Phòng, chống tác hại của rượu, bia có lợi cả về sức khỏe lẫn kinh tế

Dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia vừa được trình lên Quốc hội và nhận được nhiều ý kiến đóng góp của các tổ chức, cá nhân. Liên quan đến sự kiện quan trọng này, ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã có cuộc trao đổi với Thế Giới Tiếp Thị Online về những tác động của dự án Luật đến các mặt kinh tế, xã hội.

Ông Nguyễn Văn Tiên, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội

Có ý kiến cho rằng phải cân bằng giữa lợi ích kinh tế và và lợi ích sức khỏe trong dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Ông đánh giá sao về vấn đề này?

- Thật ra nói cân bằng giữa các lợi ích là chưa chính xác. Mà chúng ta phải nói rằng khi làm luật này sẽ được lợi cả về sức khỏe lẫn kinh tế. Bởi vì lợi kinh tế không có nghĩa là chỉ có lợi về tiền thuế, mà lợi ở đây là người dân cũng không mất tiền để chi cho sức khỏe. Đây mới là cái lợi chung cho xã hội.

Còn nếu xét về lợi ích sức khỏe thì Luật này rất nhân văn và giá trị. Và Luật này ra đời sẽ rất có lợi cả về sức khỏe lẫn kinh tế.

Khi dự thảo Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia được lấy ý kiến rộng rãi thì có hiện tượng nhiều doanh nghiệp vận động các nhà văn hóa, nhà xã hội học… ủng hộ cho văn hóa uống rượu. Thậm chí can thiệp vào chính sách nhằm thay đổi một số nội dung trong dự thảo Luật. Ý kiến của ông về vấn đề này ra sao?

- Tôi cho rằng quyền được nói, được thể hiện chính kiến, được quan điểm là quyền của mỗi cử tri. Nghe và phán xét là quyền của người quyết định. Không ai có thể cấm người ta nói cả.

Nếu được thông qua, theo ông đâu là thành công của dự án Luật này?

- Tôi cho rằng sau dự Luật này người ta sẽ sử dụng rượu bia một cách có văn hóa, không xô bồ, và đặc biệt là cảnh báo cho lớp trẻ biết không nên sa đà vào rượu, bia mà ảnh hưởng đến tương lai. Đây là yếu tố quan trọng. Tôi nghĩ là các ngành sản xuất rượu bia, ngành tài chính đừng lo nghĩ và ngần ngại về dự án Luật này nhiều.

Sau khi Luật này được thông qua, việc sản xuất, tiêu thụ rượu, bia cũng như công ăn việc làm của người lao động sẽ không bị tác động gì lớn. Đây là điều chắc chắn. Vì khi Luật thông qua, mọi người sẽ uống có chừng mực, uống đúng nơi đúng chỗ. Và mục đích chính của dự án Luật này là làm thế nào kiểm soát được lớp trẻ không quá sa đà vào rượu, bia.

Tất nhiên, để các biện pháp trong luật có thể tác động đến thực tế sử dụng rượu, bia, cần phải có quá trình…

Vậy theo ông trong dự án Luật này còn vấn đề gì cần điều chỉnh?

- Tôi cho rằng còn nhiều khoảng trống mà dự Luật chưa điều chỉnh, đặc biệt là ba biện pháp hiệu quả nhất mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo. Đó là kiểm soát sự sẵn có của rượu, bia; Kiểm soát marketing rượu, bia; Chính sách thuế và giá. Nếu không quy định hoàn chỉnh các biện pháp theo khuyến cáo của WHO thì khó đạt được mục tiêu của luật. Tuy nhiên để phù hợp với điều kiện Việt Nam thì có thể quy định lộ trình để thực hiện toàn diện các biện pháp khuyến cáo của WHO đến 2025.

Để việc kiểm soát rượu, bia tại Việt Nam đạt hiệu quả, chúng ta cần xây dựng và thực thi đồng bộ chính sách kiểm soát sự sẵn có của rượu bia: giờ bán, điểm bán, kiểm soát chặt cấp phép bán lẻ; tăng thuế, tăng giá rượu bia; kiểm soát toàn diện quảng cáo, khuyến mại và tài trợ; ban hành, thực thi nghiêm khắc chính sách kiểm soát lái xe uống rượu bia. Các quy định về kiểm soát rượu bia hoàn toàn phù hợp với CPTPP và WTO…

Xin cảm ơn ông!

HƯƠNG GIANG (thực hiện)

Nguồn TGTT: http://thegioitiepthi.vn/p/phong-chong-tac-hai-cua-ruou-bia-co-loi-ca-ve-suc-khoe-lan-kinh-te-18085.html