Phòng dịch COVID-19: Đăng ký khám chữa bệnh từ xa như thế nào?

Bạn đọc hỏi: Để đảm bảo giãn cách xã hội trong thời kỳ dịch COVID-19 mà vẫn được khám chữa bệnh chất lượng cao từ bệnh viện tuyến trên, người dân có thể đăng ký ứng dụng mô hình Bệnh viện thông minh – khám chữa bệnh từ xa như thế nào?

Trung tâm điều hành khám bệnh từ xa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: BV

Trung tâm điều hành khám bệnh từ xa, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội. Ảnh: BV

Về việc này, báo Tin tức xin thông tin như sau:

Trong thời điểm dịch bệnh COVID-19, để đảm bảo giãn cách xã hội, giãn cách người bệnh, mô hình Bệnh viện thông minh - khám chữa bệnh từ xa đã được đưa vào thí điểm bằng ứng dụng công nghệ 4.0

Quy trình đăng ký và khám chữa bệnh từ xa với mô hình Bệnh viện thông minh được thực hiện với các bước như:

- Khi có nhu cầu khám bệnh, người dân sẽ gọi tới các trung tâm điều hành hỗ trợ khám bệnh từ xa để được tư vấn. Hiện có Bệnh viện Đại học Y Hà Nội là đơn vị đầu tiên bắt đầu làm thí điểm mô hình này. Những ngày này, nếu có nhu cầu khám bệnh, người dân có thể gọi điện trực tiếp tới Bệnh viện Đại học Y Hà Nội qua số điện thoại Tổng đài tư vấn và đặt lịch khám: . Tổng đài hoạt động từ 7 giờ- 22 giờ, tất cả các ngày trong tuần.

- Khi gọi điện tới trung tâm điều hành, bệnh nhân sẽ được hướng dẫn đến các Bệnh viện tại địa phương có kết nối để xếp lịch khám, hội chẩn trực tuyến với chuyên gia ở đầu cầu Hà Nội qua hệ thống khám chữa bệnh từ xa Telemedicine đã được trang bị sẵn.

- Tại các đầu cầu, các Bệnh viện địa phương sẽ nhập các dấu hiệu lâm sàng và cận lâm sàng của bệnh nhân và upload hình ảnh kết quả chụp chiếu của bệnh nhân lên hệ thống Teleradiology để các chuyên gia trên xem trước.

- Tại trung tâm điều hành khám bệnh từ xa, các giáo sư, bác sĩ đầu ngành, các chuyên khoa trực sẵn để kết nối, giải đáp và hướng dẫn tuyến dưới thực hiện công tác khám, chẩn đoán, điều trị cho người bệnh. Các chuyên gia đầu ngành sẽ tiếp nhận dữ liệu, các hình ảnh, kết quả của bệnh nhân qua hệ thống màn hình. Có thể trực tiếp chiếu hình ảnh bệnh nhân trong trường hợp có các triệu chứng thực thể cần đánh giá rõ như: Phù chân/mặt, xuất huyết da/niêm mạc…

- Dựa vào các dữ liệu và quan sát trực tiếp (nếu có), các chuyên gia sẽ hướng dẫn tuyến dưới cách khám, siêu âm, chụp chiếu, lên phác đồ… Nếu trực tuyến với người bệnh, bác sĩ sẽ trao đổi với người bệnh về các triệu chứng lâm sàng hiện tại, xem lại các kết quả cận lâm sàng từ đợt khám trước và tư vấn cho người bệnh dùng thuốc, cách điều trị, dặn dò người bệnh và hẹn lịch tái khám.

Sắp tới, căn cứ hiệu quả của mô hình thí điểm này, Bộ Y tế và Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ phối hợp mở rộng quy mô mô hình khám chữa bệnh từ xa tại các tỉnh và thành phố khác, giúp người dân trong cả nước, đặc biệt là người dân ở vùng sâu, vùng xa, vùng nghèo khó… không bị gián đoạn trong chăm sóc sức khỏe trong và sau dịch COVID-19.

Tạ Nguyên/Báo Tin tức

Nguồn Tin Tức TTXVN: http://baotintuc.vn/suc-khoe/phong-dich-covid19-dang-ky-kham-chua-benh-tu-xa-nhu-the-nao-20200418105232517.htm