Phòng ngừa ''bà hỏa'' khi đốt vàng mã

Thắp hương, đốt vàng mã dịp mùng 1, ngày rằm âm lịch và các ngày lễ, Tết là hoạt động thường xuyên của nhiều gia đình, chủ cơ sở sản xuất, kinh doanh. Việc này luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao. Để hạn chế tối đa các sự cố liên quan đến 'bà hỏa' tại Hà Nội, song song công tác tuyên truyền nâng cao ý thức người dân thì rất cần những biện pháp chủ động phòng ngừa từ địa bàn, cơ sở.

Lực lượng Cảnh sát phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Hoàn Kiếm) kiểm tra, nhắc nhở một cơ sở kinh doanh trên phố Hàng Mã thực hiện tốt công tác phòng cháy, chữa cháy.

Nhiều nguy cơ xảy ra cháy, nổ

Trong những ngày tháng Bảy âm lịch, hình ảnh dễ gặp ở nhiều tuyến phố của Hà Nội là cảnh đốt vàng mã. Tại những khu vực tập trung nhiều cơ sở kinh doanh hay khu dân cư đông đúc ở các quận Ba Đình, Hoàn Kiếm, Đống Đa, Hoàng Mai…, càng dễ bắt gặp hoạt động này.

Anh Phạm Văn Long (phường Thành Công, quận Ba Đình) cho hay, tại phố La Thành tập trung các cơ sở kinh doanh mặt hàng đồ gỗ, nhưng nhiều người thản nhiên đốt vàng mã ngay trên vỉa hè, dưới lòng đường mà không dùng lư hay lò hóa vàng. “Việc đốt vàng mã này diễn ra xuyên tháng Bảy âm lịch. Khói bụi, tàn lửa theo gió bay tứ tung khiến nhiều người lo lắng về nguy cơ xảy ra cháy nổ, nhất là tại nhiều cửa hàng có tồn chứa mặt hàng dễ cháy như gỗ, dung môi”, anh Phạm Văn Long bày tỏ.

Trên phố Hàng Mã (quận Hoàn Kiếm), nơi tập trung gần 100 cơ sở kinh doanh các mặt hàng vàng mã, đồ chơi cũng có nguy cơ xảy ra cháy rất cao. Thượng úy Lê Hải Chiều, Cảnh sát khu vực phường Hàng Mã cho biết, qua kiểm tra cho thấy, hầu hết các cơ sở kinh doanh không đáp ứng các quy định về phòng cháy, chữa cháy. Đơn cử như việc các cơ sở vẫn xếp hàng hóa, vật dụng chắn lối ra vào; người dân tùy tiện thắp hương thờ cúng trong cửa hàng… “Năm 2020, khu vực phố Hàng Mã chưa xảy ra sự cố cháy nổ, tuy nhiên đây là địa bàn tiềm ẩn nguy cơ cháy cao của phường”, Thượng úy Lê Hải Chiều nói.

Không chỉ tại các cơ sở kinh doanh, thực trạng đốt vàng mã cũng tiềm ẩn xảy ra cháy nổ tại các khu dân cư, chung cư. Tổ trưởng tổ dân phố 60 (tòa HH4C Linh Đàm, phường Hoàng Liệt, quận Hoàng Mai) Đỗ Xuân Dũng cho biết, do mật độ dân cư cao nên việc quản lý các hoạt động đốt vàng mã ở chung cư rất khó khăn. Thực tế trên địa bàn tổ hợp chung cư HH Linh Đàm những năm trước đây cũng đã xảy ra cháy do người dân đốt vàng mã tại căn hộ.

Theo Thiếu tá Thịnh Vũ Khanh, Đội trưởng Đội phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ (Công an quận Đống Đa), việc đốt vàng mã là tục lệ đã ăn sâu trong tiềm thức của người dân Việt Nam. Trong khi đó, muốn bảo đảm an toàn phòng cháy, chữa cháy trong việc đốt vàng mã tại các gia đình, cơ sở kinh doanh thì chỉ biết dựa vào việc tuyên truyền để nâng cao ý thức của người dân chứ không thể xử phạt được vì thiếu chế tài.

Chủ động phòng ngừa

Người dân vô tư đốt vàng mã trên một tuyến phố ở Hà Nội trong dịp Rằm tháng Bảy âm lịch. Ảnh: Tiến Thành

Thống kê của Công an thành phố Hà Nội cho thấy, từ đầu năm 2020 đến nay, trên địa bàn thành phố chưa xảy ra cháy nhà dân, cơ sở kinh doanh do thắp hương, đốt vàng mã. Tuy nhiên, không vì thế mà chủ quan, cần sự vào cuộc tích cực của lực lượng chức năng trong nhắc nhở, tuyên truyền, nâng cao ý thức người dân.

Là địa bàn có nhiều di tích thu hút người dân đến thắp hương, lễ bái như chùa Trấn Quốc, Phủ Tây Hồ, chùa Tảo Sách, Phó Chủ tịch UBND quận Tây Hồ Nguyễn Lê Hoàng cho biết, quận thường xuyên kiểm tra, tập huấn các quy định về an toàn phòng cháy, chữa cháy cho các ban quản lý di tích, đồng thời bố trí lực lượng tại chỗ sẵn sàng ứng phó các sự cố cháy, nổ có thể xảy ra. Trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp, lực lượng chức năng quận đã thực hiện các biện pháp hạn chế tập trung đông người tại các di tích, đền chùa trên địa bàn. Do đó tình trạng thắp hương, đốt vàng mã tại đây đã giảm hẳn so với trước đó.

Trong khi đó, tại nhiều tòa chung cư trên địa bàn thành phố cũng đã lắp đặt các lò đốt vàng mã để phục vụ cư dân. Theo ông Hoàng Đình Thảo, kỹ sư trưởng tòa nhà Hà Nội Center Point (quận Thanh Xuân), tại khu chung cư của tòa nhà, các lò hóa vàng được đặt ở khu vực xa các căn hộ, có hệ thống chữa cháy và bảo vệ túc trực nhằm xử lý ngay những tình huống có thể xảy ra cháy. “Bên cạnh đó, hệ thống camera giám sát của tòa nhà được sử dụng để kịp thời phát hiện người dân đốt vàng mã trong chung cư, từ đó lực lượng bảo vệ kiểm tra, nhắc nhở, bảo đảm an toàn phòng, chống cháy, nổ”, ông Hoàng Đình Thảo chia sẻ.

Theo Đại tá Trần Ngọc Dương, Phó Giám đốc Công an thành phố Hà Nội, để hạn chế các vụ cháy từ việc thắp hương, đốt vàng mã, công tác kiểm tra việc chấp hành các quy định về phòng cháy, chữa cháy tại cơ sở kinh doanh vẫn được các đơn vị duy trì. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền về phòng cháy, chữa cháy cho người dân có bước đổi mới, với những nội dung thiết thực như lồng ghép video clip về hậu quả của các vụ cháy do thắp hương, đốt vàng mã... qua đó tác động tích cực đến ý thức chấp hành pháp luật về phòng cháy, chữa cháy của nhân dân.

Mai Hữu

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/xa-hoi/977784/phong-ngua-ba-hoa-khi-dot-vang-ma