Phòng ngừa rủi ro và giải quyết tranh chấp trong giao dịch M&A

Ngày 21/12, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) phối hợp với Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) tổ chức hội thảo 'Giao dịch M&A: Nhận diện rủi ro pháp lý, phòng ngừa và giải quyết tranh chấp' tại Hà Nội.

Phát biểu tại hội thảo, ông Vũ Ánh Dương - Phó Chủ tịch Trung tâm Trọng tài quốc tế Việt Nam (VIAC) cho hay: "Đây là năm thứ ba liên tiếp, Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, Ủy ban Trọng tài Thương mại Hàn Quốc (KCAB) phối hợp cùng tổ chức sự kiện phục vụ cộng đồng doanh nghiệp. Là hai tổ trọng tài tiêu biểu của Việt Nam và Hàn Quốc, chúng tôi luôn cố gắng tổ chức nhiều hoạt động đóng góp vào sự phát triển của trọng tài thương mại và các phương thức giải quyết tranh chấp lựa chọn khác (ADRs) – phương thức giải quyết được tin dùng rộng rãi trên thế giới, đặc biệt là trong thời đại của giao thương kinh tế toàn cầu như hiện nay".

Thị trường M&A (mua bán, sáp nhâp – PV) Việt Nam, đã trải qua một thập kỷ sôi động với nhiều cơ hội mới trong bối cảnh nền kinh tế Việt Nam tiếp tục chuyển biến tích cực. Theo thống kê của nhóm nghiên cứu diễn đàn M&A Việt Nam 2018 (MAF) thì có 4.353 thương vụ với tổng giá trị M&A đạt 48,8 tỷ USD được thực hiện trong giai đoạn 2009-2018.

Sau 10 năm cùng với sự phát triển của thị trường, các nhà đầu tư bắt đầu quan tâm nhiều hơn về các rủi ro trong các thương vụ M&A, đặc biệt là các rủi ro về mặt pháp lý – nguyên nhân chính và trực tiếp dẫn tới việc đổ bể thương vụ, kiện tụng ồn ào và tốn kém sau đó.

Sự không rõ ràng của hệ thống pháp lý về M&A dẫn đến sự không chắc chắn về tính hợp pháp của giao dịch; khả năng giao dịch M&A bị hủy bỏ sự diễn giải hoặc sự phán xét,quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; rủi ro tiềm tang về việc thực hiện các chế tài nhất định…

Ông Đặng Xuân Hợp, Trọng tài viên, thành viên hội đồng khoa học VIAC, nhận định: “Hoạt động M&A nói riêng cũng như các hoạt động giao thương nói chung luôn đi kèm với rủi ro xảy ra tranh chấp. Việc tiếp cận, tìm hiểu và nâng cao khả năng sử dụng trọng tài thương mại là việc các doanh nghiệp cần lưu ý để không bị “bỡ ngỡ” hay “lỡ nhịp” trong dòng chảy nhộn nhịp của giao thương hội nhập hiện nay”. Cả ông Hợp và ông Kwon đều tin tưởng rằng trọng tài và các phương thức ADR khác là phương thức giải quyết tranh chấp tiên tiến và hiệu quả, được sử dụng rộng rãi trên thế giới.

Chia sẻ góc nhìn từ các thương vụ M&A, ông Phạm Duy Nghĩa, Trọng tài viên VIAC, Giám đốc Chương trình Thạc sỹ Chính sách công Đại học Fulbright Việt Nam cho rằng: “Các nhà đầu tư thực hiện M&A với doanh nghiệp nhà nước cần nhớ rằng họ mua để kiểm soát công ty và làm ăn lâu dài tại Việt Nam nên họ không chỉ cần tìm hiểu các vấn đề luật giấy mà còn cần tạo ra các liên kết không chính thức với nhau để tự bảo vệ quyền lợi của mình cũng như thích nghi các yếu tố Việt Nam”.

Hội thảo tổ chức nhằm tạo ra một cơ hội để các doanh nghiệp đang hoặc sẽ có hoạt động M&A, các doanh nghiệp tham gia vào thị trường M&A với vai trò tư vấn, hỗ trợ giao dịch M&A có thể trao đổi và tiếp cận những thông tin hữu ích từ các chuyên gia đã nghiên cứu, theo dõi cũng như trực tiếp tham gia vào các hoạt động M&A liên quan tới vấn đề nhận diện rủi ro pháp lý để từ đó có phương án phòng ngừa cũng như quản lý và giải quyết tranh chấp hiệu quả.

Vấn đề quản lý rủi ro và quản lý tranh chấp sẽ được đề cập tới ở nhiều phương diện, qua đó, hy vọng sẽ giúp ích cho các doanh nghiệp đưa ra lựa chọn phù hợp về phương thức giải quyết tranh chấp cũng như sử dụng hiệu quả hơn các công cụ này để giảm thiểu các chi phí cũng như thời gian cho việc xử lý các tranh chấp phát sinh, không làm lỡ mất các cơ hội “chốt deal” trong các thương vụ M&A vốn được đánh giá là quá trình “dễ tổn thương” bởi các yếu tố bên ngoài.

Tạ Hạnh

Nguồn Tuổi Trẻ TĐ: https://tuoitrethudo.com.vn/phong-ngua-rui-ro-va-giai-quyet-tranh-chap-trong-giao-dich-ma-d2060237.html