Phòng giáo dục là nơi 'chứa' hiệu trưởng bị kỷ luật, hết nhiệm kỳ?

Một giáo viên tại Hà Nội nói vui: 'Nhà giáo chúng tôi vẫn gọi phòng giáo dục là trạm trung chuyển hiệu trưởng. Hiệu trưởng bị kỷ luật cũng được chuyển lên. Hiệu trưởng làm hết hai nhiệm kỳ, không thể thêm được nữa thì cũng lên phòng, chờ 1-2 năm rồi xin làm hiệu trưởng ở trường khác'.

Ngoài tăng lương, giáo viên cũng cần được tự chủ về chuyên môn. Ảnh minh họa: Hải Nguyễn.

Phòng giáo dục là “trạm trung chuyển hiệu trưởng”?

Một sự trùng hợp, rất nhiều vụ việc khi hiệu trưởng có sai phạm, bị dư luận, phụ huynh phản ứng, đa phần đều được “lên chức”, tức là được điều chuyển là phòng giáo dục.

Một giáo viên tại Hà Nội nói vui rằng: “Nhà giáo chúng tôi vẫn gọi phòng giáo dục là trạm trung chuyển hiệu trưởng. Hiệu trưởng bị kỷ luật cũng được chuyển lên. Hiệu trưởng làm hết hai nhiệm kỳ, không thể thêm được nữa thì cũng lên phòng, chờ 1-2 năm rồi xin làm hiệu trưởng ở trường khác”.

Chính vì thế, khi ý tưởng xóa bỏ phòng giáo dục của một thầy giáo được đăng tải trên báo chí, đã nhận được sự quan tâm của dư luận, với nhiều ý kiến tranh luận.

Không ít người ủng hộ đề xuất này, coi đó là giải pháp để tinh giản biên chế trong ngành giáo dục. Nhưng cũng nhiều người cho rằng rất khó triển khai. Bởi ngành giáo dục hiện nay chưa được tự chủ về nhân sự, biên chế trong giáo dục hiện đang do Bộ Nội vụ nắm giữ.

Hơn nữa, một đề xuất làm ảnh hưởng đến việc làm của hàng nghìn người, cần hết sức thận trọng khi đưa ra. Như ý kiến của bạn đọc Nguyễn Quang (Đại học Luật Hà Nội) gửi đến Lao Động: “Một đề xuất không tồi, nhưng xin hỏi sau khi giải tán Phòng giáo dục, hàng ngàn công chức đang làm việc ở đó sẽ đi về đâu?”.

Cán bộ phòng giáo dục dự giờ quá nhiều

“Không ở đâu có thể dễ dàng vào dự giờ của giáo viên như ở Việt Nam. Tôi nghĩ nên cho giáo viên quyền từ chối những người vào dự giờ của mình, từ chối những người can thiệp vào bài giảng của mình và từ chối cả những cuộc thi mà mình không muốn tham gia. Lúc ấy giáo viên sẽ có nhiều thời gian và điều kiện để làm tốt bài giảng. Muốn làm được như vậy, nên dẹp bớt những vị trí tạo áp lực thêm cho giáo viên” - TS Vũ Thu Hương (Trường ĐH Sư phạm Hà Nội) chia sẻ nhân câu chuyện “tiền đâu để tăng lương giáo viên” và có nên giải tán phòng giáo dục các quận/huyện.

TS Hương cho rằng, giáo viên hiện nay không được tự do giảng bài cho học sinh, mà bài giảng luôn bị áp đặt từ các cấp trên xuống.

“Bản thân tôi đưa ra một suy nghĩ: Liệu có cần thiết phải có những vị trí tạo ra những bài giảng áp đặt như thế cho giáo viên hay không? Giáo viên nếu không được tự chủ về chuyên môn, phải làm theo nhưng khuôn có sẵn, dù có tăng lương họ vẫn ức chế như vậy.

Vì thế cần rà soát trong cả ngành giáo dục, xem vị trí nào thực sự không cần thiết thì cần phải dẹp bỏ. Nhất là những vị trí chuyên tạo ra bài giảng áp đặt, tạo áp lực dự giờ cho giáo viên. Lúc đó chúng ta sẽ có một khoản kinh phí để dành cho việc tăng lương, động viên các nhà giáo” - TS Vũ Thu Hương kiến nghị.

Bích Hà

Nguồn Lao Động: https://laodong.vn/giao-duc/phong-giao-duc-la-noi-chua-hieu-truong-bi-ky-luat-het-nhiem-ky-581491.ldo