Phòng chống... trên giấy, bạo lực học đường tăng: Dùng tư vấn học đường ngăn bạo lực

Phòng tư vấn học đường là nơi giãi bày tâm tư, cảm xúc của học sinh; tháo gỡ khúc mắc, mâu thuẫn và làm giàu thêm về đời sống tâm lý, tình cảm

Nghiên cứu về bạo lực học đường (BLHĐ) nhiều năm qua, chúng tôi nhận thấy dạng "Học sinh (HS) bạo lực với HS" nổi trội nhất. Phản ứng của HS khi biết mình sắp bị hoặc đang bị BLHĐ là "Thông báo với thầy cô" và "Cho cha mẹ biết" chỉ khoảng 32,45%. Gần 26,25% HS im lặng vì sợ, hoặc để che giấu hoặc nghĩ sẽ qua đi...

Còn theo nghiên cứu của GS-TS Michael Hass cùng cộng sự Việt Nam tiến hành trên 2.300 HS - sinh viên từ năm 2014 đến năm 2016, 20% HS cảm thấy giáo viên (GV) đối xử không công bằng với HS, hơn 10% HS cho rằng GV chưa quan tâm, giúp đỡ HS mà chỉ tập trung vào việc dạy học…

Đi tìm "chìa khóa"

Những phân tích trên lý giải được vì sao BLHĐ vẫn liên tục xảy ra. Vấn đề là làm cách nào để ngăn chặn? Theo tôi, đó chính là dùng tư vấn học đường mà nhiều nước đã áp dụng.

Có thể nói tham vấn học đường, tư vấn tâm lý học đường hay tâm lý học trường học đang là vấn đề được quan tâm trên toàn thế giới, đặc biệt ở Việt Nam. Thời gian qua, tại các trường THCS, THPT trên các địa phương đã trang bị phòng tư vấn tâm lý. Đó là nơi giãi bày tâm tư, cảm xúc của HS; tháo gỡ khúc mắc, mâu thuẫn và làm giàu thêm về đời sống tâm lý, tình cảm.

Tuy nhiên, tham vấn học đường chuyên sâu ở mức nào, phát triển ra sao vẫn là những câu hỏi cần được lý giải ở tầm rộng và cao hơn. Bởi thực tế, ở nhiều nơi có chiến lược phát triển tham vấn học đường nhưng cũng chỉ theo hướng dự án, chỉ có một số ít tỉnh, thành đầu tư cho công tác này, trong đó có TP HCM, Hà Nội, Đà Nẵng… Gần 15 năm qua, TP HCM đã đi đầu về tham vấn học đường với khoảng vài trăm chuyên viên tâm lý trường học đang làm việc ở các trường trung học. Dù vậy, hoạt động này vẫn còn mang tính tự phát, chất lượng đội ngũ, số lượng chuyên viên đang hoạt động tại văn phòng tư vấn chưa đồng đều…

Một nữ sinh ở Nghệ An bị bạn học cùng trường đánh hội đồng trước sự chứng kiến của nhiều học sinh (ảnh cắt từ clip)

Một nữ sinh ở Nghệ An bị bạn học cùng trường đánh hội đồng trước sự chứng kiến của nhiều học sinh (ảnh cắt từ clip)

Hà Nội, có hơn 20 trường trung học tổ chức khá bài bản tham vấn học đường. Mô hình hoạt động tâm lý học đường của phòng tham vấn học đường thuộc dự án "Trường học an toàn, thân thiện và bình đẳng" hiện đang triển khai tại Hà Nội với sự hỗ trợ của Plan International Việt Nam.

Còn tại Đà Nẵng, trong 3 năm qua có 9 chuyên viên tư vấn được tuyển dụng để làm việc ở trường THPT, hơn 50 cán bộ vốn là GV một số bộ môn, cán bộ Đoàn - Đội sau khi được tập huấn tham vấn học đường thông qua dự án "Hành trình yêu thương" đã làm việc tại một số trường THCS…

Trong khi đó, ở nhiều tỉnh, thành khác, vấn đề tâm lý học trường học vẫn còn… xa lắm do thiếu nhân sự, cơ sở vật chất, chế độ… Bởi đến nay, biên chế cho nhân sự làm công tác tâm lý học trường học vẫn chưa được chính thức hóa, mã nghề tâm lý học trường học vẫn chưa được thực thi, chứng chỉ hành nghề hay điều kiện nghề nghiệp cần bảo đảm, cơ chế tuyển dụng, thủ tục tuyển dụng… đều là thách thức lớn.

Cần lộ trình

Trong một hội thảo khoa học quốc tế với chủ đề "Phát triển tâm lý học đường trên thế giới và ở Việt Nam", một trong những kinh nghiệm chia sẻ được quan tâm đó là mô hình phát hiện và can thiệp tại Trường THPT Đinh Tiên Hoàng (Đà Nẵng) của chuyên gia tâm lý giáo dục - TS Nguyễn Tùng Lâm. Mô hình bao gồm: can thiệp bằng các liệu pháp tâm lý, can thiệp bằng các liệu pháp về giáo dục… đã mang đến những hiệu quả nhất định. Thế nhưng, để có thể triển khai trong toàn quốc thì có những khó khăn phải được giải quyết bởi liên bộ, liên ngành.

Ngoài ra, vấn đề BLHĐ cũng cần nhìn nhận từ phía truyền thông, đặc biệt là truyền thông mạng. Hằng ngày, khi ở gia đình, khi tương tác xã hội, HS bị "cưỡng chế" bởi các hình ảnh đánh nhau, bị "ám ảnh" bởi các hình ảnh lệch chuẩn của các nhân vật trên mạng xã hội. Mạng internet trở thành người bạn có sức ảnh hưởng quá lớn mà chưa có ai kiểm soát nổi. Đơn cử như hình ảnh Khá Bảnh trong các clip làm mưa làm gió trên YouTube, cuốn mọi sự theo dõi của HS lại nhan nhản những phát ngôn tục tĩu, hành động ngông cuồng, vi phạm pháp luật...

BLHĐ đã và đang tồn tại đòi hỏi trách nhiệm nhiều hơn từ nhiều ngành trong xã hội. Giải quyết triệt để chắc chắn phải có lộ trình và điều căn cơ vẫn là từ văn hóa, sau đó là giáo dục. Cùng với đó là phát triển tư vấn học đường, tâm lý học trường học bằng các định hướng có lộ trình, rõ ràng; có đầu ra như chiến lược mở ngành, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên kiêm nhiệm... là những hướng đi hiệu quả nhưng cần cái nền vững chãi, đúng hướng và bảo đảm an toàn, dài lâu.

Xử lý BLHĐ còn là vấn đề văn hóa bởi nhân cách con người mang tính tổng hợp từ các tác động văn hóa. Xã hội và nền văn hóa phải mạnh mẽ thay đổi, điều chỉnh thì sự đổi thay sẽ đồng bộ...

TS Huỳnh Văn Sơn

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/ban-doc/phong-chong-tren-giay-bao-luc-hoc-duong-tang-dung-tu-van-hoc-duong-ngan-bao-luc-20190404210731208.htm