Phòng ngừa táo bón và nhiều lợi ích sức khỏe khác khi ăn dưa lưới

Dưa lưới là loại trái cây mùa hè mọng nước, có nhiều lợi ích đối với sức khỏe, tiêu biểu là phòng ngừa táo bón, ngăn ngừa mất nước, tốt cho người bị viêm đường tiết niệu...

Vào mùa hè có rất nhiều loại trái cây giàu dưỡng chất, tốt cho sức khỏe. Trong đó dưa lưới hay còn gọi là dưa vàng, là một trong những loại trái cây được chờ đợi nhất trong mùa vì hương vị thơm ngon, giàu dinh dưỡng.

Theo Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), dưa lưới có chứa đầy đủ các vitamin và khoáng chất như: Calo; Protein; Carbohydrate; Chất béo; Vitamin C, A, K, Kali; Magiê, Folate, Beta carotene, Natri,... Ngoài ra, dưa lưới chủ yếu là nước, không có chất béo và cholesterol.

Dưa lưới đã được chứng minh đem lại nhiều lợi ích đối với sức khỏe:

1. Ngăn ngừa mất nước

Bên cạnh việc uống đủ nước, ăn dưa lưới có thể giúp bạn giữ nước trong mùa hè, vì trong dưa lưới có chứa hơn 90% nước, đây cũng là một món ăn nhẹ tuyệt vời trong ngày nắng nóng.

Hơn nữa, loại trái cây này cũng là một nguồn kali dồi dào, bổ sung điện giải cho cơ thể, phòng ngừa nguy cơ mất nước.

Trong thành phần dưa lưới có tới 90% là nước nên có thể giúp giữ nước cho cơ thể trong mùa hè (Ảnh: ST)

Trong thành phần dưa lưới có tới 90% là nước nên có thể giúp giữ nước cho cơ thể trong mùa hè (Ảnh: ST)

2. Hỗ trợ sức khỏe mắt

Dưa lưới là loại trái cây tuyệt vời, giúp tăng cường sức khỏe cho mắt nhờ hàm lượng beta carotene. Ngoài beta carotene, dưa lưới còn chứa lutein và zeaxanthin, hai chất chống oxy hóa hòa tan trong chất béo thuộc nhóm carotenoid gọi là xanthophyll.

Mặc dù lutein và zeaxanthin không được chuyển đổi thành vitamin A, nhưng những chất này có các đặc tính góp phần tăng cường và bảo vệ sức khỏe của mắt, đặc biệt là ở điểm vàng.

3. Phòng ngừa ung thư

Trong dưa lưới có chứa chất chống oxy hóa, có thể ngăn chặn sự tấn công của các gốc tự do - nguyên nhân gây ra nhiều bệnh tật, trong đó bao gồm cả ung thư.

Đặc biệt, chiết xuất từ vỏ và hạt của dưa lưới đã được chứng minh là ngăn chặn sự phát triển của các tế bào khối u ở thận, vùng đại trực tràng và vùng cổ tử cung.

Có nghiên cứu còn chỉ ra rằng, các đặc tính chống oxy hóa của dưa và vỏ ức chế sự lây lan của các khối u từ 20% đến 85%. Tuy nhiên, nghiên cứu này là sơ bộ và không kết luận nên cần có nhiều nghiên cứu chứng minh hơn.

Chiết xuất từ vỏ và hạt của dưa lưới đã được chứng minh là ngăn chặn sự phát triển của các tế bào khối u (Ảnh: ST)

4. Hỗ trợ chữa lành vết cháy nắng

Dưa cung cấp các dưỡng chất có tác dụng bảo vệ ánh sáng khi ăn hoặc bôi lên da. Khi được bôi lên vùng da bị cháy nắng, chiết xuất dưa lưới làm tăng hoạt động chống oxy hóa, làm giảm các tế bào bị cháy nắng và tăng mức độ melanin.

Mặc dù ăn dưa lưới không thay thế được nhu cầu chống nắng, nhưng có thể giúp cơ thể hỗ trợ chữa lành vết cháy nắng.

5. Hạ huyết áp

Dưa lưới có ít natri và nhiều kali nên có thể hiệu quả trong việc giảm huyết áp cao. Dưa lưới cũng là một lựa chọn tốt cho tim mạch. Chọn thực phẩm giàu kali như dưa lưới có liên quan đến việc giảm nguy cơ tăng huyết áp và đột quỵ.

6. Phòng ngừa táo bón

Những người thường phải đối mặt với táo bón vào mùa hè cũng có thể được cải thiện khi ăn dưa lưới vì loại trái cây này chứa nhiều chất xơ.

Bên cạnh đó, ngoài việc ăn dứa lưới, bạn vẫn nên làm đa dạng nguồn thực phẩm bổ sung, tránh ăn nhiều đồ cay nóng, nhiều dầu mỡ,... Như vậy mới đạt hiệu quả cao trong việc cải thiện chứng táo bón.

Dưa lưới có chứa nhiều chất xơ nên hữu ích trong việc phòng ngừa và cải thiện tình trạng táo bón (Ảnh: ST)

7. Tốt cho người bị viêm đường tiết niệu

Theo một nghiên cứu, tiêu thụ nước ép trái cây và quả mọng, nhiều nước có liên quan đến việc giảm tỷ lệ nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI). Mà trong dưa lưới có hàm lượng nước cao nên có thể loại bỏ độc tố, hỗ trợ cải thiện tình trạng UTI.

Ngoài ra, trong dưa lưới còn có các dưỡng chất khác có lợi đối với những người viêm đường tiết niệu như:

- Vitamin C có thể hạn chế sự phát triển của vi khuẩn trong hệ thống đường tiết niệu của bạn

- Kali có thể hỗ trợ cải thiện và phòng ngừa UTI. Vì theo một nghiên cứu, hạ kali máu (nồng độ kali thấp) có liên quan đến nhiễm trùng đường tiết niệu.

Những lưu ý khi ăn dưa lưới

Mặc dù đem lại nhiều lợi ích sức khỏe, nhưng dưa lưới có thể gây ra một số tác dụng phụ như:

- Có thể gây dị ứng: Những người mắc hội chứng dị ứng miệng (OAS) có thể phản ứng khi ăn dưa lưới, đặc biệt nếu họ cũng dị ứng với cỏ. Các triệu chứng có thể bao gồm ngứa hoặc sưng miệng, mặt, môi, lưỡi và cổ họng, và trong những trường hợp nghiêm trọng hơn, khó thở hoặc nuốt. Do đó, khi có các phản ứng trên, bạn nên đến bệnh viện để được thăm khám và xử lý kịp thời.

- Không nên ăn dưa lưới vào tối muộn vì với hàm lượng đường và nước cao có thể khiến mọi người đi vệ sinh nhiều hơn vào ban đêm, ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ, lượng đường trong máu tăng.

- Không nên ăn quá nhiều dưa lưới vì hàm lượng kali cao có thể ảnh hưởng tới sức khỏe của thận, làm tăng kali máu.

- Nếu bạn bị tiêu chảy, chuột rút hoặc khó tiêu hóa thức ăn cũng không nên ăn nhiều dưa lưới, vì nếu nạp nhiều chất xơ trong loại trái cây này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe đường ruột.

Nguồn: Verywellfit và Webmd

Vân Anh

Nguồn Phụ Nữ VN: https://phunuvietnam.vn/phong-ngua-tao-bon-va-nhieu-loi-ich-suc-khoe-khac-khi-an-dua-luoi-20230407113438774.htm