Phòng chống tác hại rượu bia: Đừng chỉ là phong trào!

Đã có nhiều phong trào hưởng ứng, kêu gọi đã uống rượu bia thì không lái xe hay đi bộ kêu gọi mọi người không uống rượu bia khi tham gia giao thông. Nhưng, để những hành động này không chỉ là phong trào, khẩu hiệu suông, cần có sự vào cuộc quyết liệt của cơ quan chức năng.

Hàng nghìn người đi bộ kêu gọi mọi người “Không lái xe khi đã uống rượu bia”. Ảnh: DN.

Hàng nghìn người đi bộ kêu gọi mọi người “Không lái xe khi đã uống rượu bia”. Ảnh: DN.

“Bẫy” ngôn từ “Uống có trách nhiệm”

Thời gian gần đây, những vụ tai nạn thương tâm liên tiếp xảy ra mà nguyên nhân của nó xuất phát từ việc người điều khiển ô tô uống rượu bia. Nhìn vào thực tế hiện nay cho thấy, hàng ngày, hàng giờ vẫn có hàng trăm, hàng nghìn người chìm trong những cơn say và không kiểm soát được bản thân khi lên lái xe, thậm chí giành giật lấy xe để phóng bạt mạng trên đường phố mà không biết mình đang đi đâu, làm gì, rồi đâu đó sẽ gây ra cái chết đau đớn cho những người vô tội.

Tai nạn giao thông tăng nhanh, đồng nghĩa với việc sử dụng rượu, bia thời gian qua cũng tăng chóng mặt từng ngày. Bà Trần Thị Trang, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế- thành viên ban soạn thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia thông tin, lượng bia sử dụng năm 2018 đã lên hơn 4,6 tỷ lít, tăng trên 600 triệu lít so với năm 2017. Trung bình mỗi người trưởng thành sử dụng tới 45- 46 lít bia/năm (năm 2015 là 42 lít). "Lượng bia tiêu thụ đang tăng rất nhanh", bà Trang lo ngại.

Cũng theo bà Trang, hiện sản phẩm bia đang được sử dụng với số lượng rất lớn do được bán tràn lan, giá rẻ và để kiểm soát việc này, trong Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia, Bộ Y tế có đề xuất các điều khoản về kiểm soát tính sẵn có cũng như quảng cáo, khuyến mại, tài trợ rượu bia song nhiều ý kiến lại đang phản đối. Cụ thể, Dự thảo Luật Phòng chống tác hại của rượu bia ngày 11/7/2018 quy định các biện pháp kiểm soát như nhau với quảng cáo, khuyến mại đối với sản phẩm rượu, bia dưới 15 độ cồn.

Tuy nhiên, điều này bị phản đối và Dự thảo Luật hiện tại đã phân chia mức độ kiểm soát khác nhau tương ứng với nồng độ cồn trong sản phẩm là dưới 5,5 độ; từ 5,5 đến dưới 15 độ, trong đó các quy định kiểm soát quảng cáo đối với sản phẩm có độ cồn dưới 5,5 độ “lỏng lẻo” hơn so với các sản phẩm có độ cồn từ 5,5 đến dưới 15 độ. Theo đó, sản phẩm có độ cồn dưới 5,5 độ không bị cấm quảng cáo trên các phương tiện quảng cáo ngoài trời; trong các chương trình, hoạt động thể thao, văn hóa, sân khấu điện ảnh.

“Điều này đồng nghĩa với việc các sản phẩm bia sẽ được quản lý lỏng lẻo hơn rượu, vì bia có độ cồn phổ biến từ 4 - 5 độ. Trong khi đó, thực tế cho thấy, 97% lượng cồn nguyên chất tiêu thụ ở Việt Nam là bia”, bà Trang nêu.

Không những cố tình lờ đi tác hại của rượu, bia, theo bà Trang, hiện nay một số đối tượng đang cố tình thực hiện mục tiêu tuyên truyền và đánh tráo khái niệm về việc “uống có trách nhiệm", mục đích là làm động tác giả để đánh lừa, làm nhẹ đi đặc tính "gây nghiện", "gây hại", "gây ngộ độc cấp và mãn tính" vốn là đặc trưng tiềm ẩn của sản phẩm này.

Bà Trang phân tích, cụm từ "có trách nhiệm" đã khiến cho không ít người, kể cả những người có trình độ và vị thế xã hội lầm tưởng hoặc có đủ tri thức để hiểu nhưng vì một lý do nào đó cố gắng cho rằng rượu, bia vô hại và chỉ có người uống là có lỗi. “Cách đánh tráo khái niệm này đã hoán đổi hoàn toàn trách nhiệm của ngành công nghiệp rượu, bia sang người uống và làm cho rượu bia không còn bất bình thường, lờ đi các giải pháp căn nguyên, gốc rễ của vấn đề về tác hại của rượu, bia”, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế nêu.

Đừng chỉ hô hào suông!

Sau sự ra đi tức tưởi của hai phụ nữ trong vụ tai nạn giao thông mà tài xế gây tai nạn đã sử dụng rượu bia tại hầm Kim Liên, Hà Nội vừa qua, nhóm cựu học sinh Hà Nội 91-94 đã kêu gọi cộng đồng không sử dụng rượu bia khi tham gia giao thông bằng cách thêm khung hình avatar Facebook, in decal dán với nội dung và các biểu ngữ nhằm thức tỉnh việc “Đã uống rượu bia - Không lái xe” hay lái xe khi uống rượu, bia là tội ác. Bên cạnh đó, ngày 12/5 vừa qua tại khu vực hồ Hoàn Kiếm (Hà Nội), hàng nghìn người dân Thủ đô đã tham dự sự kiện đi bộ tập thể nâng cao nhận thức và hành động “Không lái xe khi đã uống rượu bia”.

Tuy nhiên, để ngăn chặn những tác hại của rượu, bia theo bà Trần Thị Trang, không chỉ dừng ở khẩu hiệu “Uống rượu bia thì không lái xe” hay “Lái xe khi uống rượu, bia là tội ác” hay xử lý thật nghiêm những kẻ gây ra tội ác khi sử dụng rượu bia như cộng đồng mạng kêu gọi thời gian qua bởi đó chỉ là phần ngọn. Phần gốc của vấn đề nằm ở việc làm sao để kiểm soát, hạn chế tính sẵn có, phổ biến và dễ dãi trong sử dụng rượu, bia của người dân Việt Nam hiện nay. “Muốn vậy cần đưa những quy định mạnh mẽ vào Luật Phòng, chống tác hại của rượu bia; nếu không, Luật chỉ mang tính hình thức chứ không có tác dụng trong thực tế. Đồng thời mỗi người dân không chỉ hô hào, kêu gọi bằng các phong trào, khẩu hiệu suông mà hãy chuyển thành hành động thiết thực”, Phó vụ trưởng Vụ Pháp chế nêu.

Còn bà Vũ Thị Minh Hạnh, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Chính sách y tế, Bộ Y tế, để phòng tốt nhất ảnh hưởng tiêu cực của rượu, bia đến con người và xã hội, đòi hỏi Nhà nước phải có những công cụ pháp lý nhằm kiểm soát đồng thời cả việc sản xuất, buôn bán và sử dụng rượu, bia; thực hiện nghiêm quy định giới hạn độ tuổi được phép mua rượu; tăng thuế nhằm nâng giá thành; xử phạt nghiêm khắc hành vi khuyến khích sử dụng rượu, bia… Đặc biệt là cần có những chế tài nghiêm khắc đối với những người sử dụng rượu, bia có nguy cơ đe dọa đến sự an toàn của cộng đồng.

Nhiều chuyên gia khác thì cho rằng, ngoài các hình phạt hành vi lái xe sau khi sử dụng rượu bia như hiện nay, cần bổ sung hình phạt tù, tịch thu xe, lao động công ích với người vi phạm nồng độ cồn. Cùng với đó, nên công khai hình ảnh của những người uống rượu, bia lái xe gây tai nạn hoặc có hành vi chống đối để cả xã hội lên án. Ông Trần Hữu Minh, Phó Chánh Văn phòng Ủy ban An toàn giao thông quốc gia cho rằng, nếu chúng ta chỉ truyền thông mà không thực thi nghiêm các quy định của pháp luật thì tốc độ thay đổi ý thức của người dân cũng sẽ rất hạn chế. Bởi vậy, công tác tuyên truyền và xử phạt luôn luôn phải đi cùng với nhau.

Cũng theo ông Minh, ngoài việc nâng cao mức phạt đối với lái xe và DN thì vấn đề quan trọng hơn là chúng ta có một hệ dữ liệu để quản lý vi phạm và xử phạt lũy tiến đối với sai phạm. Nếu làm được việc này, chắc chắn là nhận thức và hành vi của DN cũng như lái xe sẽ thay đổi một cách toàn diện. “Nếu không mạnh tay ngăn chặn thì tôi tin rằng sẽ còn có nhiều vụ tai nạn thương tâm hơn nữa, sẽ còn có những giọt nước mắt oán hận của những người thân trong các vụ tai nạn giao thông do rượu, bia gây ra”, ông Minh nói.

D.Ngân

Nguồn Hải Quan: https://baohaiquan.vn/phong-chong-tac-hai-ruou-bia-dung-chi-la-phong-trao-104906.html