Phòng chống tham nhũng: 'Gia cố 'lò' để 'củi' khô, 'củi' ướt đều cháy được'

Đại biểu Nguyễn Chiến (Hà Nội) cho rằng cần thiết phải sửa luật theo hướng chống tham nhũng hiệu quả nhưng không có nghĩa là dàn trải, pha loãng ra.

Chiều 21-11, tham gia thảo luận hoàn thiện dự thảo Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), đại biểu Nguyễn Chiến (đoàn TP Hà Nội) đánh giá, tình hình tham nhũng chưa bao giờ “nóng” như hiện nay.

Ông Chiến ví von: "10 năm qua thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng giống như chúng ta xây một cái lò. Bây giờ phải sửa sang, gia cố cái lò này như thế nào để bảo đảm củi to, củi nhỏ, củi khô, củi ướt đều cháy được?".

Đại biểu Nguyễn Chiến phát biểu tại phiên thảo luận

Theo ông Chiến, cần thiết phải sửa luật để chống tham nhũng hiệu quả nhưng không có nghĩa là dàn trải, pha loãng ra. “Ví như lò than, chúng ta đốt một lúc tất cả củi khô, củi ướt vào thì nó không tăng mà còn giảm nhiệt, thậm chí tắt lò”, đại biểu Nguyễn Văn Chiến nói.

Nêu quan điểm cần thiết kế luật đáp ứng yêu cầu phòng là chính và phải thu hồi được tài sản tham nhũng về cho nhà nước, đại biểu Nguyễn Chiến cho rằng, qua phiên thảo luận, dự thảo luật đã lộ ra nhiều bất cập, đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm, tiếp thu các ý kiến đại biểu để hoàn thiện dự thảo luật trước khi trình Quốc hội thông qua.

Đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy (đoàn Bến Tre) cho rằng, dự thảo luật tập trung nhiều vào việc chống tham nhũng, tức là khi tham nhũng đã xảy ra hơn là phòng ngừa. “Nếu không phòng ngừa hành vi nhỏ, giá trị tham nhũng thấp dễ dẫn đến hành vi tham nhũng lớn hơn”, bà Thủy cảnh báo.

Nữ đại biểu đoàn Bến Tre đánh giá dự thảo luật còn nhiều sơ hở và đề nghị: “Cần tăng cường thêm nhiều điều khoản phòng ngừa hành vi tham nhũng hiệu quả hơn”.

Về xử lý trách nhiệm người đứng đầu, đại biểu Lệ Thủy cho rằng: “Quy định như vậy sẽ tạo kẽ hở cho người đứng đầu, cấp phó khi để xảy ra tham nhũng ở đơn vị mình, muốn rũ bỏ trách nhiệm chỉ cần từ chức là xong và "trốn" được kỷ luật”, bà Thủy chỉ ra.

Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái tiếp thu và giải trình một số ý kiến đại biểu

Giải trình cuối phiên thảo luận, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, đa số ý kiến đại biểu thống nhất việc mở rộng phạm vi điều chỉnh ra ngoài khu vực Nhà nước.

Tuy nhiên về nội dung, các quy định phòng chống tham nhũng trong khu vực ngoài nhà nước có nhiều ý kiến thu hẹp hành vi, thẩm quyền thanh tra phát hiện hành vi tham nhũng, sự thống nhất trong các điều khoản luật phải mở rộng từng bước, có chế định phù hợp. “Tiếp thu ý kiến đại biểu, chúng tôi sẽ hoàn thiện phạm vi điều chỉnh dự án luật trên cơ sở đánh giá kỹ tác động của việc lựa chọn phương án, đảm bảo khả thi".

Về các quy định công khai, minh bạch tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, Trung ương đã 2 lần chỉ đạo về việc tiến tới từng bước mở rộng diện kê khai và phạm vi công khai kết quả kê khai tài sản của Đảng viên, cán bộ công chức.

Kết quả tổng kết 10 năm Luật Phòng, chống tham nhũng cho thấy, nguyên nhân dẫn tới việc kiểm soát không hiệu quả không phải vì diện kê khai rộng mà do chưa quản lý được dữ liệu kê khai, chưa kiểm soát được sự biến động và xác minh được tài sản thu nhập.

Do vậy, việc quy định các cơ quan tổ chức kiểm soát tài sản thu nhập là cần thiết, nhằm hình thành quản lý hệ thống cơ sở dữ liệu về tài sản thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn, đồng thời cần giao cho cơ quan, tổ chức có chức năng để thực hiện nhiệm vụ cụ thể góp phần nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng.

Băng Tâm

Nguồn ANTĐ: http://anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/phong-chong-tham-nhung-gia-co-lo-de-cui-kho-cui-uot-deu-chay-duoc/748830.antd