Phòng, chống tai nạn đuối nước cho học sinh Tây Nguyên

Chính quyền, ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai và các trường học trên địa bàn đang nỗ lực huy động nguồn lực đầu tư xây dựng bể bơi, thực hiện phổ cập bơi và trang bị kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước cho con em học sinh.

Mô hình bể bơi di động đang được các địa phương trên địa bàn Gia Lai đầu tư cho các trường học.

Huy động nguồn lực đầu tư

Trước nỗi đau tai nạn đuối nước gây ra không chỉ đối với trẻ em, học sinh, mà còn cả đối với giáo viên, ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai đang quyết liệt triển khai thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích cho trẻ em. Theo đó, các địa phương, ban ngành và các đơn vị trường học đã tích cực đưa nội dung giáo dục kỹ năng phòng, chống tai nạn thương tích và đuối nước vào các hoạt động thường xuyên cho học sinh. Đẩy mạnh thực hiện công tác xã hội hóa, huy động các nguồn lực đầu tư xây dựng bể bơi, dạy bơi cho học sinh.

Là địa phương có nhiều khó khăn đặc thù nhưng với quyết tâm ngăn chặn tình trạng trẻ em, học sinh đuối nước H. Chư Păh đã tiến hành đầu tư xây dựng 2 bể bơi đặt tại 2 trường học trên địa bàn nhằm phục vụ dạy bơi cho học sinh. Theo bà Trần Thị Kim Tuyến - Phó Chủ tịch UBND H. Chư Păh, với những khó khăn đặc thù nên trong thời gian qua các trường học trên địa bàn vẫn chưa triển khai dạy bơi cho học sinh. Ở các đơn vị trường học, công tác phòng, chống đuối nước mới chỉ dừng lại ở mức độ tuyên truyền nâng cao nhận thức cho học sinh và phụ huynh. Việc triển khai xây dựng bể bơi, tiến tới dạy bơi, phổ cập bơi cho học sinh trên địa bàn là một nhiệm vụ quan trọng.

Phấn khởi khi Trường Tiểu học Ia Nhin (xã Ia Nhin, H. Chư Păh) là một trong 2 đơn vị trường học được chọn đầu tư xây dựng bể bơi, cô giáo Hoàng Thị Thu - Hiệu trưởng nhà trường vui mừng nói: "Mong ước có một bể bơi để dạy bơi cho học sinh là nỗi khát khao không chỉ của cán bộ, giáo viên nhà trường, mà còn là niềm mong mỏi của người dân, phụ huynh học sinh. Bởi với điều kiện của một vùng cao, giáo viên, học sinh miền núi không chỉ sống, sinh hoạt trong vùng sông núi, ao hồ hiểm trở, mà còn phải đối diện với những hiểm nguy từ các hiện tượng thiên tai cực đoan liên tục xảy ra, mưa lũ xuất hiện bất thường. Khi trường được chọn để đầu tư xây dựng bể bơi, tiến tới dạy bơi, phổ cập bơi, đội ngũ cán bộ, giáo viên, phụ huynh, học sinh tỏ ra vô cùng phấn khởi".

Đẩy mạnh xã hội hóa xây dựng bể bơi

Để công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh có hiệu quả, ngành GD-ĐT Gia Lai đã có chỉ đạo xuyên suốt đến từng cơ sở giáo dục. Trong đó, nâng cao vai trò phối hợp thực hiện của chính quyền địa phương, Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ cấp cơ sở với nhà trường để thực hiện phòng chống đuối nước cho trẻ em và học sinh.

Một chuyển biến đáng ghi nhận trong công tác phòng chống đuối nước cho học sinh ở tỉnh Gia Lai giai đoạn hiện nay là triển khai xây dựng bể bơi đang được các địa phương, ban, ngành quan tâm, chung tay thực hiện. Thầy Huỳnh Minh Thuận - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Gia Lai, cho hay: Trong các giải pháp phòng chống tai nạn đuối nước thì trang bị kỹ năng bơi và kỹ năng xử lý tình huống khi gặp trường hợp đuối nước cho học sinh có ý nghĩa quyết định. Bởi vậy, về lâu dài, việc đưa môn bơi lội vào trường học sẽ được ngành GD-ĐT cùng chính quyền nghiên cứu và triển khai, đáp ứng nhu cầu và nguyện vọng cấp thiết của học sinh cũng như của người dân địa phương nhằm phòng tránh và hạn chế tối đa tai nạn đuối nước ở trẻ em, học sinh.

"Hiện nay, công tác phòng chống đuối nước cho trẻ em, học sinh ngày càng được các trường học nhìn nhận nghiêm túc và tích cực triển khai nhiều giải pháp thực hiện hiệu quả. Ngành GD-ĐT tỉnh Gia Lai đã xây dựng được đội ngũ giáo viên dạy bơi ở các đơn vị trường học, sẵn sàng tổ chức dạy bơi cho học sinh khi có hệ thống bể bơi. Tuy nhiên, để ngăn chặn hiểm họa tai nạn đuối nước đối với trẻ em thì ngoài sự nỗ lực của nhà trường và gia đình học sinh, cần sự chung tay vào cuộc của cả cộng đồng, nhất là sự quan tâm đầu tư xây dựng hệ thống cơ sở vật chất phục vụ công tác dạy bơi trong và ngoài nhà trường từ chính quyền địa phương", thầy Thuận nói.

KHẢI MINH

Nguồn CAĐN: http://cadn.com.vn/news/137_172376_.aspx