Phòng không Ukraine 'lột xác' trước cuộc chiến lớn nhờ sự giúp đỡ từ Thổ Nhĩ Kỳ

Theo nhận xét, ngay cả sự giúp đỡ từ chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ cũng khó lòng giúp phòng không Ukraine cải thiện đáng kể các hệ thống vũ khí từ thời Liên Xô vẫn đang sử dụng.

Trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang quy mô lớn với Moskva, phòng không Ukraine được đánh giá có vai trò rất quan trọng khi phải đối đầu Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga có trang bị rất hiện đại.

Trong trường hợp nổ ra xung đột vũ trang quy mô lớn với Moskva, phòng không Ukraine được đánh giá có vai trò rất quan trọng khi phải đối đầu Lực lượng Hàng không Vũ trụ Nga có trang bị rất hiện đại.

Công ty Ukrspetsexport của Ukraine đã ký hợp đồng với Tập đoàn Aselsan của Thổ Nhĩ Kỳ để hiện đại hóa các hệ thống phòng không riêng lẻ và tích hợp chúng vào các mạng lưới quản lý bầu trời hợp nhất.

Theo thông tin báo chí của Ukraine. Tổng Giám đốc Ukrspetsexport - ông Vadim Nozdrya khẳng định, thỏa thuận này sẽ trở thành một bước tiến nữa cho hợp tác ngày càng sâu rộng giữa hai nước trong lĩnh vực kỹ thuật quân sự.

Phía Ukraine tin rằng kết quả của hợp đồng sẽ là sự gia tăng đặc tính kỹ chiến thuật cho các hệ thống phòng không của mình, đáp ứng đầy đủ yêu cầu tác chiến hiện đại.

Ngoài ra Aselsan có thể cung cấp cho Kiev tổ hợp pháo cao xạ tự hành Korkut nổi tiếng. Đối với công việc hiện đại hóa, Ukrspetsexport không nói rõ cải tiến nào sẽ được thực hiện.

Trong một cuộc phỏng vấn với tờ PolitRussia, chuyên gia quân sự đồng thời là Giám đốc Bảo tàng Lực lượng Phòng không Nga - ông Yuri Knutov nhận xét, hiện nay Quân đội Ukraine vẫn có một kho vũ khí phòng không tương đối phong phú được thừa hưởng từ Liên Xô.

Chính quyền Kiev có thể chọn ra các hệ thống nổi bật như S-300 hoặc Buk-M1 để tiến hành nâng cấp. Tuy nhiên không loại trừ khả năng Ukraine sẽ cố gắng hiện đại hóa những tổ hợp cũ hơn.

“Tất nhiên họ có S-300, nhưng ít khả năng sẽ hiện đại hóa chúng. Đối với Kiev, đây là vũ khí tối tân nhất hiện có. Tuy nhiên Ukraine có tổ hợp pháo phòng không tự hành Shilka và cả hệ thống pháo - tên lửa kết hợp Tunguska”.

“Mặc dù đây là vũ khí do Liên Xô nghiên cứu chế tạo nhưng về nguyên tắc, Quân đội Ukraine có thể sẽ cố gắng nâng cấp bằng công nghệ của NATO”, chuyên gia Knutov chắc chắn.

Tuy nhiên theo ông Knutov, việc hiện đại hóa các hệ thống vũ khí như vậy là vô ích đối với phía Thổ Nhĩ Kỳ, do vậy có khả năng cao là Aselsan sẽ bán thiết bị của mình cho Ukraine, chỉ cần tích hợp chúng vào các nền tảng chiến đấu đã có ở Kiev.

“Công ty Thổ Nhĩ Kỳ này cũng sản xuất các hệ thống của riêng mình. Do vậy về nguyên tắc, họ có thể không tiến hành hiện đại hóa vũ khí của Ukraine mà tạo ra một loại 'liên kết lai ghép'".

"Nhưng thực tế Quân đội Ukraine không nên mơ về sự cải thiện đáng kể đặc tính kỹ chiến thuật, bởi vì điều này là không dễ dàng”.

“Không loại trừ Thổ Nhĩ Kỳ có thể cài đặt các trạm trinh sát quang điện tử lên những tổ hợp Shilka hay Tunguska nhằm gia tăng độ chính xác và mở rộng khả năng của việc tìm kiếm mục tiêu".

"Điều này về nguyên tắc thì hoàn toàn khả thi. Nhưng nhìn chung sẽ không còn khả năng tăng đáng kể sức chiến đấu của vũ khí cũ. Bởi vì đây là những tổ hợp đã lỗi thời về mặt kỹ thuật và vật lý trong 30 năm, không thể cải thiện hoặc cứu vãn được”, ông Yuri Knutov tóm tắt.

Bạch Dương

Nguồn ANTĐ: https://anninhthudo.vn/phong-khong-ukraine-lot-xac-truoc-cuoc-chien-lon-nho-su-giup-do-tu-tho-nhi-ky-post496388.antd