Phòng, chống 'tham nhũng vặt'

Từ đầu nhiệm kỳ khóa XII đến nay, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật hơn 70 cán bộ cao cấp thuộc diện Trung ương quản lý. Con số trên cho thấy, công cuộc phòng, chống tham nhũng của Đảng, nhà nước đang ngày càng quyết liệt và thu được những kết quả đáng khích lệ, củng cố niềm tin của nhân dân với Đảng… Bên cạnh các vụ án lớn, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng cho rằng phải tập trung chống 'tham nhũng vặt' vì 'nó như ghẻ ruồi rất khó chịu'.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc liên quan đến nhân dân, góp phần phòng, chống tham nhũng vặt

“Lỗ nhỏ dễ đắm thuyền”

Theo Khoản 1, Điều 3 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018, tham nhũng là hành vi của người có chức vụ, quyền hạn; đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn đó vì vụ lợi. “Vặt” có nghĩa là nhỏ bé, không quan trọng, nhưng thường xảy ra. Như vậy, “tham nhũng vặt” là tham nhũng nhỏ, giá trị vật chất, của hối lộ không lớn, chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự. Thực tế hiện nay, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp, người dân có tâm lý khi giao dịch, tiếp xúc với cơ quan, đơn vị phải “ra” chi phí “bôi trơn”, “lót tay”, chấp nhận tiêu cực để được giải quyết công việc nhanh chóng, thuận lợi. Vẫn còn tình trạng có ngành, có nơi, cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác, kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật, lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, không công bằng, khách quan khi xử lý công việc cho người dân, doanh nghiệp… Chưa kể, có những trường hợp, bệnh nhân muốn “bắt số” khám bệnh sớm, để bác sĩ điều trị “mát tay”; hoặc phụ huynh muốn con học trường giỏi thì chạy trường, chạy lớp… thì “văn hóa phong bì” là một trong những giải pháp giải quyết vấn đề.

Có thể nói, “tham nhũng vặt” giá trị nhỏ nhưng tác hại rất lớn, có thể xảy ra ở các cấp, ngành, chủ yếu xảy ra ở các cơ quan công quyền, nhà nước, gây bức xúc và mất niềm tin trong nhân dân vào đội ngũ cán bộ, công chức vào bộ máy nhà nước. Hiện nay, tệ nạn này đang diễn ra từng ngày, từng giờ, nó không chỉ làm hủy hoại phẩm chất cán bộ, công chức và nguy hiểm hơn là nó làm mất lòng tin của người dân với những giá trị xã hội, vào chính quyền; làm méo mó hình ảnh của một đất nước đang nỗ lực hội nhập với thế giới. Tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân cho rằng: “Tham nhũng vặt, mặc dù nói vặt nhưng “lỗ nhỏ dễ đắm thuyền”, rất nguy hiểm và ảnh hưởng trực tiếp đến người dân, doanh nghiệp. Hậu quả này nếu cộng từng lỗ nhỏ thành một lỗ rất lớn, rất nguy hiểm”.

Củng cố niềm tin

Tại buổi gặp mặt các đảng viên trẻ tiêu biểu học tập và làm theo lời Bác nhân 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ tháng 7-2019, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng yêu cầu các đảng viên trẻ phải đặt lợi ích quốc gia lên trên hết, có tinh thần phấn đấu hy sinh vì nước, vì dân. “Làm cái gì cũng phải vì lợi ích quốc gia lên trên hết, đừng nghĩ đến mình vội. Là con của dân, là em của dân, nhân dân sinh ra thì phải học tập, thử thách trong cuộc sống mới có thể trưởng thành được. Bác Hồ hy sinh cả cuộc đời, tất cả vì nước, vì dân. Cứ nghĩ trong cuộc sống mà xem, có những người có thiếu thốn gì đâu, nhưng tham thế, chưa làm cái gì đã nghĩ đến “chấm mút”. Nói nhỏ là “chấm mút”, nói to là vi phạm pháp luật, không còn xứng đáng là đảng viên, dân coi thường… Tại sao phòng, chống tham nhũng lại được ủng hộ như vậy, vì nó đúng quá” - Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nói.

Bà Vương Thị Phú (phường Mỹ Bình, TP. Long Xuyên) trăn trở: “Thời gian gần đây, tôi rất đau lòng khi báo chí đưa tin về các vụ tham nhũng lớn, nhỏ ở một số bộ, ngành Trung ương, địa phương… làm ảnh hưởng đến uy tín, sự lãnh đạo của Đảng. Tôi mong muốn, thời gian tới, Đảng bộ tỉnh, lãnh đạo tỉnh, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị, địa phương cần sâu sát hơn để đảng viên, cán bộ của mình không sai lầm, không tham nhũng, nhất là “tham nhũng vặt” để không làm mất uy tín của Đảng, niềm tin của nhân dân”.

Thiết nghĩ, để phòng, chống “tham nhũng vặt” hiệu quả, trước hết, Trung ương cần nhận diện rõ tình trạng “tham nhũng vặt” (nhũng nhiễu, tiêu cực, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp) tập trung ở những ngành, lĩnh vực nào để đưa ra giải pháp phòng, chống phù hợp. Bởi hiện nay, ở nước ta chưa có luật nào quy định tham nhũng lớn, tham nhũng nhỏ, “tham nhũng vặt”. Bên cạnh đó, để ngăn chặn và đẩy lùi tình trạng “tham nhũng vặt” cần tập trung phối hợp, xử lý nghiêm các hành vi tham nhũng và “tham nhũng vặt”; loại khỏi bộ máy nhà nước cán bộ có biểu hiện tham nhũng, tiêu cực. Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, thuyết phục để tạo sự đồng thuận giữa các cấp ủy Đảng, chính quyền và nhân dân trong việc ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng tham nhũng và “tham nhũng vặt”. Phát huy tinh thần đấu tranh chống “tham nhũng vặt”, nói không với “tham nhũng vặt” trong cán bộ, đảng viên và quần chúng nhân dân.

Đẩy mạnh cải cách hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong xử lý công việc liên quan đến nhân dân. Thực hiện công khai minh bạch trong quản lý nhà nước về các lĩnh vực đất đai, môi trường, đấu thầu các dự án đầu tư; kê khai minh bạch tài sản, thu nhập của công chức, viên chức; phát huy vai trò của người đứng đầu trong việc phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng; phối hợp với cơ quan tố tụng trong xử lý các vụ án tham nhũng … Tiếp tục phát huy mạnh mẽ hơn vai trò của báo chí, MTTQ và nhân dân trong phòng, chống tham nhũng. Các cơ quan chức năng cần kịp thời cung cấp, công khai thông tin về kết quả kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, xử lý các vụ án, vụ việc về tham nhũng để các cơ quan báo chí có nhiều tin, bài phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm, nhân dân quan tâm. Qua đó, góp phần đấu tranh hiệu quả với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, nhất là tình trạng “tham nhũng vặt”… để niềm tin của nhân dân với Đảng ngày càng vững chắc.

MINH ANH

Nguồn An Giang: http://baoangiang.com.vn/phong-chong-tham-nhung-vat--a258400.html