Phòng ngừa tội phạm đột nhập trường học, trụ sở doanh nghiệp trộm tài sản

Gần đây, nhiều đối tượng lợi dụng việc lực lượng bảo vệ của các cơ quan, doanh nghiệp, trường học có nhiều sơ hở, hoặc không có người trông giữ tài sản để đột nhập, trộm cắp tài sản...

Trước tình trạng đó, CAQ Đống Đa, Hà Nội đã triển khai nhiều biện pháp truyên truyền, phòng ngừa, nhắc nhở các cá nhân, tổ chức tăng cường cảnh giác, đồng thời truy quét các đối tượng trộm cắp tài sản.

Liên tiếp bắt giữ các đối tượng trộm cắp

Đầu tháng 11-2018, CAQ Đống Đa đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và tạm giam đối với 3 đối tượng gồm Nguyễn Văn Định (SN 1985, trú tại phường Quan Hoa, quận Cầu Giấy, Hà Nội) về hành vi trộm cắp tài sản, Nguyễn Văn Thơm (SN 1984, trú tại xã Phú Xuân, huyện Phú Bình, tỉnh Vĩnh Phúc) cùng Trần Văn Tâm (SN 1986, trú tại xã Tự Lập, huyện Mê Linh, Hà Nội) về hành vi tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có.

Các đối tượng trong vụ trộm cắp máy tính ở phố Vũ Thạnh

Các đối tượng trong vụ trộm cắp máy tính ở phố Vũ Thạnh

Tại cơ quan Công an, Định đã khai lợi dụng việc gia chủ chỉ khóa cửa công ty máy tính rồi về nhà, không có người ngủ lại trông giữ tài sản, Định đã nảy sinh ý định trộm cắp tài sản.

Rạng sáng ngày 29-10, Định đi xe thồ đến cửa hàng máy tính ở phố Vũ Thạnh, phường Ô Chợ Dừa, thấy cửa khóa ngoài, Định dùng xà cầy phá khóa. Khi lọt được vào trong nhà, Định trộm cắp toàn bộ số máy tính cho vào bao tải, rồi để vào sọt của xe thồ, tẩu thoát.

Rời khỏi hiện trường, Định về phòng trọ của mình ở phường Quan Hoa (Cầu Giấy) để cất giấu tài sản trộm cắp được. Ngay trong đêm, Định ngồi kiểm đếm được 51 chiếc máy tính.

Khi trời sáng, Định gọi điện thoại cho Thơm bán 49 chiếc máy tính với giá 65 triệu đồng, Định để lại 2 chiếc để sử dụng. Thơm sau đó tiếp tục “sang tay” 16 chiếc máy tính cho Trần Văn Tâm với giá 20 triệu đồng.

Tang vật của vụ án

Tại cơ quan Công an, Nguyễn Văn Thơm và Trần Văn Tâm đã khai nhận toàn bộ sự việc. Các đối tượng đã giao nộp toàn bộ số máy tính mua của Định.

Trước đó, CAQ Đống Đa cũng đã bắt giữ Phạm Văn Huy (SN 1985, trú tại phường Mỹ Đình 1, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội) về hành vi trộm cắp tài sản.

Ngày 18-10, CAQ Đống Đa nhận được tin báo của cán bộ nhân viên một trường đại học đóng trên phố Chùa Láng về việc phát hiện phòng làm việc tại dãy nhà A của trường bị trộm đột nhập, đục két sắt lấy đi nhiều tài sản.

Ngay khi tiếp nhận tin báo, CAQ Đống Đa đã vào cuộc điều tra, xác minh và truy tìm đối tượng. Bằng các biện pháp nghiệp vụ, sau 2 ngày khẩn trương điều tra, lực lượng Công an đã làm rõ và bắt giữ Phạm Văn Huy.

Tại cơ quan Công an, Huy đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình. Lợi dụng lúc trời tối, vắng người, Huy lấy mũi khoan, tuốc-nơ-vít phá khóa cửa. Khi lọt vào bên trong, Huy lục khắp các ngăn kéo bàn làm việc và lấy đi nhiều tiền. Sau đó, Huy tiếp tục dùng khoan phá két sắt lấy trộm tiền và ngoại tệ. Toàn bộ số tiền lấy trộm được, Huy cất giấu vào trong ba lô rồi tẩu thoát. Tổng số tiền Huy lấy trộm được là 290 triệu đồng cùng 4.500 USD.

Tăng cường phòng ngừa

Nắm bắt được tình hình hoạt động trộm cắp tài sản đột nhập vào trường học, trụ sở doanh nghiệp... trên địa bàn có diễn biến phức tạp, CAQ Đống Đa đã triển khai nhiều biện pháp tuyên truyền, phòng ngừa.

CAQ Đống Đa tuần tra kiểm soát, nhắc nhở người dân phòng ngừa tội phạm

Qua phân tích thủ đoạn hoạt động của tội phạm cho thấy, kẻ gian thường lợi dụng đêm tối các gia đình ngủ say, quên hoặc chủ quan không đóng cửa ra vào, cửa sổ, cửa tum để đột nhập từ tầng 2 qua cửa sổ, cửa thông gió bằng cách dùng tuốc nơ vít vặn ốc khung hoa cửa sổ, cửa thông gió hoặc dùng xà cây cậy mép cánh cửa, bẻ cắt khóa. Mặt khác, các ngày nghỉ lễ, Tết, thứ 7 và chủ nhật nhiều hộ gia đình đi vắng dài ngày hoặc đi làm hành chính không có ai ở nhà, cũng thường bị kẻ gian đột nhập vào lấy trộm tài sản.

Tại trụ sở các cơ quan, trường học, doanh nghiệp, kẻ gian thường lợi dụng sơ hở của lực lượng bảo vệ chỉ trực cổng chính mà không đi tuần tra xung quanh và bên trong, không có hệ thống bảo vệ, đã đột nhập vào trộm cắp tài sản.

Khung thời gian đối tượng thường gây án vào khoảng từ 0h đến 5h, 9h đến 11h và 15h đến 17h hàng ngày và thường đi theo nhóm để có người cảnh giới. Các đối tượng mang theo balo, túi đựng dụng cụ câu cá tối màu, bên trong đựng các dụng cụ để gây án và các tài sản nhỏ nhẹ khi lấy trộm được.

Để phòng ngừa tội phạm này, theo Đại tá Võ Hồng Phương, Trưởng CAQ Đống Đa: “Đối với các trụ sở cơ quan doanh nghiệp cần bố trí bảo vệ chuyên trách. Các tổ dân phòng tự quản, bảo vệ khu tập thể thường xuyên kiểm tra các khu vực được phân công để tăng cường tuần tra vào những giờ đối tượng hay gây án, nhất là ban đêm... nhằm kịp thời phát hiện đối tượng nghi vấn. Không để số lượng tiền lớn trong két sắt tại trụ sở cơ quan, trường học, doanh nghiệp, đồng thời cần gia cố hệ thống cổng, cửa và lắp các thiết bị cảnh giới, báo động kịp thời phát hiện đối tượng gây án như camera an ninh, cảm biến hồng ngoại...

Người dân trước khi đi ngủ, hay rời khỏi nhà cần nêu cao tinh thần cảnh giác phòng ngừa tội phạm, kiểm tra và khóa cổng, khóa cửa, ban công cửa sổ, lắp đặt các thiết bị bảo vệ như chuông báo động, camera...".

Linh Nhi

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/phap-luat/phong-ngua-toi-pham-dot-nhap-truong-hoc-tru-so-doanh-nghiep-trom-tai-san/789737.antd