Phòng không Việt Nam và thách thức chiến tranh công nghệ cao

Chiến tranh công nghệ cao là cuộc chiến tranh mà vũ khí, trang bị công nghệ cao được sử dụng phổ biến, hoặc chúng là vũ khí phương tiện chủ yếu, có vai trò quyết định trong thực hiện các nhiệm vụ tác chiến.

Ngày nay với sự bùng nổ của cuộc cách mạng khoa học công nghệ (CMKHCN) 4.0, hàng loạt các loại vũ khí công nghệ cao được nghiên cứu, thiết kế với ưu việt nhảy vọt về chất và tính năng kỹ chiến thuật; với những phương thức, thủ đoạn tác chiến quân sự tinh vi, kết hợp các hình thức tiến công: Tâm lý, kinh tế, ngoại giao... (phi vũ trang), nhằm nhanh chóng khuất phục đối phương.

Thực tiễn các cuộc chiến tranh công nghệ cao gần đây (chiến tranh vùng Vịnh (1991); Irắc (1998); Nam Tư (1999); Apganixtan (2001) và gần đây nhất cuộc tấn công quân sự của Mỹ, Anh, Pháp vào Syria...) cho thấy: Không còn phân biệt tiền tuyến, hậu phương, phía trước, phía sau, diễn ra toàn diện trên bộ, trên không, trên biển..., với đa dạng các loại hình và thủ đoạn tác chiến; hoạt động trong mọi điều kiện thời tiết; không phân biệt đêm, ngày và giảm thiểu tối đa tổn thất về con người.

Biên đội 2 chiếc SU-30MK2 cất cánh huấn luyện.

Theo tài liệu nước ngoài, trong chiến tranh Việt Nam, số lính Mỹ chết là 58.148 người, bị thương là 304.000 người. Số liệu đó trong chiến tranh Li Băng (1982-1984) là 260 và 159, trong chiến tranh vùng Vịnh là 148 và 458, trong chiến tranh Xô-ma-li là 43 và 153, trong chiến tranh Nam Tư chỉ có ba lính Mỹ bị bắt ở biên giới, một phi công nhảy dù xuống đất Nam Tư đã được cứu thoát, 7 chết do tai nạn; chiến tranh Ap-ga-ni-xtan là 38 và 120; chiến tranh I-rắc (2003) là 148 người chết (Mỹ:117, Anh: 31) và bị thương 45 người.

Trong tương lai, với sự phát triển như vũ bão của cuộc CMKHCN 4.0, mức độ công nghệ cao của chiến tranh sẽ còn phát triển hơn nữa cả về độ chính xác và uy lực sát thương. Thực tế trong chiến tranh vùng Vịnh trước kia, máy bay F-117A chỉ xuất kích 2,5% lần so với tổng số lần xuất kích của các loại máy bay nhưng đã đánh phá 40% các mục tiêu chiến lược và 30% tổng số mục tiêu đánh phá trong ngày. Trong chiến tranh Nam tư, chỉ 6 máy bay tàng hình B-2 đã đảm nhiệm 30% mục tiêu trọng yếu.

Như vậy, chiến tranh công nghệ cao với ưu điểm quy mô lớn, sức hủy diệt ghê gớm và vô cùng phức tạp; tương lai nếu chiến tranh xảy ra thì đó là cuộc chiến tranh công nghệ cao rất khốc liệt. Song chiến tranh công nghệ cao cũng bộc lộ nhiều nhược điểm khó có thể khắc phục. Chiến tranh công nghệ cao đặt ra yêu cầu cao về chuẩn bị chiến trường và tính đồng bộ toàn hệ thống; chỉ cần một sai sót nhỏ trong hệ thống đã có thể vô hiệu hóa toàn bộ hệ thống. Việc chỉ huy kiểm soát- trinh sát chủ yếu dựa vào phương tiện kỹ thuật; dễ bị tác động bởi địa hình, thời tiết dẫn tới hiệu quả thực tế khác xa với lý thuyết: Theo kết luận của Ủy ban điều tra Quốc hội Mỹ sau chiến tranh vùng Vịnh, xác suất đánh chặn của tên lửa Scud và Patriot chỉ đạt 9%. Tên lửa Tomahowk nhiều quả bay chệch hướng. Máy bay A-10 có 29 lần diệt lầm quân nhà. Trong chiến tranh Nam Tư, số lính Mỹ chết do bắn nhầm chiếm 30% tổng thương vong; các đòn đánh vào sở chỉ huy của Quân đội Nam Tư đều hoàn toàn đánh vào chỗ trống; trong khoảng 30 mục tiêu hoặc nhóm mục tiêu của phòng không chỉ có 9 mục tiêu bị đánh trúng, trong đó 5 mục tiêu bị phá hủy, 4 mục tiêu bị hư hỏng. Trong chiến tranh Apganixtan và Irắc, đánh nhầm quân nhà thường xuyên xảy ra, gây thương vong đáng kể. Gần đây nhất, ngày 7-4-2017, Mỹ đã sử dụng 60 tên lửa Tomahawk từ 2 tàu chiến ở Địa Trung Hải tấn công Syria. Hải quân Mỹ khẳng định đã phóng 59 quả tên lửa, 1 quả hư hỏng do lỗi kỹ thuật, song Bộ quốc phòng Nga đưa ra con số 23. Theo một số chuyên gia phân tích thì những quả tên lửa còn lại của Mỹ đã bị lực lượng phòng không tác chiến điện tử của Syria bắn hạ. Sáng ngày 14-4-2018, liên quân Mỹ- Anh- Pháp đã phóng hơn 100 tên lửa hành trình và không đối đất vào Syria. Ngay sau khi vụ tấn công diễn ra, Syria tuyên bố họ dùng Pantsir-S1 (tổ hợp tên lửa-pháo phòng không, có thể tiêu diệt các mục tiêu tầm ngắn và tầm trung) phá hủy được ít nhất 13 tên lửa; còn Nga tuyên bố Syria đã phá hủy 71/103 tên lửa và không có căn cứ không quân nào của Syria bị phá hủy sau trận không kích.

Bộ đội tên lửa luyện tập nâng cao khả năng sẵn sàng chiến đấu.

Bên cạnh đó chiến tranh công nghệ cao cực kỳ tốn kém, do vậy không thể kéo dài cuộc chiến. Thực tiễn, trong chiến tranh vùng Vịnh với 8% vũ khí công nghệ cao, liên quân tiêu tốn 1,8 tỉ USD; chi phí một ngày không kích là 295 triệu USD; một ngày tác chiến trên bộ 520 triệu USD; vận chuyển quân sự 7 tỉ USD. Trong chiến tranh Nam Tư, chi phí lên tới 1 tỉ USD/ngày. Cuộc chiến tranh Irắc chi phí khoảng 80 tỷ USD. Gần đây nhất Mỹ bắn 66 tên lửa hành trình Tomahawk vào 3 mục tiêu của Syria. Riêng số tên lửa này có giá 92,4 triệu USD (theo tờ USA Today).

Như vậy, chiến tranh công nghệ cao dù rất hiện đại nhưng không tránh khỏi những điểm yếu cốt tử của nó. Do đó, nghiên cứu nắm chắc và hiểu đúng vũ khí công nghệ cao; không quá đề cao, không tuyệt đối hóa, không coi thường dẫn đến chủ quan mất cảnh giác; ngay từ thời bình trong công cuộc xây dựng phát triển đất nước, chúng ta phải ra sức củng cố tiềm lực và sức mạnh quốc phòng, để có thể kiềm chế sức mạnh của vũ khí công nghệ cao, phát huy hiệu quả nghệ thuật quân sự Việt Nam, nghệ thuật tác chiến PK-KQ, chủ động ngăn chặn từ sớm, từ xa các mầm mống gây chiến tranh xâm lược bảo vệ vững chắc bầu trời Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Các lực lượng vũ trang nói chung, lực lượng phòng không, không quân nói riêng cần tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng, tình hình, nhiệm vụ Quân đội; đối tượng, đối tác; tập trung xây dựng Bộ đội PK-KQ vững mạnh về chính trị; phát huy cao độ sức mạnh chính trị, quân sự, ngoại giao, kinh tế, quốc phòng, kết hợp sức mạnh tổng hợp của dân tộc với sức mạnh của thời đại; thực hiện chiến tranh toàn dân, toàn diện...; trong đó, tập trung vào một số nội dung chủ yếu sau:

Chiến sĩ pháo phòng không thực hành huấn luyện.

Thứ nhất, tiếp tục quán triệt sâu sắc đường lối, quan điểm của Đảng về quân sự, quốc phòng, tình hình nhiệm vụ Quân đội; đối tượng, đối tác; tập trung xây dựng Bộ đội PK-KQ có bản lĩnh chính trị vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng và nhân dân; có tinh thần, ý chí, quyết tâm chiến đấu cao “dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng ” trong điều kiện địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Đây là vấn đề có tính nguyên tắc và cũng là mục tiêu, yêu cầu xây dựng Quân chủng Phòng không - Không quân“Cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại”. Thực chất chính là coi trọng xây dựng nhân tố con người, xây dựng người quân nhân cách mạng, có lập trường, tư tưởng kiên định, vững vàng, tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với Đảng, Nhà nước và nhân dân, sẵn sàng nhận và hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Thứ hai, chủ động đẩy mạnh công tác huấn luyện; thực hiện có hiệu quả Nghị quyết 765 của Quân ủy Trung ương “Về nâng cao chất lượng huấn luyện giai đoạn 2013- 2020 và những năm tiếp theo”; phấn đấu tạo được sự đột phá trong huấn luyện, đào tạo nâng cao trình độ và khả năng sẵn sàng chiến đấu. Tổ chức huấn luyện cho Bộ đội sử dụng thành thạo các loại vũ khí, trang bị hiện có, hiểu biết về vũ khí, khí tài, phương tiện của địch để có phương án tác chiến phù hợp. Thường xuyên tổ chức diễn tập, hiệp đồng chiến đấu cho các lực lượng trong Quân chủng và tham gia diễn tập hiệp đồng quân, binh chủng hợp thành, diễn tập khu vực phòng thủ, tăng cường huấn luyện đêm, cơ động nhanh, huấn luyện ngụy trang, nghi binh, phòng tránh đánh trả, huấn luyện hiệp đồng, xử lý các tình huống phức tạp trên biển, đảo và biên giới đất liền, khu vực trọng điểm, huấn luyện cơ động chuyển hóa thế trận linh hoạt, bảo toàn lực lượng chiến đấu lâu dài và nâng cao hiệu suất chiến đấu.

Thứ ba, thường xuyên nghiên cứu nắm chắc bản chất âm mưu, thủ đoạn tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch (tổ chức biên chế lực lượng, phương tiện; âm mưu thủ đoạn tác chiến, phương pháp tác chiến, vũ khí trang bị kỹ thuật...); nhằm đánh giá đúng tương quan lực lượng, xác định cách đánh phù hợp và tạo thế chủ động xây dựng thế trận tác chiến. Nghiên cứu nắm chắc địch là căn cứ quan trọng để người chỉ huy hạ quyết tâm chiến đấu, đồng thời là cơ sở tạo niềm tin, ý chí quyết tâm chiến đấu cho cán bộ, chiến sĩ. Vì vậy, việc nghiên cứu nắm chắc âm mưu, thủ đoạn tiến công hỏa lực đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch và xây dựng ý chí quyết tâm dám đánh, biết đánh và quyết đánh thắng là vấn đề không tách rời nhau.

Thứ tư, thực hiện tốt công tác kỹ thuật, hậu cần cho các nhiệm vụ cả thường xuyên và đột xuất. Hiện nay, Quân chủng PK-KQ đã và đang được Đảng, Nhà nước, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng quan tâm, đẩy nhanh quá trình hiện đại hóa, chấn chỉnh tổ chức lực lượng; tiếp nhận, khai thác, làm chủ nhiều vũ khí trang bị kỹ thuật mới, cải tiến; nên việc bảo đảm tốt công tác kỹ thuật là vấn đề then chốt đối với việc hoàn thành nhiệm vụ.

Thứ năm, tiếp tục nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ, đáp ứng yêu cầu bảo vệ bầu trời Tổ quốc trong chiến tranh công nghệ cao, trên cơ sở kế thừa truyền thống về nghệ thuật tác chiến PK-KQ trong các cuộc chiến tranh bảo vệ Tổ quốc trước đây, đẩy nhanh việc nghiên cứu, phát triển nghệ thuật tác chiến PK-KQ, trong thế trận chiến tranh nhân dân trên mặt trận đối không trong điều kiện mới, nhất là chống tiến công đường không bằng vũ khí công nghệ cao của địch. Vận dụng sáng tạo đường lối chiến tranh nhân dân, quốc phòng toàn dân của Đảng, thực hiện quan điểm: Lấy phòng làm tiên phong, lấy phá làm chủ đạo, lấy chính nghĩa thắng phi nghĩa; lấy nhỏ thắng lớn, lấy ít địch nhiều, lấy du kích thắng công nghệ cao; lấy trường kỳ chống chớp nhoáng; lấy tự tạo, sẵn có chống hiện đại; kiên trì tiến công toàn diện trên các lĩnh vực: chính trị, quân sự, kinh tế và ngoại giao..., xây dựng thế trận Phòng không nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp; lấy lực lượng Phòng không 3 thứ quân làm nòng cốt, phát huy sức mạnh tổng hợp của nhiều lực lượng, mọi vũ khí, trang bị hiện có... đánh địch từ xa tới gần, tiêu diệt các loại phương tiện vũ khí công nghệ cao của địch và bảo toàn lực lượng. Ra sức xây dựng, củng cố, tăng cường sức mạnh tổng hợp trên mặt trận đối không, tổ chức tốt thế trận và lực lượng phòng không ba thứ quân, không quân toàn quân một cách cân đối trên cơ sở nòng cốt là Bộ đội PK-KQ, tạo thành hệ thống phòng không, không quân liên hoàn thống nhất trên từng khu vực và trên toàn bộ lãnh thổ quốc gia, để có thể đánh địch từ nhiều hướng, nhiều độ cao, tiêu diệt được nhiều máy bay, tên lửa hành trình và bắt được nhiều giặc lái. Đồng thời, trên cơ sở tổ chức lực lượng và vũ khí, trang bị hiện có; các cơ quan, đơn vị chủ động nghiên cứu phương pháp, hình thức tác chiến, cách đánh của lực lượng PK-KQ trong điều kiện tác chiến độc lập, tác chiến hiệp đồng quân, binh chủng trên đất liền và trên biển, đảo nhằm không ngừng nâng cao trình độ tác chiến và hiệu suất chiến đấu của lực lượng PK-KQ trong chiến tranh địch sử dụng vũ khí công nghệ cao. Chúng ta có thuận lợi là tác chiến trong điều kiện chiến tranh nhân dân phát triển cao, nhất là thế trận phòng không toàn dân ở các vùng trọng điểm phòng không và thế trận của khu vực phòng thủ tỉnh, thành phố đ ược chuẩn bị từ thời bình, đó là thuận lợi để Bộ đội PK-KQ phát huy cả thế và lực để giành thắng lợi. Đây chính là nét độc đáo của nghệ thuật quân sự Việt Nam nói chung và của nghệ thuật tác chiến phòng không, không quân nói riêng.

Trung tướng LÊ HUY VỊNH, Ủy viên Trung ương Đảng, Tư lệnh Quân chủng Phòng không-Không quân

Theo Trung Tướng Lê Huy Vịnh/Quân đội Nhân dân

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/phong-khong-viet-nam-va-thach-thuc-chien-tranh-cong-nghe-cao-1131701.html