Phòng GD&ĐT quận 3 lên tiếng về đề văn lớp 8

Bà Dương Hữu Nghĩa, Phó phòng GD&ĐT quận 3, cho biết nội dung trích dẫn trong đề thi Ngữ văn lớp 8 không phải lấy của cấp học trên để làm đề thi cho học sinh (HS) cấp dưới hay lớp dưới, mà đoạn trích chỉ mang ý nghĩa về thực tế để HS làm quen với văn nghị luận xã hội.

Cụ thể, trước đó, sau khi HS lớp 8 ở các trường THCS trên địa bàn quận 3 thi xong môn ngữ văn học kỳ 1 sáng 15-12, nhiều em, thậm chí cả các giáo viên dạy ngữ văn trong quận đều cho rằng nội dung trong đề khó hiểu và quá tầm với HS lớp 8.

Đáng nói, một số giáo viên còn cho rằng ở phần 2 (chiếm 3 điểm) của đề về văn nghị luận xã hội còn được lấy nguyên văn từ bộ đề thi chuyên văn Olympic 30/4 hằng năm dành cho HS giỏi văn từ lớp 10 trở lên. Điều này khiến giáo viên, phụ huynh băn khoăn về chuẩn kiến thức, yêu cầu khi ra đề cho HS lớp 8.

Nội dung phần 2 của đề thi ngữ văn lớp 8 học kỳ 1 tại quận 3, TP.HCM gây băn khoăn

Nội dung phần 2 của đề thi ngữ văn lớp 8 học kỳ 1 tại quận 3, TP.HCM gây băn khoăn

Trao đổi với báo Pháp Luật TP.HCM, bà Dương Hữu Nghĩa, Phó phòng GD&ĐT quận 3, cho rằng trong và sau quá trình thi môn ngữ văn học kỳ 1, Phòng không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ giáo viên các trường về đề thi này.

Tuy nhiên, theo bà Nghĩa, nội dung trích trong đề ngữ văn lớp 8 không phải từ trong sách giáo khoa cấp THPT mà là trích một phần nội dung trong một bài viết trên báo của tác giả Nguyễn Khải. Đây chỉ là phần trích dẫn mang ý nghĩa, tính chất nào đó về thực tế, thời sự. Do đó việc trường khác hay cấp học khác cũng lấy nội dung này để làm đề thi là rất bình thường. Điều này không có nghĩa là lấy nội dung của cấp học trên để làm đề thi cho HS cấp dưới hay lớp dưới.

Theo bà Nghĩa, do HS lớp 8 cũng đã bắt đầu làm quen với văn nghị luận xã hội, sau đó sẽ được học nâng cao lên ở lớp 9 và các lớp học cấp trên nữa nên việc đề kiểm tra học kỳ lớp 8 có trích nội dung này vào đề cũng chỉ để HS nhận diện và làm quen được các yêu cầu về văn nghị luận xã hội.

“Ở đề này, chỉ cần HS đọc kỹ phần trích dẫn để suy luận, thậm chí chỉ cần hiểu và lấy được ý trích trong đó cũng là một phần đáp án rồi. Cộng với việc các em làm bài theo đúng bố cục, có dàn bài... theo kiến thức cơ bản về văn nghị luận xã hội thì sẽ có thể đạt điểm tối đa. Như thế là đã phù hợp với khả năng của HS lớp 8 rồi. Có thể đối với các lớp cao hơn thì đòi hỏi các em tư duy cao hơn, sâu hơn chứ không chỉ dừng lại như thế” - bà Nghĩa nói.

Bà Nghĩa cho biết thêm, sáng nay (16-12), các trường trong quận đã bắt đầu chấm thi môn ngữ văn này. Qua ghi nhận bước đầu chấm thi, việc làm bài của các em cơ bản đảm bảo mức độ của đề. Có thể các em chưa làm trọn vẹn để được tròn 3 điểm nhưng các em cũng ghi được những ý cơ bản chứ không phải là các em không làm được.

“Việc ra đề như vậy cũng là định hướng đổi mới ra đề thi gắn với thực tế, đời sống. Tuy nhiên, với đề mở và khi tiếp cận cái mới, có thể các em chưa quen cách đọc hiểu và tư duy hơn so với cách học trước đây nên sẽ cảm thấy khó hơn. Nhưng từ từ các em sẽ quen vì lên lớp 9 và các lớp cao hơn các em sẽ học tiếp nội dung này, cũng như học sâu hơn” - bà Nghĩa nói.

PHẠM ANH

Nguồn PLO: http://plo.vn/xa-hoi/giao-duc/phong-gddt-quan-3-len-tieng-ve-de-van-lop-8-745721.html