Phòng không Buk-M2E 'cổ lỗ' ngày càng hiệu quả ở chiến trường Libya

Sau khi các hệ thống tên lửa phòng không Pantsir-S1 bị cho là mất tác dụng trước máy bay không người lái (UAV) Thổ Nhĩ Kỳ thì Quân đội Quốc gia Libya (LNA) đã có vũ khí mới để tiếp tục chiến đấu.

Hãng thông tấn Al Masdar News cho biết, trong 72 giờ qua, các hệ thống phòng không phục vụ cho LNA đã phá hủy ít nhất 5 chiếc UAV của Thổ Nhĩ Kỳ khi chúng cố gắng tiếp cận vị trí đóng quân của họ.

Đánh giá các mảnh vụn còn sót lại từ những máy bay không người lái bị phá hủy, các chuyên gia quân sự cho rằng, Quân đội Quốc gia Libya rất có thể đã chuyển sang sử dụng hệ thống tên lửa phòng không Buk-M2E.

"Quân đội Quốc gia Libya cho biết trong một tuyên bố thông qua Facebook rằng các nền tảng phòng không của họ đã hạ được 5 máy bay không người lái của Thổ Nhĩ Kỳ".

"Vào hôm 21/5, 2 chiếc UAV đã bị phá hủy ở thành phố Tarhuna, ngoài ra còn có 1 UAV ở khu vực Al-Quraiyat và 2 chiếc khác ở vùng Abu Ghraib phía Nam thành phố Bani Walid bị bắn rơi vào rạng sáng 22/5".

"Chính phủ Hiệp định quốc gia Libya (GNA) được Thổ Nhĩ Kỳ hỗ trợ và các đồng minh của họ đang đẩy mạnh các cuộc tấn công vào thành phố chiến lược Tarhun nhằm bẻ gãy sức kháng cự của LNA", Al Masdar News nói rõ.

Hãng thông tấn Arab trên cho rằng phía LNA đã được Nga bí mật cung cấp các tổ hợp tên lửa phòng không mới sau khi hệ thống Pantsir-S1 mất tác dụng trước UAV Thổ Nhĩ Kỳ.

Trước đó, trang Avia-pro đã cho biết, trong đêm 22/5, Thổ Nhĩ Kỳ đã âm thầm cho máy bay không người lái vũ trang Bayraktar TB2 tiến hành tập kích sân bay quân sự Al-Jufra ngay khi chiến đấu cơ Nga vừa hiện diện.

Mặc dù vậy, dự định của Thổ Nhĩ Kỳ đã không thành khi cả hai chiếc UAV nói trên đã bị bắn rơi từ xa và chưa kịp tiếp cận căn cứ, thông tin ban đầu cho rằng chúng bị hạ gục bởi tổ hợp 2K12 Kvadrat (SA-6 Gainful).

Tuy nhiên căn cứ vào tầm xa tối đa chỉ khoảng 24 km (hiệu quả 12 km) của tên lửa 3M9 trang bị cho tổ hợp 2K12 Kvadrat thì rõ ràng chiến công này thuộc về một hệ thống phòng không khác.

Giới phân tích cho rằng xem xét cự ly bắn hạ UAV Thổ Nhĩ Kỳ từ cự ly gần 60 km thì nhiều khả năng Nga hay một đồng minh nào đó đã âm thầm cung cấp cho LNA các tổ hợp tên lửa phòng không tầm trung Buk-M2E.

Đạn tên lửa đánh chặn 9M317 của hệ thống phòng không Buk-M2E đạt tầm xa lớn nhất trên 50 km, nhưng vậy tương ứng với con số mà UAV Thổ Nhĩ Kỳ đã bị bắn rơi.

Các chuyên gia lưu ý rằng quân đội Syria trước đây đã đạt được thành công đáng kể bằng cách sử dụng hệ thống Buk-M2E để chống lại UAV Thổ Nhĩ Kỳ trên chiến trường Idlib.

Buk-M2E với khả năng đánh chặn từ cự ly xa hơn nhiều so với Pantsir-S1 (chỉ được trang bị tên lửa 57E6 tầm xa hiệu quả dưới 10 km) sẽ giúp phía phòng thủ chủ động hơn trong công tác chống tập kích đường không.

Tuy vậy, hiện tại cả ba phía liên quan bao gồm LNA, Nga và Thổ Nhĩ Kỳ đều chưa lên tiếng khẳng định hay bác bỏ nghi vấn vừa được các hãng thông tấn khu vực đăng tải.

Theo Bạch Dương/ANTĐ

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/phong-khong-buk-m2e-co-lo-ngay-cang-hieu-qua-o-chien-truong-libya-1387935.html