Phòng lưu niệm đặc biệt về Bác Hồ của lão nông 85 tuổi

Một người nông dân quanh năm chân lấm tay bùn, mải mê với đồng ruộng nhưng đã sưu tầm được khối lượng lớn ảnh về Bác, sáng tác một tập sử ca với 1.456 câu thơ, gần 100 trang viết về Đảng, Bác Hồ và xây dựng được Phòng lưu niệm Bác Hồ.

 Ông Trần Văn Cao được vinh danh là điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Ông Trần Văn Cao được vinh danh là điển hình tiêu biểu toàn quốc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Đó là ông Trần Văn Cao (85 tuổi) ở xã Đại Yên, huyện Chương Mỹ, Hà Nội – người đã dành nhiều thời gian, công sức và tâm huyết để xây dựng một phòng lưu niệm đặc biệt về Bác Hồ trong chính căn nhà của mình.

Ông vinh dự được vinh danh là điển hình tiêu biểu toàn quốc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh năm 2020 – năm toàn Đảng, toàn dân long trọng kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Phòng lưu niệm về Bác Hồ đặc biệt ấy rộng hơn 20 m2, trưng bày hơn 300 bức ảnh quý về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác mà ông Trần Văn Cao đã dày công đi nhiều nơi, tìm kiếm nhiều nguồn tư liệu để sưu tầm được trong suốt hơn 10 năm.

Các hình ảnh được sưu tầm theo các mốc thời gian Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước, những năm Người bôn ba ở nước ngoài, hay lúc trở về lãnh đạo hai cuộc kháng chiến chống ngoại xâm và xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc.

Lão nông Trần Văn Cao đã dành gần 12 triệu đồng từ nguồn tiết kiệm ít ỏi của mình để làm khung ảnh và trang trí phòng lưu niệm.

Cùng với hàng trăm bức ảnh giá trị về Chủ tịch Hồ Chí Minh, trong phòng lưu niệm còn có một cuốn sách đặc biệt do ông tự viết, tự in và gìn giữ như một báu vật. Đó là cuốn sách in bài sử dài tới 1.456 câu thơ lục bát ông tự sáng tác trong gần 10 năm về những năm tháng hoạt động cách mạng của Bác.

Ông kể rằng trong 10 năm qua, cứ mỗi ngày ông viết một ít. Hoàn thành phần một của cuốn sử ca gồm 1.456 câu thơ, ông chuyển sang phần hai viết bằng văn xuôi. Phần này ông Cao tập trung viết về 9 năm kháng chiến chống Pháp, 21 năm chống Mỹ và đỉnh cao là chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử. Phần ba của cuốn sử ca được ông kể bằng những bức ảnh về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam.

Cuốn sử ca được ông Trần Văn Cao sáng tác trong gần 10 năm. Ảnh: VGP/Nhật Nam

Về chặng đường 30 năm sưu tầm ảnh Bác Hồ, lão nông Trần Văn Cao bồi hồi kể rằng ông đi đến đâu, từ nhà anh em, bạn bè, cứ thấy ảnh Bác Hồ là xin, xin không được thì mượn để chụp lại. Hầu hết mọi người đều thấy ông tâm huyết nên đều giúp đỡ.

Các bức ảnh ông có được đều là ảnh đen trắng, khi số lượng ảnh đủ lớn, ông Trần Văn Cao quyết định xây dựng một Phòng lưu niệm trưng bày ảnh về Bác Hồ.

Những bức ảnh được bài trí theo từng chủ đề, tạo ra một câu chuyện kể hoàn chỉnh: Bác Hồ với gia đình, Bác Hồ khi ra đi tìm đường cứu nước, những năm Bác hoạt động ở nước ngoài, khi Bác về nước lãnh đạo hai cuộc kháng chiến, Bác Hồ trong công cuộc xây dựng xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, Bác Hồ trong công tác ngoại giao…

Số lượng ảnh tương đối phong phú nhưng ông Cao vẫn chưa hài lòng, vẫn nung nấu sưu tầm những bức ảnh về tuổi ấu thơ của Bác Hồ.

Với ông, việc xây dựng Phòng lưu niệm về Bác Hồ hay sáng tác sử ca về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam không gì hơn ngoài mục đích giữ lại cho con cháu, dân làng và mọi người những giá trị cao đẹp về Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Từ đầu năm 2020, khi Phòng lưu niệm Bác Hồ được hoàn thành, nhà riêng của ông Cao luôn tấp nập người dân trong làng, các đoàn thể trong xã và trong cả huyện Chương Mỹ về tham quan.

Phòng lưu niệm Bác Hồ của gia đình ông Trần Văn Cao trở thành niềm tự hào của cả người dân thôn Đại Phẩm và xã Đại Yên. Đặc biệt, các em học sinh trên địa bàn xã thường đến thăm và nghe những mẩu chuyện về Bác Hồ do chính ông kể và giới thiệu với niềm say mê, hứng khởi.

Khi có khách đến thăm, ông Trần Văn Cao trở thành thuyết minh viên, kể từng dấu mốc, ý nghĩa và những câu chuyện của bức ảnh đó. Trong lời thuyết minh, ai cũng cảm nhận được cảm xúc, tấm lòng của ông với Bác.

Không chỉ sưu tập ảnh, trưng bày tại phòng lưu niệm Bác Hồ, sáng tác sử ca về Đảng, Bác Hồ và Cách mạng Việt Nam, lão nông Trần Văn Cao còn sáng tác nhiều tác phẩm hội họa về chân dung Bác Hồ và những địa danh liên quan đến Bác Hồ: Núi Các Mác, suối Lê Nin, quê Bác, lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh…

Dù tuổi cao, nhưng sức chưa yếu, lão nông Trần Văn Cao mong muốn được đi nói chuyện, tuyên truyền về tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh tại những buổi sinh hoạt của các đoàn thể chính trị của các thôn, xã.

Những ngày này, cả nước đang hướng tới kỷ niệm 130 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, toàn Đảng, toàn quân và toàn dân ta đang đẩy mạnh Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh, Phòng lưu niệm ảnh của người nông dân Trần Văn Cao thật đáng quý và trân trọng, là minh chứng sống cho chân lý Chủ tịch Hồ Chí Minh sống mãi trong lòng mỗi người dân Việt Nam.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: http://baochinhphu.vn/nguoi-totviec-tot/phong-luu-niem-dac-biet-ve-bac-ho-cua-lao-nong-85-tuoi/395452.vgp