thời gian. Một vụ tranh chấp có thể ngốn hàng chục triệu USD cho chi phí tố tụng, bao gồm chi phí, trọng tài, chuyên gia, nhân chứng… và mất nhiều năm để có được một phán quyết. Các nhà đầu tư vừa và nhỏ có thể sẽ không đủ nguồn lực để theo đuổi cơ chế giải quyết tranh chấp này. Bản thân nước tiếp nhận đầu tư, nhất là các nước đang phát triển cũng rất khó khăn để trích ngân sách nhà nước chi trả cho các khoản chi phí và thậm chí có thể bồi thường thiệt hại rất lớn nếu thua kiện.

Theo bà Hà, trong điều kiện Việt Nam vẫn chưa có một cơ chế phòng ngừa tranh chấp đầu tư quốc tế cụ thể thì việc nghiên cứu kinh nghiệm một số quốc gia về xây dựng cơ chế này là cần thiết.

Cùng quan điểm, Luật sư Nguyễn Hưng Quang, chuyên gia tư vấn của Tổ chức Tài chính Quốc tế cho rằng, mặc dù Chính phủ đã có những văn bản đề cập đến phòng chống tranh chấp nhưng chưa có văn bản quy phạm cụ thể nào nêu chi tiết quy trình và thủ tục, phương thức xác định các bên liên quan đến phòng chống tranh chấp được ban hành. Trên thực tế cũng chưa có một đầu mối (cơ quan cụ thể) trong Chính phủ để tiếp nhận, tổng hợp và điều phối xử lý các trường hợp vướng mắc của nhà đầu tư.

Theo đó, Việt Nam cần thiết lập hệ thống phòng ngừa tranh chấp được thể chế hóa theo Cơ chế phản hồi Đầu tư có hệ thống (SIRM) trên toàn bộ nền kinh tế. SIRM sẽ cung cấp hạ tầng pháp luật và thể chế tạo điều kiện để nhà nước xác định, theo dõi, quản lý các vướng mắc nghiêm trọng phát sinh giữa các nhà đầu tư nước ngoài và cơ quan trong nước trong thời gian sớm nhất.

Ông Nguyễn Khánh Ngọc, Thứ trưởng Bộ Tư pháp cho rằng, để giảm thiểu các khiếu nại, tranh chấp trong hoạt động đầu tư nước ngoài cần có giải pháp ngăn ngừa sớm tất cả các nguy cơ có thể dẫn đến tranh chấp. Muốn vậy, bên cạnh việc hoàn thiện cơ chế, chính sách cần phải nâng cao năng lực của cán bộ quản lý đầu tư, đảm bảo việc thực thi pháp luật đúng quy trình, nhất quán và hiệu quả.

“Mặt khác, các địa phương cũng cần sàng lọc, đánh giá, thẩm định đúng năng lực nhà đầu tư trước khi cấp phép, không thu hút đầu tư bằng mọi giá và kiên quyết bảo vệ các quyền, lợi ích chính đáng của Nhà nước trong hoạt động hợp tác với nhà đầu tư nước ngoài.”, ông Ngọc nhấn mạnh./.

Xuân Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: http://bnews.vn/phong-ngua-va-giam-thieu-khieu-nai-tranh-chap-dau-tu-quoc-te/88432.html