Phòng ngừa các bệnh do nắng nóng

Nắng nóng kéo dài nhiều ngày qua xảy ra trên diện rộng, không những gây cảm giác khó chịu, mà còn khiến chúng ta dễ mắc bệnh, nhất là người già và trẻ em.

Người dân đến đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Người dân đến đăng ký khám bệnh tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Đầu tháng 5/2020, Bệnh viện Bãi Cháy đã tiếp nhận trường hợp bị sốc nhiệt/theo dõi ngộ độc khói do cháy khi đi đốt nương làm rẫy. Bệnh nhân là chị Chìu Thị M. (49 tuổi, trú tại huyện Tiên Yên) nhập viện trong tình trạng hôn mê, rối loạn ý thức, có tổn thương gan, tụt huyết áp.

Theo lời kể của gia đình, chị M. đi đốt nương lúc 7 giờ, trời hôm đó nắng và nóng. Lúc 13 giờ cùng ngày, chị M. được người xung quanh phát hiện bất tỉnh ở nương và đưa chị vào viện cấp cứu.

Theo các bác sĩ, chị M. bị sốc nhiệt và may mắn được phát hiện, cấp cứu kịp thời nên đã tránh được tử vong.

Sốc nhiệt xảy ra ngoài cộng đồng trong điều kiện lao động và môi trường nóng là tình trạng tăng thân nhiệt quá mức (thường trên 40 độ C). Do kết hợp của việc tiếp xúc với nhiệt nóng từ môi trường và việc tăng thân nhiệt do cơ thể vận động quá mức, lại mất nước.

Hậu quả là hoạt động chuyển hóa bình thường của cơ thể bị ngừng lại hoặc rối loạn, dẫn tới tổn thương rất nhiều cơ quan, như hôn mê, co giật, trụy tim mạch, tổn thương gan, suy gan, rối loạn đông máu nội quản rải rác, tiêu cơ vân, suy thận...

Nạn nhân thường không tử vong ngay tại chỗ mà tử vong tại các cơ sở y tế do đến muộn, suy đa tạng hoặc không được cấp cứu ban đầu kịp thời, đúng cách.

Bệnh nhân Chìu Thị M. được cấp cứu kịp thời bằng phương pháp Oxy cao áp tại Bệnh viện Bãi Cháy.

Để phòng tránh các trường hợp sốc nhiệt do lao động và môi trường nóng, người dân không nên đốt nương rẫy, khi chữa cháy rừng nên chú ý uống đủ nước có chứa muối, hạn chế tiếp xúc với lửa hay hơi nóng, nên làm việc vào buổi sáng sớm và kết thúc sớm, buổi chiều bắt đầu muộn và kết thúc muộn...

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19, năm nay học sinh sẽ được nghỉ hè muộn hơn. Các em hiện tiếp tục đến trường trong những ngày nắng, nóng của mùa hè.

Dự phòng bệnh nắng nóng cho trẻ cần tránh những nơi nắng gắt, không đứng trực tiếp dưới ánh nắng mặt trời hay đứng ở nơi đông người; hạn chế hoạt động thể lực mạnh, tranh thủ tìm chỗ trú ở nơi có bóng râm; uống đủ nước…

Một số khuyến cáo dành cho các bậc phụ huynh của trẻ trong những ngày nắng nóng:

Tiêm phòng vắc xin đầy đủ theo khuyến cáo để giảm tỷ lệ mắc bệnh lây nhiễm.

Cho trẻ uống đủ nước. Tránh ra trời nắng trong khoảng từ 10 giờ – 16 giờ.

Sử dụng điều hòa nhiệt độ đúng cách (25 – 28 độ C). Chú ý sự thay đổi nhiệt độ đột ngột dễ gây nguy cơ rối loạn chức năng điều nhiệt nhiệt ở trẻ.

Nắng nóng cũng là nguyên nhân làm gia tăng các bệnh tai biến mạch máu não, tăng huyết áp, nhồi máu cơ tim, thậm chí gây đột tử. Tại Khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, hiện đang tiếp nhận điều trị từ 70-80 bệnh nhân mỗi ngày.

Bác sĩ Nguyễn Thị Thoa, Trưởng khoa Tim mạch, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, cho biết: Thời tiết nắng nóng cũng rất nguy hiểm đối với người già và những người có bệnh lý về tim mạch vì nắng nóng là điều kiện thuận lợi cho bệnh tăng huyết áp kịch phát. Với người già, chỉ cần ra đường vào thời điểm nắng nóng cũng gây ra rối loạn mạch, đặc biệt là tình trạng mất nước. Khi mất nước sẽ làm cho máu bị cô đặc lại và chảy về não chậm hơn nên càng có nguy cơ xảy ra đột quỵ.

Nhằm phòng tránh nguy cơ đột quỵ, tăng huyết áp ở người lớn tuổi trong thời tiết nắng nóng, bác sĩ khuyến cáo, nên uống nhiều nước cho dù không khát nước, ít nhất 1,5 lít mỗi ngày. Tốt nhất là giải nhiệt bằng nước trà, trà thanh nhiệt, nước cam, nước chanh, thường xuyên ăn thức ăn giàu vitamin.

Đối với những bệnh nhân có bệnh tim mạch và tai biến trước đó, ngay khi có hiện tượng đau đầu, chóng mặt, buồn ngủ cả ngày, lơ mơ… nên đưa ngay đến bệnh viện để kịp thời điều trị.

Để giảm thiểu tác hại do thời tiết nắng nóng kéo dài gây ra, Sở Y tế Quảng Ninh đã yêu cầu các đơn vị y tế trên địa bàn tỉnh triển khai các giải pháp tăng cường công tác y tế phòng chống nắng nóng.

Theo đó, các đơn vị y tế trang bị đủ các phương tiện đảm bảo chống nóng cho người bệnh đến khám và điều trị; bổ sung quạt, bảo đảm đủ nước uống, nước sinh hoạt và hướng dẫn chế độ dinh dưỡng hợp lý cho bệnh nhân; giảm quá tải tại khu vực khám bệnh, khu vực thu viện phí; đẩy mạnh việc khám theo hẹn để hạn chế thời gian chờ đợi của người bệnh; tại khoa điều trị, đảm bảo người bệnh được nằm trong điều kiện thoáng mát, không để tình trạng nằm ghép.

Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đẩy mạnh truyền thông cho người dân về các biện pháp phòng chống nắng nóng; hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, phòng chống các dịch bệnh mùa hè; chuẩn bị đủ cơ số thuốc, hóa chất, nhân lực xử lý khi có ổ dịch, phối hợp với các đơn vị trong công tác phòng chống dịch, đặc biệt là dịch Covid-19, không để dịch bùng phát trên địa bàn.

Nguyễn Hoa

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202006/phong-ngua-cac-benh-do-nang-nong-2487205/