'Phòng đọc biên giới' ở xã Nhơn Hưng

'Phòng đọc biên giới' là mô hình do cán bộ, chiến sĩ (CBCS) Đồn Biên phòng Nhơn Hưng phối hợp với UBND xã Nhơn Hưng (huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang) thành lập. Đây là địa chỉ thu hút đông đảo cán bộ và nhân dân trên địa bàn đến đọc sách. Không chỉ mang tri thức, ánh sáng văn hóa đến với đồng bào, Phòng đọc biên giới còn góp phần hình thành thói quen đọc sách cho rất nhiều người...

Phòng đọc biên giới ở xã Nhơn Hưng là địa chỉ thu hút rất nhiều người đến đọc, nhất là các em học sinh. Ảnh: Nguyễn Đức Thắng

Bất kể nắng hay mưa, cứ từ 8 giờ đến 17 giờ hằng ngày, Phòng đọc biên giới đều mở cửa để phục vụ nhân dân. Khác với mô hình “Tủ sách pháp luật” thường có ở các đồn biên phòng, Phòng đọc biên giới không chỉ có cuốn sách pháp luật, mà còn mở rộng ra các thể loại, đầu sách khác, như: Truyện tranh cho các em học sinh, thiếu nhi; sách hướng dẫn kỹ thuật sản xuất, chăn nuôi, sách về lịch sử, văn hóa các dân tộc... Đặc biệt, phòng đọc còn có Báo Biên phòng và phụ trương An ninh biên giới, giúp mọi người có thể cập nhật thông tin về hoạt động của CBCS BĐBP cũng như nhân dân trên khắp miền biên cương của Tổ quốc.

Anh Huỳnh Châu Báu, người phụ trách Phòng đọc biên giới xã Nhơn Hưng cho biết: “Phòng đọc vừa được đầu tư xây dựng với tổng kinh phí trên 300 triệu đồng, có diện tích gần 50m2 với trên 2.500 đầu sách các loại. Chúng tôi mới tiếp nhận 300 đầu sách do Thư viện tỉnh và CBCS Đồn Biên phòng Nhơn Hưng hỗ trợ. Ở đây, hằng ngày có rất nhiều người, từ cán bộ, công nhân viên chức, bà con và các cháu học sinh đến đọc sách. Đó chính là niềm vui của những người quản lý phòng đọc như chúng tôi”.

Đối với không ít các em học sinh, Phòng đọc biên giới là “khoảng trời xanh”, là niềm đam mê với một thế giới sách phong phú, lôi cuốn bằng những câu chuyện thú vị và đầy ý nghĩa. Em Nguyễn Thị Ngọc Hân, học sinh lớp 7, Trường Trung học cơ sở Nguyễn Sinh Sắc, xã Nhơn Hưng cho biết: “Phòng đọc sách này nằm sát bên trường, vì vậy, những lúc rảnh rỗi, chúng em thường xuyên đến đây để đọc. Phòng có rất nhiều loại sách hay, bổ ích, lại có chỗ ngồi rộng rãi, thoáng mát, chú quản lý cũng rất vui vẻ, nhiệt tình nên chúng em cảm thấy rất thoải mái”.

Để có được thành quả như ngày hôm nay, phải kể đến sự nỗ lực và quyết tâm rất lớn của cấp ủy, chính quyền địa phương và CBCS Biên phòng. Ông Trần Văn Phến, Phó Bí thư Đảng ủy xã Nhơn Hưng cho biết: “Hiện nay, trong xã có trên 900 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Khơ Me, chiếm tỷ lệ khoảng 15%. Nhìn chung trình độ nhận thức của bà con đã được nâng lên đáng kể, song vẫn còn hạn chế, nhất là hiểu biết về pháp luật, do đó vẫn còn nhiều trường hợp vi phạm. Chính vì vậy, chúng tôi đã phối hợp với đồn Biên phòng để thành lập Phòng đọc biên giới gắn liền với thư viện của xã. Mục tiêu của chúng tôi là góp phần giúp nhân dân trên địa bàn biên giới có thêm điều kiện để tìm hiểu các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước cũng như chính sách đối với đồng bào, từ đó, giúp họ nâng cao nhận thức và chấp hành cho tốt; đồng thời, còn giúp nhân dân nắm bắt những thông tin cần thiết phục vụ nhu cầu giải trí và các mô hình kinh tế để áp dụng vào cuộc sống”.

Từ chủ trương đúng đắn đó, Phòng đọc biên giới đã nhận được sự quan tâm, ủng hộ của không ít cơ quan, tổ chức và các nhà tài trợ trên địa bàn. Ngoài việc hỗ trợ kinh phí và các đầu sách, phòng đọc còn được các nhân viên của Thư viện huyện Tịnh Biên hỗ trợ, sắp xếp các loại sách, báo theo từng mục cụ thể, khoa học, giúp việc tìm kiếm thông tin của bạn đọc trở nên dễ dàng và nhanh chóng hơn.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mỗi ngày Phòng đọc biên giới có hàng chục người đến đọc sách. Có thể thấy, Phòng đọc biên giới chính là điểm sinh hoạt văn hóa thiết thực và bổ ích đối với đồng bào và CBCS. Từ cụ già đến trẻ em đều đến với phòng đọc những lúc rảnh rỗi. Đây không chỉ là cầu nối đưa chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, các kiến thức về khoa học kỹ thuật, những kinh nghiệm hay trong lao động sản xuất đến với người dân, giúp họ phát triển kinh tế, nâng đời sống văn hóa tinh thần, mà còn góp phần phát triển văn hóa đọc ở vùng biên giới vốn dĩ còn rất nhiều khó khăn.

Tuy chưa thật phong phú về số lượng các đầu sách, các loại báo, tạp chí chưa cập nhật và đáp ứng đầy đủ nhu cầu của người dân, nhưng Phòng đọc biên giới đã làm được điều không dễ, đó là tạo thói quen đọc sách báo cho người dân vùng biên giới, để rồi từ đó thay đổi cách nghĩ, cách làm của người dân theo hướng tích cực và hiệu quả.

Trung tá Nguyễn Văn Hiệp, Chính trị viên Đồn Biên phòng Nhơn Hưng tự tin khẳng định: “Một khi người dân đã có kiến thức cơ bản, có thể hiểu được những gì anh em CBCS muốn nói thì việc tuyên truyền, vận động thực hiện đường lối, chính sách của Đảng sẽ trở nên dễ dàng hơn. Họ cũng hiểu được trách nhiệm, vai trò của mình là gì để từ đó nâng cao nhận thức. Mô hình Phòng đọc biên giới như thế này thật sự hữu ích đối với nhân dân và cả cán bộ địa phương”.

Nguyễn Đức Thắng

Nguồn Biên Phòng: http://bienphong.com.vn/phong-doc-bien-gioi-o-xa-nhon-hung/