PHÒNG, CHỐNG 'VIRUS TRÌ TRỆ'

Trong phiên họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành nhằm đánh giá ảnh hưởng của dịch Covid-19 (nCoV) đối với sự phát triển kinh tế-xã hội (KT-XH) của đất nước, chiều 12-2, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: 'Chúng ta phải chống cả hai loại virus, một là nCoV và một loại nữa là 'virus trì trệ', không chịu làm việc...'. Đây là một việc làm đúng đắn, cần thiết và kịp thời.

 Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Chúng ta phải chống cả hai loại virus, một là nCoV và một loại nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc...". Ảnh: Chinhphu.vn

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ đạo: “Chúng ta phải chống cả hai loại virus, một là nCoV và một loại nữa là “virus trì trệ”, không chịu làm việc...". Ảnh: Chinhphu.vn

Trên thực tế khi bước vào năm 2020, không chỉ nền kinh tế thế giới bị ảnh hưởng lớn và tiếp tục xu hướng giảm bởi đại dịch Covid-19, mà nền kinh tế của nước ta cũng bị ảnh hưởng không nhỏ. Theo các nhà phân tích, kinh tế Trung Quốc và toàn cầu sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng, thiệt hại có thể lớn gấp 3, gấp 4 lần so với dịch SARS (khoảng 160 tỷ USD).

Nước ta có đường biên giới dài với Trung Quốc. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, rất nhiều sản phẩm của ta không thể xuất sang thị trường rộng lớn này, gây thiệt hại lớn cho các doanh nghiệp và nông dân, nhất là các mặt hàng nông sản. Vì thế, tổng giá trị hàng hóa xuất khẩu sang Trung Quốc trong tháng 1 và nửa đầu tháng 2 cũng sụt giảm khá lớn (trên 20% so với tháng 12-2019).

Thời gian qua, với sự lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt, đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ, toàn dân và toàn quân ta đã triển khai công tác phòng, chống Covid-19 rất hiệu quả. Chúng ta có thể hy sinh một phần tăng trưởng kinh tế để bảo vệ sức khỏe và tính mạng của người dân, nhưng không thể quyết tâm chống dịch mà lơ là nhiệm vụ phát triển KT-XH với nhiều chỉ tiêu mà Quốc hội đã giao. “Virus trì trệ” chính là không chịu làm việc, không chịu khắc phục khó khăn, viện cớ có dịch bệnh mà không hành động kịp thời, gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động KT-XH của đất nước. Nếu chúng ta cứ đổ lỗi cho khách quan là đang có dịch bệnh mà không chủ động, sáng tạo, tìm và triển khai các giải pháp mới, không chịu tái cơ cấu lại ngành, lĩnh vực, sản phẩm, sẽ ảnh hưởng đến đời sống, việc làm, thu nhập của người dân và đặc biệt là hệ thống doanh nghiệp.

Hiện nay, Quốc hội, Chính phủ vẫn chưa thay đổi mục tiêu tăng trưởng. Do đó, các địa phương, các ngành, các doanh nghiệp cần phải có đề án, kế hoạch riêng, phù hợp với thực tiễn để đảm bảo tăng trưởng và thực hiện các mục tiêu. Trong đó tập trung vào việc ổn định và phát triển thị trường du lịch, tìm kiếm và khai thông thị trường xuất khẩu hàng hóa. Bên cạnh đó, Chính phủ cũng cần có các biện pháp về kinh tế, biện pháp về thể chế, chính sách như: Giảm lệ phí visa, chi phí logistics, không tăng giá dịch vụ như điện, y tế, giáo dục và các dịch vụ khác... để tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động sản xuất, kinh doanh, giao lưu kinh tế quốc tế.

Phòng, chống Covid-19 cũng phải đồng thời với phòng, chống “virus trì trệ” là một việc làm cần thiết, cấp bách trong thời điểm này. Càng trong khó khăn, thử thách, càng phải nêu cao ý chí quyết tâm, sự sáng tạo và những nỗ lực vượt bậc của cả hệ thống chính trị và toàn dân. Có như vậy đất nước mới vượt qua được những khó khăn, thử thách, KT-XH sẽ tiếp tục phát triển, đời sống của nhân dân mới được ấm no, hạnh phúc, đất nước mới hội nhập và phát triển không ngừng.

LÊ PHI HÙNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/dien-dan-chu-nhat/phong-chong-virus-tri-tre-610129