Phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ: Nâng tầm vóc, trí tuệ người Việt

Thiếu vi chất dinh dưỡng được gọi là 'nạn đói tiềm ẩn' để lại những hậu quả khôn lường, không chỉ đối với sự phát triển mà còn ảnh hưởng đến quá trình trưởng thành của trẻ. Chính vì vậy, Ngày Quốc tế thiếu nhi (1-6) hằng năm còn được chọn là Ngày Vi chất dinh dưỡng, nhằm đẩy mạnh phòng, chống thiếu vi chất dinh dưỡng ở trẻ, giúp nâng cao tầm vóc và trí tuệ người Việt Nam.

Hà Nội tổ chức gần 1.800 điểm uống vitamin A liều cao và toàn bộ trẻ dưới 5 tuổi sẽ được cân, đo để đánh giá tỷ lệ suy dinh dưỡng.

Thiếu chất nào cũng nguy hiểm…

Tình trạng thấp còi, suy dinh dưỡng của trẻ luôn là nỗi lo của nhiều bậc phụ huynh. Chị Nguyễn Thu Hằng (ở đường Hoàng Hoa Thám, quận Ba Đình) chia sẻ: “Hằng ngày, ngoài bữa chính, bé trai 2 tuổi nhà tôi còn uống thêm sữa, ăn váng sữa, hoa quả, bánh dinh dưỡng… Dù vậy, bé vẫn bị còi, khiến tôi rất lo lắng”.

Theo Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) Trương Tuyết Mai, trong khi thịt, cá, cơm, cháo, rau, trái cây là những thực phẩm cha mẹ có thể nhìn rõ và định lượng được qua khẩu phần ăn hằng ngày của trẻ, thì vi chất dinh dưỡng gồm nhóm vitamin (A, B, C, D, E, K...) và nhóm các nguyên tố khoáng (canxi, photpho, sắt, kẽm, đồng...) là thứ không nhìn thấy, khó định lượng. Chính vì vậy, ngay cả trẻ em ở thành phố có điều kiện sống tốt hơn trẻ ở nông thôn cũng bị thiếu vitamin, khoáng chất, nhất là canxi, sắt, kẽm, vitamin D.

Qua kết quả điều tra của Viện Dinh dưỡng quốc gia những năm gần đây cho thấy, tỷ lệ thiếu vitamin A tiền lâm sàng ở trẻ dưới 5 tuổi là 13%; 69,4% trẻ dưới 5 tuổi bị thiếu kẽm, 45% trẻ từ 6 đến 12 tháng tuổi thiếu máu. Thiếu vitamin và khoáng chất đều ảnh hưởng đến sức khỏe, chiều cao, xương, miễn dịch của trẻ. Đặc biệt, thiếu vitamin A, thiếu kẽm làm trẻ chậm lớn, biếng ăn, giảm sức đề kháng, hay mắc bệnh nhiễm khuẩn đường hô hấp, tiêu chảy, suy dinh dưỡng...

Trưởng khoa Dinh dưỡng, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội Trần Quang Trung cho biết, theo kết quả điều tra tại 15 quận, huyện trên địa bàn thành phố trong năm 2019, tỷ lệ suy dinh dưỡng nói chung ở trẻ là 7,8%, trong đó suy dinh dưỡng cấp tính từ 4% đến 6%. Nguyên nhân là bữa ăn của trẻ nghèo nàn về dưỡng chất, khả năng hấp thu các chất dinh dưỡng kém do bệnh lý đường tiêu hóa, nhiều trẻ sơ sinh không được bú mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời, không bú đủ sữa mẹ...

Nguyên Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia (Bộ Y tế) Nguyễn Thị Lâm cho rằng, qua nhiều nghiên cứu cho thấy, trẻ bị suy dinh dưỡng sẽ bị hụt ít nhất 10cm chiều cao ở giai đoạn trưởng thành. Ngoài ra, các trẻ suy dinh dưỡng thường không đủ thể lực để tham gia các hoạt động thể chất, học tập. Thậm chí, rào cản nhận thức, tiếp thu kém, thể chất không khỏe mạnh của trẻ còn ảnh hưởng nghiêm trọng đến khả năng lao động khi trưởng thành.

Chiến lược giảm tỷ lệ thấp còi

Cán bộ y tế quận Long Biên cho trẻ uống vitamin A. Ảnh: Khuê Diệp

Do tác động của lối sống hiện đại, nhiều bậc cha mẹ thường không đủ điều kiện chăm sóc con từ bé, vì họ quan niệm khi con lớn có thể chăm sóc “bù”. Tuy nhiên, đây là quan điểm hết sức sai lầm. Phó Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia Trương Tuyết Mai cho biết, đầu tư vào dinh dưỡng cho trẻ trong giai đoạn 1.000 ngày đầu đời là sự đầu tư tốt nhất. Nếu trong khoảng thời gian này, trẻ không được nuôi dưỡng đúng cách, sẽ bỏ lỡ cơ hội phát triển tối đa về thể chất và trí tuệ. Chế độ dinh dưỡng trong 1.000 ngày đầu đời của trẻ phụ thuộc vào từng mốc giai đoạn, cụ thể là bà mẹ mang thai (270 ngày), nuôi con bằng sữa mẹ và chế độ ăn bổ sung (365 ngày - nuôi con năm thứ nhất) và chế độ ăn của trẻ từ 1 đến 2 tuổi (365 ngày - nuôi con năm thứ hai).

Ông Nguyễn Văn Tiến, cán bộ Trung tâm Giáo dục truyền thông dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, việc nuôi con bằng sữa mẹ sẽ giảm nguy cơ thiếu dinh dưỡng (suy dinh dưỡng) hoặc thừa cân, béo phì, các bệnh mạn tính không lây khi trưởng thành, nhất là bệnh lý tim mạch, tăng huyết áp, đái tháo đường... Mặc dù sữa mẹ có nhiều lợi ích cho trẻ, nhưng không phải bà mẹ nào cũng biết và thực hiện. Ngoài ra, theo khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), thời điểm cho trẻ ăn bổ sung (ăn dặm) là khi trẻ tròn 6 tháng tuổi (180 ngày). Bữa ăn bổ sung của trẻ phải cân đối các chất dinh dưỡng thiết yếu, gồm: Nhóm đường bột (65-70%), nhóm chất đạm (12-14%), chất béo (18-20%). Không những vậy, trẻ cần được ăn đủ rau và hoa quả (cung cấp các vitamin, chất khoáng và xơ)... Nếu khẩu phần ăn của trẻ quá nhiều chất đạm có thể khiến hệ tiêu hóa non nớt phải làm việc mệt mỏi, dễ rối loạn tiêu hóa, gây suy dinh dưỡng cấp tính.

Ngoài việc bổ sung vitamin A liều cao cho trẻ và bà mẹ sau sinh, trong Ngày Vi chất dinh dưỡng năm nay, tại 63 tỉnh, thành phố sẽ tiến hành sàng lọc trẻ suy dinh dưỡng cấp tính. Theo bà Trương Tuyết Mai, Viện sẽ đề xuất thanh toán bảo hiểm y tế cho việc điều trị trẻ suy dinh dưỡng nặng cấp tính. Đây được xem như một can thiệp chiến lược để giảm tỷ lệ thấp còi và tử vong ở trẻ em, từ đó cải thiện trí tuệ, tầm vóc và sự phát triển của nguồn nhân lực Việt Nam trong tương lai.

Thu Trang

Nguồn Hà Nội Mới: http://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/suc-khoe/968881/phong-chong-thieu-vi-chat-dinh-duong-o-tre-nang-tam-voc-tri-tue-nguoi-viet