Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam

Ngày 23/12, Viện Chiến lược và Khoa học Thanh tra tổ chức hội nghị đánh giá cấp cơ sở đề tài khoa học cấp Bộ 'Phòng, chống tham nhũng trong xây dựng pháp luật ở Việt Nam' do ông Nguyễn Quốc Văn, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế làm chủ nhiệm.

Ban Chủ nhiệm đề tài trình bày kế quả nghiên cứu tại Hội đồng đánh giá cấp cơ sở. Ảnh: TH

Ban Chủ nhiệm đề tài trình bày kế quả nghiên cứu tại Hội đồng đánh giá cấp cơ sở. Ảnh: TH

Theo Ban Chủ nhiệm đề tài, mục tiêu là nghiên cứu những vấn đề lý luận và thực tiễn cơ bản nhất về phòng, chống tham nhũng (PCTN) trong xây dựng pháp luật (XDPL); đề xuất quan điểm, giải pháp PCTN trong XDPL ở Việt Nam; góp phần bảo đảm tính liêm chính, khách quan, minh bạch và trách nhiệm giải trình trong quá trình XDPL trên các lĩnh vực quản lý Nhà nước…

Có thể nói, hiện tượng tham nhũng trong XDPL đã và đang bị dư luận, báo chí, truyền thông phản ánh và lên án gay gắt với dung lượng ngày càng lớn. Trong thực tiễn, hiện nay, rất nhiều vấn đề liên quan tới PCTN như vận động chính sách công; PCTN trong vận động chính sách công; phòng, chống lợi ích nhóm tiêu cực… chưa được Đảng chỉ đạo, định hướng cụ thể, gây khó khăn, lúng túng cho quá trình soạn thảo dự luật.

Công đoạn đề xuất, quyết định chính sách trước khi soạn thảo luật – là công đoạn vô cùng quan trọng nhưng ẩn chứa nhiều “rủi ro” nhất do dễ bị tác động không chính thức bởi lợi ích nhóm – vẫn chưa được tổ chức chuyên nghiệp, chưa chịu sự kiểm soát chặt chẽ do chưa trở thành tập quán, thói quen tại Việt Nam.

Vì thế, vấn đề PCTN trong XDPL cần phải được quan tâm nghiên cứu toàn diện, thấu đáo với phạm vi rộng hơn về lý luận và thực tiễn.

Nội dung đề tài gồm 5 nội dung chính: Một số vấn đề cơ bản về XDPL, về tham nhũng trong XDPL; kinh nghiệm quốc tế tiêu biểu về PCTN trong XDPL; thực trạng XDPL và nguy cơ, biểu hiện tham nhũng trong XDPL ở Việt Nam; pháp luật và thực tiễn Việt Nam về PCTN trong XDPL và quan điểm, giải pháp PCTN trong XDPL ở Việt Nam.

Tại buổi đánh giá, đa số các đại biểu đều cho rằng, hướng tiếp cận của đề tài là phù hợp, kết quả nghiên cứu phong phú và tâm huyết, đề tài làm sáng tỏ được nhiều vấn đề lý luận cơ bản về PCTN trong XDPL, có nhiều điểm mới, kết quả nghiên cứu của đề tài sẽ là cơ sở đề ra các giải pháp chính trị, pháp lý và thực tiễn nhằm PCTN trong XDPL ở Việt Nam; góp phần hoàn thiện thể chế về PCTN về thể chế về ban hành văn bản QPPL.

Tuy nhiên, có một số nội dung các đại biểu đều cho rằng, Chủ nhiệm đề tài cần chỉnh sửa và điều chỉnh cho phù hợp.

Hình thức, bố cục đề tài chưa rõ ràng, chưa đầy đủ, thiếu phần kết luận, kiến nghị, Chủ nhiệm cần hoàn thiện để đề tài được trọn vẹn hơn.

Đề mục ở Chương I và Chương II không nêu bật lên nội dung cũng như nội hàm của Chương, bên cạnh đó khái niệm xây dựng pháp luật không nổi bật được nội dung cần đưa ra, nên khuôn lại và làm rõ hơn.

Ở Chương II, phần nguy cơ, biểu hiện tham nhũng trong XDPL chuyển xuống phần 3, phần đánh giá thực trạng tham nhũng trong XDPL. Không chỉ vậy, nội dung kiến nghị số 14 trong Chương III về bổ sung quy định cấm một số hành vi lobby cụ thể: tặng quà; chiêu đãi, tạo cơ hội cho người có trách nhiệm để cài cắm lợi ích đã được quy định rồi, chủ nhiệm đề tài không cần đưa ra.

Về nội dung trong toàn bộ đề tài, Ban Chủ nhiệm dùng nhiều cụm từ “lợi ích nhóm” nhưng lại chưa làm rõ được cụm từ đó để người đọc hiểu hơn nội dung đề tài muốn truyền tải.

Kết thúc hội nghị, các đại biểu đều thống nhất và đưa ra kết luận đề tài đủ điều kiện để nghiệm thu chính thức.

Thái Hải

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/thanh-tra/hoat-dong-nganh/phong-chong-tham-nhung-trong-xay-dung-phap-luat-o-viet-nam_t114c1059n142876