Phòng lây truyền cúm gia cầm sang người

Đang là thời điểm giao mùa, thời tiết thay đổi là điều kiện dễ phát sinh các loại dịch bệnh, trong đó có dịch lây truyền từ gia cầm sang người.

Khuyến cáo người nuôi chủ động kiểm soát, phòng dịch; giám sát chặt chẽ tình hình dịch, sự lưu hành của các loại cúm trên gia cầm.

Khuyến cáo người nuôi chủ động kiểm soát, phòng dịch; giám sát chặt chẽ tình hình dịch, sự lưu hành của các loại cúm trên gia cầm.

Theo số liệu của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh (CDC Quảng Ninh), từ đầu năm 2021 đến nay, trên địa bàn tỉnh phát sinh 9 ổ dịch cúm A/H5N6 tại các địa phương Hải Hà, Đầm Hà và Đông Triều. Bệnh cúm A/H5N6 có thể lây sang người và gây tử vong (đã ghi nhận người mắc dẫn đến tử vong ở Trung Quốc). Tuy nhiên, chưa có bằng chứng cúm lây truyền từ người sang người.

Cùng với cúm A/H5N6, mới đây Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp của Liên Hợp Quốc (FAO) và Tổ chức Y tế thế giới (WHO) kêu gọi Chính phủ Việt Nam và cộng đồng cảnh giác với khả năng lây nhiễm cúm A/H5N8 sang người sau khi phát hiện 7 công nhân một trang trại chăn nuôi gà ở Nga bị nhiễm vi rút cúm A/H5N8...

Mặc dù đến thời điểm này, Quảng Ninh chưa ghi nhận trường hợp lây truyền cúm gia cầm sang người, tuy nhiên ngành Y tế khuyến cáo cúm biến chủng có thể lây lan nhanh sang người và nguy hiểm đến tính mạng người dân.

Để chủ động phòng ngừa cúm lây lan từ gia cầm sang người, hiện các địa phương trong tỉnh chủ động kiểm soát và dự phòng nguy cơ dịch bệnh xuất hiện. Trong đó, chủ động kiểm soát, phòng bệnh, tổ chức giám sát chặt tình hình dịch, sự lưu hành của vi rút cúm A/H5N6 và các loại cúm gia cầm khác trên đàn gia cầm; tăng cường kiểm tra, kiểm dịch nhằm hạn chế thấp nhất gia cầm và các sản phẩm gia cầm chưa qua kiểm dịch lưu thông trên thị trường... Các địa phương cũng tổ chức hướng dẫn người chăn nuôi chủ động thực hiện các biện pháp phòng dịch là chính, theo đó chủ động giám sát tình hình chăn nuôi để phát hiện sớm, cảnh báo cũng như xử lý dứt điểm khi dịch mới được phát hiện. Đồng thời, chỉ đạo rà soát, tiêm bổ sung vắc xin cúm gia cầm cho đàn gia cầm nuôi mới, nhất là tại các ổ dịch cũ và các địa phương có nguy cơ cao. Đối với những địa phương xuất hiện ổ dịch cúm A/H5N6 vừa qua, đang khẩn trương các biện pháp cao độ phòng dịch. Điển hình, huyện Hải Hà đã tập trung xử lý ổ dịch; triển khai đợt 1 tiêm phòng cho gia súc, gia cầm, trong đó có 280.000 liều vắc xin cúm gia cầm...

Lực lượng chức năng xử lý ổ dịch cúm A/H5N6 tại thôn 1, xã Quảng Phong (huyện Hải Hà), tháng 1/2021.

Ngành Y tế các địa phương cũng đang tăng cường giám sát, nhằm phát hiện sớm những trường hợp nghi nhiễm cúm trên người và các loại cúm gia cầm khác; phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh viêm đường hô hấp có tiền sử tiếp xúc với gia cầm để cách ly, điều trị và quản lý kịp thời, tránh lây nhiễm cho cộng đồng...

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Dung, Trưởng Khoa Kiểm soát bệnh truyền nhiễm (CDC Quảng Ninh), để chủ động phòng, chống dịch từ gia cầm sang người, người dân khi phát hiện gia cầm ốm chết cần thông báo ngay cho cơ quan y tế, thú y, chính quyền địa phương; không ăn gia cầm, các sản phẩm gia cầm ốm, chết và không rõ nguồn gốc; đảm bảo ăn chín, uống sôi; không giết mổ, vận chuyển, mua bán gia cầm và sản phẩm gia cầm không rõ nguồn gốc. Bên cạnh đó, thường xuyên rửa tay bằng xà phòng, đeo khẩu trang khi tiếp xúc với gia cầm cũng như ở nơi công cộng. Đặc biệt, khi có biểu hiện cúm, như: Sốt, ho, đau ngực, khó thở có liên quan đến gia cầm phải đến ngay cơ sở y tế để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời. Mỗi người dân cần chủ động tiêm phòng cúm mùa để phòng tránh bệnh liên quan đến đường hô hấp. Các cấp, ngành, lực lượng chức năng, địa phương, người dân, nhất là các hộ, cơ sở chăn nuôi, cần nâng cao nhận thức về công tác phòng dịch, từ đó triển khai tốt các biện pháp phòng, chống dịch cúm gia cầm bảo vệ an toàn sức khỏe cũng như sản xuất của nhân dân.

Nguyễn Huế

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/202103/phong-lay-truyen-cum-gia-cam-sang-nguoi-2525363/