Phòng, chống tham nhũng: Giải pháp nào?

Với một hoặc vài giải pháp đơn lẻ, sẽ phòng, chống tham nhũng không thành công.Chí ít, cũng phải thường xuyên, liên tục tiến hành đồng bộ, đồng thời mạnh mẽ 15 giải pháp phòng, chống tham nhũng đã được trải nghiệm, mới có thể từng bước thay đổi cục diện cơ bản, tạo nên sự chuyển biến về chất trong công cuộc trừ diệt giặc nội xâm...

Ảnh minh họa: laodong.vn

Những vụ, việc tiêu cực, tham nhũng chấn động dư luận cả nước giữa năm 2018, Đảng, Chính phủ đã và đang tiếp tục công bố minh bạch, đầy đủ, cho thấy tình hình tham nhũng vẫn diễn biến nghiêm trọng, tinh vi, phức tạp và công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đầy cam go, nặng nhọc rất lâu dài.

Tại Hải quan Hải Phòng, hàng ngày diễn ra cảnh tượng “nườm nượp kẹp tiền đưa - nhận” làm thủ tục xuất, nhập hàng, chảy vào túi bè lũ tham nhũng hơn tỷ đồng/ngày.

Trung tướng Phan Văn Vĩnh, Thiếu tướng Nguyễn Thanh Hóa ngành Công an, bảo kê tổ chức đánh bạc trên mạng ở Phú Thọ với tổng số bị can lên tới hơn trăm người và số tiền thu được cực lớn, chưa từng thấy.

Ở thành phố Hồ Chí Minh, xảy ra “quy trình siêu tốc” chuyển nhượng khu “đất vàng” 30 ha ở Phước Kiến, huyện Nhà Bè của Công ty Tân Thuận (do Thành ủy quản lý) cho Công ty Cổ phần Quốc Cường ở Gia Lai không qua đấu giá, định giá rẻ bèo, chỉ 1,29 triệu đồng/m2. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Tất Thành Cang là người chấp thuận chủ trương này, không báo cáo Thường vụ Thành ủy, làm tổn thương nghiêm trọng uy tín của Đảng, đang được Trung ương xem xét kỷ luật thích đáng.

Ở Hà Nội, hai Bộ trưởng kế tiếp nhau của Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son và Trương Minh Tuấn đã bị kỷ luật Đảng và bãi chức.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương công bố danh tính các tướng của hai Bộ Quốc phòng và Công an vi phạm kỷ luật nặng, buộc phải xem xét xử lý.

Đặc biệt, sự kiện gian dối trong kỳ thi trung học phổ thông 2018 xảy ra ở Hà Giang, Sơn La, Lạng Sơn… là một báo động đỏ không chỉ đối với Bộ Giáo dục Đào tạo mà với cả nền giáo dục Việt Nam.

Những sự kiện tiêu biểu trên, cho thấy tham ô, hối lộ, lãng phí, quan liêu tiếp tục diễn ra rộng lớn trên cả 3 lĩnh vực doanh nghiệp - chính quyền - nhân dân. Do vậy, không thể với một hoặc vài giải pháp đơn lẻ giải quyết được vấn đề. Phải tiến hành mạnh mẽ đồng bộ, đồng thời chí ít với 15 giải pháp phòng, chống tham nhũng đã được trải nghiệm dưới đây:

1. Ban lãnh đạo đất nước phải có quốc sách, quyết sách chiến lược, chương trình hành động quốc gia trước mắt và lâu dài. Mở những chiến dịch, những đợt tấn công có trọng điểm, trọng tâm, có điểm, có diện một cách quyết liệt và tập trung cao. Không tổ chức những trận quyết chiến nhằm vào những mục tiêu chủ yếu, sẽ không thắng được giặc nội xâm.

2. Nhất thiết phải có và phải giương cao ngọn cờ lãnh đạo mẫu mực và quyết đoán, có đầy đủ khả năng, uy quyền, uy lực, uy tín, đích thân làm trung tâm huy động và hội tụ được sức mạnh tổng hợp hùng hậu, mới có thể từng bước trừ diệt giặc tham nhũng, xây dựng “chính quyền sạch”, “quốc gia sạch”, dẫn dắt xã hội hướng tới một cuộc sống văn minh, lành mạnh, tốt đẹp.

3. Phải thiết lập được một hệ thống tổ chức phòng, chống tham nhũng từ Trung ương đến địa phương, các ngành, các cấp thật trong sạch, vững mạnh với những con người có quyết tâm chính trị cao, dám hành động quyết liệt vì lợi ích chung. Đây là cơ quan tham mưu có khả năng đoàn kết mật thiết với các cơ quan, đơn vị hữu quan, giúp ban lãnh đạo, chỉ huy cuộc chiến phòng, chống tham nhũng đạt được 3 yêu cầu cơ bản:

a) Về tinh thần, tư tưởng, văn hóa, phải chống triệt để chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, tự tư tự lợi, nêu cao đức tính dĩ công vi thượng và lối sống “mình vì mọi người”. Với đảng viên, cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược phải gương mẫu đi đầu trong phòng, chống tham nhũng, không phạm tội tham nhũng.

b) Về tổ chức, thường xuyên coi trọng, nêu gương người tốt nhưng đồng thời phải nhất quyết khai trừ khỏi Đảng, loại ra khỏi bộ máy công quyền những kẻ tham nhũng làm mất uy tín của Đảng, Nhà nước.

c) Về kỷ cương, phép nước, phải thi hành kỷ luật nghiêm khắc, xử án đúng người, đúng tội những kẻ tham nhũng, dù ở địa vị, cấp chức nào. Phải thu hồi được tài sản tham nhũng mức cao nhất. Một vụ án tham nhũng chỉ thu hồi được 8 - 10% tiền bạc, tài sản tham nhũng, được coi là chống tham nhũng không thành công.

4. Đảng phải có những quy định chuẩn mực, rõ ràng cho đảng viên về tội phạm tham nhũng. Nhà nước phải có hệ thống các văn bản pháp luật và hành lang pháp lý cụ thể, nhất quán, sát thực cho riêng các vấn đề tham ô, hối lộ, lãng phí, quan liêu. Xử tội tham nhũng theo quy định của hành lang pháp lý chống tham nhũng.

Phải dứt khoát đoạn tuyệt cả về tư tưởng và phương pháp lãnh đạo lấy xử lý nội bộ thay cho pháp luật của Nhà nước. Không có vùng cấm, ngoại lệ, đặc quyền, đặc ân trong xử tội tham nhũng. Nghiêm cấm bất cứ ai, dù có địa vị cao nhất, không được dùng quyền uy cá nhân can thiệp trái phép vào các hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán, kiểm soát và thi hành pháp luật chống tham nhũng.

5. Với phương châm “chưa kiểm tra coi như chưa lãnh đạo”, phải coi trọng công tác thanh tra, kiểm tra đi trước một bước, nhằm kịp thời phát hiện, ngăn chặn không cho tham nhũng xảy ra tốt hơn là để tham nhũng xảy ra rồi mới thanh tra, kiểm tra, thì mất nhiều hơn là được.

Cán bộ thanh tra, kiểm tra phải là những người thật trong sạch, trung thực, công minh, khách quan, tận tụy với công việc, có năng lực chuyên môn cao. Không bố trí những người có “tỳ vết” vào các cơ quan làm nhiệm vụ có mối quan hệ trực tiếp đến việc thực thi pháp luật.

6. Cán bộ, nhất là cán bộ cấp chiến lược, phải chọn lọc hết sức cẩn trọng ngay từ khâu đầu tiên tuyển chọn đầu vào, có đủ đức, tài ngang tầm nhiệm vụ, lấy đức làm gốc, đặt đức lên trên hết. Cán bộ do Trung ương trực tiếp quản lý, tốt hay xấu đều trực tiếp ảnh hưởng đến đại sự và uy tín của Đảng, Chính phủ. Nhất quyết phải loại ra khỏi bộ máy công quyền những cán bộ hư hỏng, tham nhũng, tha hóa đạo đức cách mạng.

7. Trên lĩnh vực kinh tế, phải chia tách hẳn giữa chức năng quản lý và điều hành, giữa người ra quyết định và người thực thi chính sách, nhằm cắt đứt tình trạng “vừa đá bóng vừa thổi còi” dẫn đến bảo kê, ô dù, bao che, phe cánh, xin - cho, ân huệ… làm cho tham nhũng diễn ra triền miên.

Cải cách kinh tế phải đi đôi với cải cách triệt để, sâu rộng, bộ máy quản lý xã hội cồng kềnh, chồng chéo, thủ tục hành chính nhiêu kê, rườm rà, quan liêu. Các văn bản pháp luật thiếu đồng bộ, thống nhất, hoàn chỉnh, các cơ chế, chính sách không rõ ràng… là những khe hở luôn bị bè lũ tham nhũng tìm cách lợi dụng.

8. Phải dựa vào dân. Sự ủng hộ mạnh mẽ của dân là một trong những nhân tố quyết định thắng lợi của cuộc chiến đấu chống giặc nội xâm. Trong một khu dân cư, không ai hiểu rõ người có chức, có quyền, gia đình, người thân thuộc của họ bằng quần chúng, nhân dân. Còn trong một tổ chức cụ thể, không ai hiểu rõ các vị lãnh đạo, thủ trưởng, bằng những cán bộ, nhân viên cấp dưới thuộc quyền. Do vậy, phải thật sự tôn trọng, tin tưởng dân, thực hành dân chủ rộng rãi, công khai minh bạch, tạo ra một bầu không khí xã hội mà trong đó tất cả thường dân, đảng viên, nhân viên thường, đều không cam chịu thích nghi lối sống tiêu cực, không thờ ơ, vô trách nhiệm, mà bằng hình thức công khai, bí mật, dám tố cáo những kẻ tham ô, hối lộ, lãng phí, quan liêu.

9. Báo chí có tai mắt rộng lớn khắp xã hội. Rất nhiều trường hợp báo chí đã đi trước các cơ quan chuyên trách chống tham nhũng, các đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, phát hiện sớm nhất, nhanh nhất các tội phạm tham nhũng. Do vậy, cần coi trọng vai trò và tận dụng lợi thế của báo chí, coi báo chí là một công cụ đắc lực. Ủng hộ mạnh mẽ và tạo mọi thuận lợi cho phóng viên báo chí cộng tác chặt chẽ với các cơ quan kiểm tra, thanh tra, các điều tra viên… tạo nên một sức mạnh tổng hợp mang lại hiệu quả cao trong phòng, chống tham nhũng.

10. Những người có chức, có quyền trong hệ thống các tổ chức của bộ máy công quyền, nhất là những người lãnh đạo, chỉ huy cao nhất, cán bộ chủ chốt đầu ngành, chuyên viên cấp cao… nhất thiết phải kê khai trung thực tài sản riêng kể từ khi được đề cử, ứng cử, bổ nhiệm công việc; trong quá trình công tác cũng như khi thôi việc, nghỉ hưu. Phải lưu tâm đến tài sản riêng của những người ruột thịt trong gia đình, họ hàng, bạn bè, người cộng sự thân thiết nhất.

Chú ý điều tra cả nguồn gốc tài sản riêng gửi ở nước ngoài.

11. Tịch thu sung vào quỹ phúc lợi chung của xã hội những tài sản bất minh đã được kết luận không có chủ sở hữu hợp pháp, kể cả những người thân cận nhất trong gia đình, họ hàng, bạn bè thân thiết, các trợ lý, thư ký, bảo vệ, lái xe, công vụ… được kẻ tham nhũng phân tán tài sản nhờ sở hữu.

Tiến hành công việc này phải hết sức công minh, xác thực, không gây oan, trái cho người can phạm. Đồng thời, phải liên kết chặt chẽ với các tổ chức quốc tế chống tham nhũng để chống “rửa tiền” và thu hồi tài sản phi pháp của kẻ tham nhũng.

12. Nhà nước ghi công, khen thưởng xứng đáng, đặc biệt là coi trọng bảo vệ vững chắc những tổ chức, cộng tác viên, người dân có công lao, thành tích bài trừ tham nhũng.

Kiên quyết trừng trị đích đáng những kẻ trù dập, ám hại những người tích cực chống tham nhũng.

Riêng với những người buộc phải ra công khai làm nhân chứng, thì không những phải được bảo toàn tốt tính mạng, còn cần phải có chính sách quan tâm chăm sóc đời sống, bố trí công ăn việc làm thích hợp cả trước mắt và lâu dài.

13. Tổ chức thích hợp, thiết thực các hình thức ký kết giao ước thi đua giữa các bộ, ngành với ngành, địa phương với địa phương, thực hiện tốt những mục tiêu chủ yếu phòng, chống tham nhũng của Chính phủ đề ra.

Tập trung chỉ đạo xây dựng thí điểm cơ quan, đơn vị điển hình hạn chế được thiệt hại lớn do tham nhũng gây nên, hạ xuống mức ít nhất, không đáng kể.

Khuyến khích thành lập các công ty tư nhân, các tổ chức phi Chính phủ đấu tranh phòng, chống tham nhũng. Các tổ chức này hoạt động theo quy định của pháp luật chống tham nhũng và pháp luật khác của Nhà nước. Với những vụ phá án thành công, các tổ chức này được hưởng từ 5 đến 10% tài sản tham nhũng được thu hồi, nhằm nuôi được bộ máy hoạt động lâu dài.

14. Đồng lương cơ bản thấp, thu nhập bình quân đầu người thấp, mức sống và chất lượng sống thấp, phúc lợi xã hội cơ bản thấp… là một nguyên nhân gây nên tình trạng tham ô, hối lộ, lãng công, lãng phí thời gian, quan liêu, thiếu trách nhiệm trong công việc. Do vậy, phải tạo cho những người sống bằng đồng lương trong tất cả các tổ chức của bộ máy công quyền có một thu nhập hợp lý và đáng kể, để giúp họ thoát khỏi tình trạng dai dẳng, triền miên buộc phải tham nhũng khi có điều kiện. Đồng thời, Chính phủ phải có cơ chế, chính sách xác thực bảo đảm không thể tham nhũng, không dám tham nhũng, không cần tham nhũng.

15. Tiến hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, Nhà nước phải có chính sách rõ ràng cả về pháp lý và đạo lý về ý tưởng làm giàu chính đáng cho đảng viên, viên chức, công chức Nhà nước và nhân dân trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội.

Khích lệ, biểu dương, khen thưởng, tặng danh hiệu cao quý cho những ai biết cách làm giàu chính đáng cho mình và cho cả cộng đồng, xem đó là một định hướng đúng đắn, nhân văn, tốt đẹp cho một xã hội giàu tình người, dân chủ, công bằng, văn minh.

HỒ NGỌC SƠN

Đại tá, nhà báo, nhà thơ, nguyên Trưởng phòng Báo chí - Thông tấn, Cục Tuyên huấn, Tổng cục Chính trị QĐNDVN

Nguồn Thanh Tra: http://thanhtra.com.vn/chinh-tri/doi-noi/phong-chong-tham-nhung-giai-phap-nao_t114c67n137454