Phòng chống tham nhũng, tội phạm chưa bao giờ hết 'nóng'

Hoạt động của các cơ quan tư pháp, công tác đấu tranh phòng chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và phòng chống tham nhũng là nội dung rất 'nóng', được đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước quan tâm tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội XIV.

Quản lý không minh bạch gây thất thoát lớn từ các dự án BOT.

Quản lý không minh bạch gây thất thoát lớn từ các dự án BOT.

Không nôn nóng, muốn diệt tham nhũng trong thời gian ngắn

Thảo luận về báo cáo công tác phòng chống tham nhũng năm 2018 của Chính phủ, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) nhấn mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng cảnh báo tham nhũng là giặc nội xâm, Đảng ta gọi là nguy cơ đối với một đảng cầm quyền, là thách thức, đối với vai trò lãnh đạo của Đảng, đe dọa sự tồn vong của chế độ, tồn vong của quốc gia dân tộc, là những lực cản nặng nhất cho sự phát triển, làm tổn hại đến thanh danh của Đảng, làm suy yếu niềm tin của nhân dân.

Có thể nói, những năm qua, công tác phòng, chống tham nhũng đã có sự chuyển biến tích cực, rõ nét với nhiều kết quả nổi bật. Thể chế, chính sách phòng, chống tham nhũng được hoàn thiện, công khai, minh bạch. Ủy ban Kiểm tra Trung ương thanh tra, kiểm toán, báo chí, người dân đã vào cuộc một cách tích cực. Công tác giám sát, xử lý rất nghiêm minh, quyết liệt các hành vi vi phạm.

“Không còn tình trạng giơ cao đánh khẽ mà giơ cao đánh trúng. Không còn có chuyện bao che cho nhau, né tránh, sợ “rút dây động rừng”, tạo được niềm tin cho người dân, ngăn chặn được điểm nóng trong tham nhũng. Tuy nhiên, nạn tham nhũng vẫn diễn biến phức tạp, tính chất ngày càng tinh vi. Do đó, chỉ có thể ngăn chặn, đẩy lùi, hạn chế, làm giảm thiểu lây lan, tác hại nhưng không thể xóa bỏ hoàn toàn, tiêu diệt tận gốc. Vì thế, không thể nôn nóng, ảo tưởng, muốn diệt hết ngay tham nhũng trong thời gian ngắn”, đại biểu Phương nhấn mạnh.

Đại biểu Mai Sỹ Diến (Thanh Hóa) cho rằng, đã có sự ngăn chặn rõ hơn việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sự sơ hở của cơ chế, chính sách để làm trái, vụ lợi, phục vụ đời sống riêng tư. Tuy nhiên, xét ở tâm trạng, dư luận, thái độ và cả những phản ứng phê phán của nhân dân đối với cán bộ, công chức thì so với thời gian trước, tuy hình thức nhũng nhiễu một cách công khai, trắng trợn đã có chuyển biến giảm ở một số lĩnh vực nhưng chưa thực sự làm hài lòng doanh nghiệp, người dân. Kinh phí không chính thức vẫn tồn tại như một thứ luật ngầm ai cũng hiểu. Muốn được việc thì doanh nghiệp, người dân vẫn phải “bôi trơn” cùng với sự ấm ức và khó chịu.

“Tôi đề nghị Chính phủ, các bộ, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, sàng lọc đội ngũ cán bộ, xử lý nghiêm những vi phạm của các công chức, cán bộ vi phạm; nâng cao chất lượng thanh, kiểm tra để kết luận rõ những cán bộ, công chức có biểu hiện vi phạm. Việc xử lý mạnh tay cũng sẽ không sợ không còn cán bộ để làm việc”, đại biểu Diến đề nghị.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho rằng, việc các báo cáo đề cập đến các vấn đề nhạy cảm như tình trạng “bôi trơn”, “sân sau”, “lợi ích nhóm”, “bảo kê”,… cho thấy thái độ kiên quyết, không né tránh của Đảng và Nhà nước.

Phân tích tình trạng “tham nhũng vặt”, theo đại biểu Hoa, đây là sự nhũng nhiễu, tiêu cực trong khu vực công gây bức xúc cho người dân và doanh nghiệp trong thời gian qua. Nếu tham nhũng trục lợi chính sách, tham nhũng lớn làm suy kiệt nền kinh tế thì “tham nhũng vặt” cũng có một sức tàn phá rất lớn đối với đời sống trong xã hội, đặc biệt là làm giảm niềm tin của người dân vào bộ máy công quyền. Việc xử lý loại tội phạm này không dễ, do diễn ra mọi lúc, mọi nơi đến mức hành vi đưa phong bì, lót tay, chạy điểm, chạy chức, chạy án đã trở thành “thói quen” và thực sự trở nét thành văn hóa xấu xí của người Việt.

Do đó, cần công phá tư tưởng “lợi ích nhóm”, có những quy định cụ thể dễ nhận diện tội phạm “tham nhũng vặt” trong cơ quan công quyền. Đồng thời, đẩy nhanh cải cách hành chính hạn chế tiếp xúc trực tiếp của người dân với cán bộ cơ quan công quyền. Tăng cường công khai, minh bạch trong công tác cán bộ, thắt chặt công tác tuyển dụng, quản lý, bổ nhiệm và đề bạt cán bộ, bảo đảm quyền tiếp cận thông tin của công dân trong công tác cán bộ.

Chống tham nhũng vẫn sẽ “rực lửa”

“Trong điều kiện còn nhiều khó khăn, thách thức, tình hình diễn biến phức tạp nhưng hoạt động của các cơ quan tư pháp đã đạt được những kết quả quan trọng trên nhiều mặt, góp phần giữ gìn an ninh chính trị, an toàn trật tự xã hội. Tuy nhiên, số liệu về phát hiện và xử lý vi phạm, tham nhũng tăng 30,35% khiến người dân phấn khởi tin tưởng. Song tỷ lệ phạm tội trong độ tuổi thanh, thiếu niên, tội hiếp dâm trẻ em trên 30% khiến người dân lo lắng, bức xúc”, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên), Phó trưởng Ban Nội chính Trung ương nhấn mạnh.

Theo đại biểu Học, cách đây vài năm, tình hình tham nhũng được đánh giá còn nghiêm trọng, xảy ra trên nhiều lĩnh vực, nhiều cấp, nhiều ngành, đe dọa sự tồn vong của chế độ. Nhận thức thực trạng trên, cả hệ thống vào cuộc với tinh thần quyết liệt, không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể là ai dù đương chức hay nghỉ hưu, làm rõ đến đâu xử lý đến đó, không cầu toàn, không chờ đợi, sau đó điều tra xử lý tiếp. Phối hợp chặt chẽ các khâu từ thanh tra, điều tra đến truy tố, xét xử, thi hành án. Tuy nhiên, kết quả mới là bước đầu và còn nhiều việc phải làm nhưng tinh thần nói đi đôi với làm, đấu tranh phòng chống tham nhũng đã thành xu thế tất yếu.

Tại cuộc họp Thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng chống Tham nhũng vừa qua, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước và là Trưởng Ban Chỉ đạo Nguyễn Phú Trọng nêu câu hỏi, băn khoăn, lo lắng của cử tri là với tinh thần đấu tranh phòng chống tham nhũng cao như hiện nay thì thời gian tới có được duy trì? Các đồng chí trong Ban Chỉ đạo đều khẳng định tinh thần quyết tâm, quyết liệt trong thời gian tới, rất rực lửa và tinh thần này còn duy trì. Khi người dân phấn khởi tin tưởng thì công tác phòng chống tham nhũng sẽ lan tỏa sâu rộng.

Củng cố niềm tin vào quyết tâm chống tham nhũng

Về công tác phòng chống tham nhũng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, với quyết tâm chính trị cao, công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018 có chuyển biến rõ, tích cực hơn với tinh thần chủ động, quyết liệt không có vùng cấm, không có ngoại lệ đã đạt nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ án tham nhũng kinh tế lớn đã được đưa ra xét xử, được nhân dân và dư luận đồng tình, đánh giá cao. Tuy nhiên, các đại biểu Quốc hội cũng cho rằng, báo cáo chưa phản ánh thật đầy đủ thực trạng công tác phòng, chống tham nhũng, chưa nêu các chuyển biến nổi bật công tác này so với năm 2017.

Phó chủ tịch Quốc hội cho biết, các đại biểu Quốc hội đồng tình với đánh giá và dự báo tình hình tham nhũng trong những năm tới, có ý kiến băn khoăn về dự báo tình hình tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm. Nhiều đại biểu đồng ý với kiến nghị giải pháp được nêu trong các báo cáo của Chính phủ và báo cáo thẩm tra, đồng thời nhấn mạnh cần tiếp tục hoàn thiện thể chế về kinh tế - xã hội, sửa đổi Luật Giám định tư pháp, Luật Cán bộ, công chức, ban hành các văn bản quy định chi tiết hướng dẫn thi hành, giải thích pháp luật...

Cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật, thực hiện công khai minh bạch kê khai tài sản công tác cán bộ. Đề cao trách nhiệm người đứng đầu, xử lý nghiêm minh các hành vi tham nhũng. Có biện pháp hữu hiệu để kê biên, tịch thu tài sản tham nhũng nhằm củng cố niềm tin của nhân dân vào quyết tâm chống tham nhũng của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

D.T

Nguồn KTNT: https://kinhtenongthon.vn/phong-chong-tham-nhung-toi-pham-chua-bao-gio-het-nong-post23716.html