Phòng, chống tham nhũng - cuộc đấu tranh không mệt mỏi

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được các địa phương trên toàn quốc tích cực thực hiện. Các hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được triển khai đồng bộ ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ. Trong đó, công tác quản lý nhà nước về PCTN cấp tỉnh được thực hiện tương đối đồng đều và toàn diện. Các địa phương triển khai kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch hành động… Tuy nhiên trong thực tế, công tác này đã và đang gặp phải những 'nút thắt', cần tháo gỡ kịp thời. Cả hệ thống chính trị vào cuộcThanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo công tác đánh giá PCTN cấp tỉnh năm 2018 một cách chi tiết và được chấm điểm theo những tiêu chí cụ thể. Báo cáo đã đưa ra cái nhìn tổng quát về cuộc đấu tranh PCTN của cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương; đồng thời đặt ra những vấn đề quan trọng hiện nay và sắp tới.Thực tế cho thấy, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN được đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ, có kế hoạch. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện công tác PCTN được thực hiện tốt. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa được triển khai tương đối đồng bộ. Việc thu hồi tài sản tham nhũng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu được chú ý trong xử lý tham nhũng.Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN thông qua các cơ quan thông tin, truyền thông; các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn; các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh THPT, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạ

Công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) tiếp tục được các địa phương trên toàn quốc tích cực thực hiện. Các hoạt động quản lý nhà nước về phòng, chống tham nhũng, thực hiện các biện pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng được triển khai đồng bộ ở hầu hết các lĩnh vực, góp phần tích cực xây dựng xã hội công khai, minh bạch, dân chủ. Trong đó, công tác quản lý nhà nước về PCTN cấp tỉnh được thực hiện tương đối đồng đều và toàn diện. Các địa phương triển khai kịp thời các văn bản lãnh đạo, chỉ đạo từ Trung ương, cụ thể hóa bằng chương trình, kế hoạch hành động… Tuy nhiên trong thực tế, công tác này đã và đang gặp phải những "nút thắt", cần tháo gỡ kịp thời.

Cả hệ thống chính trị vào cuộc

Thanh tra Chính phủ (TTCP) vừa có báo cáo công tác đánh giá PCTN cấp tỉnh năm 2018 một cách chi tiết và được chấm điểm theo những tiêu chí cụ thể. Báo cáo đã đưa ra cái nhìn tổng quát về cuộc đấu tranh PCTN của cả hệ thống chính trị, nhất là các địa phương; đồng thời đặt ra những vấn đề quan trọng hiện nay và sắp tới.

Thực tế cho thấy, công tác giáo dục, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về PCTN được đẩy mạnh, thực hiện đồng bộ, có kế hoạch. Sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức, đơn vị; công tác kiểm tra, thanh tra trách nhiệm thực hiện công tác PCTN được thực hiện tốt. Việc thực hiện các giải pháp phòng ngừa được triển khai tương đối đồng bộ. Việc thu hồi tài sản tham nhũng, xử lý trách nhiệm người đứng đầu được chú ý trong xử lý tham nhũng.

Các địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN thông qua các cơ quan thông tin, truyền thông; các cơ quan, tổ chức, đơn vị khác, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình, có trách nhiệm tuyên truyền, phổ biến, giáo dục về PCTN nhằm nâng cao nhận thức cho công dân và người có chức vụ, quyền hạn; các cơ sở giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng có trách nhiệm đưa nội dung giáo dục nhân cách, đạo đức, lối sống vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng đối với học sinh THPT, sinh viên, học viên và người có chức vụ, quyền hạn theo quy định của pháp luật.

Trong quý I năm nay, Tỉnh ủy Trà Vinh chỉ đạo các cấp, các ngành triển khai, quán triệt, tuyên truyền các quy định của Ðảng, pháp luật của Nhà nước về PCTN đến cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đoàn viên, hội viên và nhân dân được 2.370 cuộc với 74.815 lượt người tham dự; đăng tải nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật và các văn bản chỉ đạo liên quan PCTN trên hai tờ báo chữ Việt và chữ Khmer; đưa nội dung PCTN vào giảng dạy tại các cơ sở giáo dục và đào tạo. Ðồng thời, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, địa phương thực hiện nghiêm việc công khai, minh bạch trong hoạt động cơ quan, đơn vị, niêm yết công khai thủ tục hành chính, nội quy, quy chế làm việc…; công khai những việc cán bộ, công chức, viên chức được biết, được bàn, được giám sát theo Nghị định số 04/2015/NÐ-CP của Chính phủ về thực hiện dân chủ trong hoạt động cơ quan hành chính nhà nước và đơn vị sự nghiệp công lập; kiểm tra việc thực hiện công khai, minh bạch tại sáu đơn vị.

UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã khẩn trương triển khai thực hiện sáu giải pháp phòng ngừa theo quy định của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018. Trong đó, nhiều giải pháp được các địa phương thực hiện tốt trong thời gian qua, nay tiếp tục phát huy và tập trung đẩy mạnh cải cách hành chính theo hướng cụ thể, hiện đại và hiệu quả bằng việc ban hành, công bố thủ tục hành chính đặc thù, thủ tục hành chính liên thông thuộc thẩm quyền quản lý của đơn vị hành chính cấp tỉnh, cấp huyện bằng việc ứng dụng công nghệ thông tin, giảm thủ tục hành chính; chấn chỉnh thực hiện cơ chế một cửa, một cửa liên thông, nghiêm cấm cán bộ, công chức, viên chức có hành vi cửa quyền, phiền hà, nhũng nhiễu, tiêu cực…

Từ đầu năm đến nay, tỉnh Nam Ðịnh đã tiến hành 76 cuộc thanh tra, kiểm tra. Qua thanh tra, đã phát hiện các sai phạm cả về kinh tế và hiện vật, đã xử lý về kinh tế với số tiền hơn 12,7 tỷ đồng; trong đó, xử lý thu hồi vào ngân sách nhà nước hơn 12,1 tỷ đồng. Thực hiện năm cuộc thanh tra, kiểm tra trách nhiệm tại năm cơ quan, đơn vị trong việc thực hiện pháp luật về PCTN; trong đó, Thanh tra tỉnh thực hiện ba cuộc thanh tra PCTN kết hợp với thanh tra thực hiện nhiệm vụ công vụ. Qua thanh tra đã kiến nghị các đơn vị được thanh tra chấn chỉnh những thiếu sót, khuyết điểm trong công tác tiếp công dân; tiếp nhận, xử lý, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo; tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật về thanh tra, khiếu nại, tố cáo; tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ xác minh giải quyết các vụ việc khiếu nại, tố cáo thuộc thẩm quyền; thực hiện đầy đủ việc công khai minh bạch theo quy định về PCTN, chấn chỉnh công tác kê khai tài sản, thu nhập…

Một lực lượng quan trọng không thể thiếu được trong cuộc đấu tranh PCTN là cơ quan báo chí. Thực tế cho thấy, các cơ quan truyền thông, báo chí ở trung ương và địa phương đã có nhiều tin, bài phản ánh những vấn đề bức xúc, nổi cộm, được nhân dân quan tâm; đấu tranh với những biểu hiện tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, góp phần quan trọng vào thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, góp phần tạo dựng môi trường kinh doanh lành mạnh.

Những vấn đề đặt ra

Tuy đạt được những thành tựu và kết quả quan trọng nhưng đấu tranh PCTN cần tiếp tục được các địa phương triển khai mạnh mẽ, quyết liệt hơn nữa. Theo đánh giá của TTCP, công tác PCTN ở cấp tỉnh trong cả năm 2018 chỉ đạt được xấp xỉ 60% yêu cầu.

Qua tìm hiểu thực tế công tác PCTN ở một số địa phương cho thấy, có nhiều nội dung công việc chưa bảo đảm chất lượng, ảnh hưởng không nhỏ tới kết quả đấu tranh PCTN. Trong đó có hiện tượng chồng chéo của hoạt động thanh tra, kiểm tra. Một số cuộc thanh tra triển khai chậm so với kế hoạch; còn kéo dài, nhất là thời gian xây dựng báo cáo và kết luận thanh tra, trong đó có những cuộc thanh tra đột xuất, đòi hỏi tiến độ nhanh để phục vụ yêu cầu quản lý. Công tác đôn đốc, xử lý về thanh tra tuy đã có nhiều tiến bộ nhưng tỷ lệ thu hồi, xử lý khác về tiền, tài sản, đất đai còn thấp, chưa đạt yêu cầu đề ra. Việc theo dõi, đôn đốc kết quả thực hiện kiến nghị trong kết luận thanh tra, nhất là việc hoàn thiện cơ chế, chính sách chưa kịp thời, thường xuyên.

Ðáng chú ý, khi đề cập về việc tiếp công dân để giải quyết khiếu nại, tố cáo, các đồng chí tại TTCP cho biết thực trạng: Một số địa phương chưa đạt yêu cầu đề ra trong nội dung này. Ðiều này cho thấy, lãnh đạo một số UBND tỉnh thực hiện chưa tốt việc tiếp công dân, thậm chí có tỉnh không cung cấp được dữ liệu về chủ tịch UBND tỉnh, thành phố tiếp dân trong năm. Trong năm 2018, có tới 17 lãnh đạo tỉnh tiếp công dân ít hơn năm lần/12 tháng (chưa đạt 50% so với yêu cầu). Ðây là một trong những nguyên nhân làm cho tình hình khiếu nại, tố cáo vượt cấp tăng và tiếp tục diễn biến phức tạp ở một số địa phương. Công tác giải quyết khiếu nại, tố cáo ở một số nơi còn chậm; còn hiện tượng đùn đẩy, né tránh. Nhiều vụ việc giải quyết chưa dứt điểm hoặc chưa thấu tình, đạt lý, khi vụ việc diễn biến phức tạp thì lúng túng, nóng vội nên hiệu quả chưa cao, còn có nơi có dấu hiệu trở thành điểm nóng.

Việc thực hiện Luật Tiếp công dân năm 2013 là cơ sở đánh giá quan trọng, trong đó đặc biệt là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân. Tuy nhiên, khi đề cập nội dung này, một số cán bộ lãnh đạo địa phương cho rằng, việc quy định trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tiếp công dân còn nhiều bất cập. Cụ thể, quy định Chủ tịch UBND cấp tỉnh trực tiếp tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân cấp tỉnh ít nhất một ngày trong một tháng (Khoản 5, Ðiều 12, Luật Tiếp công dân năm 2013) là khó thực hiện.

Một trong những giải pháp hiệu quả nhất trong quá trình đấu tranh PCTN là việc phát hiện khối tài sản bất minh, thu nhập bất thường của các cá nhân thuộc diện kiểm soát. Ðây cũng là công việc được đề cập, nhắc nhở, đôn đốc thường xuyên trong rất nhiều cuộc họp của các cơ quan chức năng về PCTN. Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nội dung xác minh tài sản thu nhập còn chưa hiệu quả. TTCP cho biết: Có 51 địa phương trên cả nước không thực hiện xác minh bất kỳ trường hợp nào về kê khai tài sản đối với người có nghĩa vụ kê khai tài sản. Có 12 trong số 63 địa phương thực hiện việc xác minh tài sản thu nhập, trong đó có hai địa phương không phát hiện sai phạm trong việc kê khai tài sản thu nhập, 10 trong số 12 địa phương đã phát hiện đối tượng kê khai tài sản có sai phạm và đã xử lý đối với các trường hợp này. Nếu địa phương chủ động trong công tác xác minh tài sản thu nhập thì sẽ tăng hiệu quả trong phòng ngừa tham nhũng.

Về kết quả xử lý hình sự, năm 2018 có 56 tỉnh, thành phố đạt kết quả xử lý hình sự ở mức cao (đạt hơn 70%), nhưng tỷ lệ thu hồi tài sản tham nhũng năm 2018 có xu hướng giảm nhẹ, đạt 34,34% so với yêu cầu, giảm 1,38% so với năm 2017. Trên bình diện cả nước, đa số các tỉnh (45 trong số 63 tỉnh, thành phố chiếm gần 72% cả nước) có kết quả thu hồi tài sản tham nhũng dưới mức trung bình (dưới 50%). Việc thu hồi đất đai do hành vi tham nhũng vẫn duy trì ở mức thấp, chỉ đạt 12,2% so với yêu cầu. Thực tế này chỉ ra việc thu hồi và khắc phục về kinh tế do tham nhũng gây ra vẫn rất khó khăn, nỗ lực trong các năm qua của các địa phương trong cả nước chưa tương xứng với kỳ vọng và yêu cầu.

Thời gian qua, các địa phương, các cơ quan tư pháp đều nhận thức rõ tầm quan trọng của công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ và giám sát. Thậm chí, đây được coi là một trong những vũ khí hiệu quả để PCTN. Tuy nhiên, thực tế tại một số địa phương cho thấy, việc phát hiện tham nhũng qua công tác kiểm tra nội bộ và công tác giám sát còn thấp. Trong cả năm 2018, theo TTCP, vẫn có tới 37 địa phương không phát hiện được tham nhũng trong việc kiểm tra nội bộ… Bên cạnh đó, nhiều ý kiến đề cập về "tham nhũng vặt"; đồng thời băn khoăn: Rất khó để phát hiện các hành vi nhũng nhiễu, "tham nhũng vặt". Bởi, chính người dân và doanh nghiệp chịu tác động trực tiếp của những hành vi này. Nhưng nếu người dân, doanh nghiệp không phản ánh, không tố giác, thậm chí chấp nhận "âm thầm" thì không thể phát hiện và càng không thể xử lý thích đáng. Trong khi đó, chế tài xử lý các hành vi "tham nhũng vặt", nhũng nhiễu hiện nay chưa được cụ thể hóa và chưa hoàn thiện.

Về vấn đề này, Bí thư Tỉnh ủy Ðắk Lắk Bùi Văn Cường cho rằng, đấu tranh PCTN không phải là công việc có thể cho kết quả trong ngày một, ngày hai mà là một quá trình tổng thể của nhiều công việc quan trọng, phức tạp, thậm chí không ít khó khăn. Vì vậy, một trong những vấn đề chính đặt ra đối với hiệu quả PCTN hiện nay là tinh thần quyết tâm, ý thức trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên nói riêng và các tầng lớp nhân dân nói chung. Các quy định của pháp luật, các chế tài về PCTN phải đủ sức răn đe ngay từ trong "trứng nước" hành vi tham nhũng, đồng thời cần tiếp tục thể hiện rõ chủ trương của Ðảng trong PCTN: Không có vùng cấm…

(Còn nữa)

Ðinh Song Linh

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/phapluat/thoi-su/item/44474302-phong-chong-tham-nhung-cuoc-dau-tranh-khong-met-moi.html