Phòng ngừa tai nạn đuối nước trong dịp hè

Không chỉ là một môn thể thao, hoạt động bơi lội còn nhằm giải tỏa cơn nóng gay gắt mùa hè. Để có một mùa hè an toàn và bổ ích, mỗi người đi bơi, nhất là trẻ em cần thành thạo những kỹ năng cơ bản về bơi lội. Mới bắt đầu vào hè nhưng trên địa bàn Hà Nội và cả nước đã xảy ra nhiều vụ đuối nước thương tâm, trong đó phần lớn nạn nhân là trẻ em. Đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh đối với các bậc phụ huynh, cũng như các cơ quan chức năng.

Theo số liệu của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội Hà Nội, trong năm 2018 và 5 tháng đầu năm 2019, tại thành phố đã có 53 trường hợp trẻ em chết do đuối nước. Ngày 4-6, tại bể bơi Đền Lừ (thuộc Trường Thể dục thể thao thanh thiếu nhi quận Hoàng Mai) đã xảy ra vụ đuối nước, khiến một bé trai 7 tuổi phải nhập viện cấp cứu.

Để phòng ngừa các vụ đuối nước, từ năm 2016, UBND thành phố Hà Nội đã triển khai Chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước cho trẻ em giai đoạn 2016-2020, trong đó công tác phổ cập bơi và trang bị kỹ năng chống đuối nước cho trẻ em được đặc biệt chú trọng. Ngay từ đầu mùa hè năm 2019, UBND thành phố Hà Nội đã phát động toàn dân tập luyện môn bơi, phòng, chống đuối nước với sự vào cuộc của các quận, huyện, sở, ngành chức năng. Dù đã có quyết tâm cao, nhưng hiệu quả của chương trình chưa đạt kết quả đề ra. Còn tình trạng này là do trên địa bàn thành phố còn thiếu bể bơi, việc dạy bơi chưa được tổ chức đồng bộ, cơ sở vật chất còn nhiều thiếu thốn, nhất là ở khu vực ngoại thành.

Tính đến cuối tháng 5-2019, toàn thành phố có 291 bể bơi do Sở Văn hóa và Thể thao cấp phép, quản lý. Nhiều bể trong số này thuộc các trung tâm thể dục thể thao cấp quận, huyện, số còn lại hoạt động theo hình thức xã hội hóa do tư nhân đầu tư, quản lý. Một số bể bơi có cơ sở vật chất tốt, nhưng nằm trong khách sạn hoặc khu đô thị thu phí cao, cho nên số đông người dân khó tiếp cận. Một số huyện chưa có bể bơi hoặc cả huyện chỉ có từ một đến hai bể như: Mỹ Đức, Phú Xuyên, Thanh Oai, Phúc Thọ, Sóc Sơn, Ứng Hòa… Thiếu bể bơi gây nhiều khó khăn cho công tác phổ cập bơi, dạy kỹ năng chống đuối nước, kỹ năng cứu đuối cho trẻ em, không đáp ứng được nhu cầu bơi lội của người dân.

Thực trạng này đòi hỏi thành phố cần có những biện pháp cụ thể, thiết thực và khẩn trương để tăng số lượng, cũng như chất lượng các bể bơi. Thành phố cần có chính sách khuyến khích các tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng bể bơi, hồ bơi tại các xã, phường, thị trấn, trường học, có chế độ ưu tiên, miễn, giảm tiền thuê bể bơi, tiền học phí cho trẻ em, tiếp tục tập huấn bồi dưỡng nghiệp vụ chương trình bơi an toàn, phòng, chống đuối nước, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho cán bộ, giáo viên, hướng dẫn viên ở cơ sở...

Để tiếp tục đẩy mạnh phong trào toàn dân, nhất là trẻ em học bơi và phòng, chống đuối nước, Phó Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội Trần Thị Vân Anh khẳng định: Thời gian tới, thành phố xác định đây là nhiệm vụ quan trọng cần được quan tâm hơn nữa và sẽ tiếp tục phối hợp, chỉ đạo các đơn vị liên quan phát động phong trào trẻ em học bơi, phòng, chống tai nạn đuối nước trong dịp hè năm 2019 và những năm tiếp theo.

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/hanoi/item/40531102-phong-ngua-tai-nan-duoi-nuoc-trong-dip-he.html