Phòng chống sốt xuất huyết: Truyền thông phải giúp thay đổi hành vi

Dịch sốt xuất huyết vẫn tăng qua từng năm, cho thấy hiệu quả công tác truyền thông về dịch bệnh nguy hiểm này vẫn là điều đáng bàn.

Hơn nửa đầu năm 2019, tình hình dịch sốt xuất huyết diễn biến phức tạp với số ca mắc tăng 3,2 lần so với cùng thời điểm này năm ngoái. Đặc biệt tại khu vực miền Trung, Tây Nguyên và miền Nam, số ca mắc tăng rất nhanh. Trong khi sốt xuất huyết vẫn chưa có vaccine phòng ngừa, thì giải pháp hàng đầu vẫn là nâng cao năng lực điều trị của các cơ sở y tế và tuyên truyền trong nhân dân các giải pháp phòng tránh dịch bệnh. Thế nhưng, dịch sốt xuất huyết vẫn tăng qua từng năm, cho thấy hiệu quả công tác truyền thông về dịch bệnh nguy hiểm này vẫn là điều đáng bàn.

Cộng tác viên y tế tuyên truyền cho người dân về sốt xuất huyết

Cộng tác viên y tế tuyên truyền cho người dân về sốt xuất huyết

Nhận thức cộng đồng còn hạn chế

TP Biên Hòa vẫn là một trong những “điểm nóng” về sốt xuất huyết của Đồng Nai, từ đầu năm đến nay ở Biên Hòa đã có hơn 2.000 ca mắc sốt xuất huyết. Thời tiết nắng nóng liên tục kéo dài xen lẫn các đợt mưa, tốc độ đô thị hóa nhanh, nhiều công trường xây dựng, những khu đất bỏ hoang, những dãy nhà trọ ẩm thấp, lán trại, bãi phế liệu… là môi trường thuận lợi cho muỗi và loăng quăng truyền bệnh phát triển. Và ở Biên Hòa, những yếu tố này đều hội tụ đủ, nên không khó hiểu vì sao cứ vào mùa mưa, thành phố hơn 1 triệu dân này lại phải đối mặt với sốt xuất huyết.

Tại khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa, những khu đất trống mọc đầy cỏ dại nằm xem kẽ với những khu nhà cấp 4 của người dân. Cỏ dại um tùm, cống rãnh đầy nước, những vật dụng vương vất trong bãi đất chứa đầy nước mưa..., tất cả đều lý tưởng cho muỗi đẻ trứng, sinh sôi phát triển. Khi được hỏi về sốt xuất huyết, nhiều người dân ở đây khẳng định họ biết sốt xuất huyết là bệnh dịch nguy hiểm, nhưng nguy hiểm thế nào và phòng tránh ra sao thì vẫn còn mơ hồ.

Hoạt động phun hóa chất diệt muỗi không phải lúc nào cũng được chào đón

Một người dân ở khu phố 4, phường Trảng Dài, TP Biên Hòa nói: “Có biết về con muỗi vằn nó gây truyền nhiễm bệnh sốt xuất huyết. Mình phòng bệnh thì nhà cửa phải sạch sẽ, lu nước không có con bọ gậy. Dịch bệnh lây lan qua con muỗi, từ người bệnh nó lây qua bọn trẻ nhỏ này, tránh được đến đâu thì tốt đến đấy”.

Bác sĩ Lê Đức Hạnh, Trưởng trạm Y tế phường Trảng Dài cho hay, qua công tác tuyên truyền, người dân đã nhận thức tốt hơn về sự nguy hiểm của sốt xuất huyết và cách phòng tránh. Thế nhưng thực tế là vẫn có những trường hợp người dân chủ quan, không hợp tác với ngành chức năng trong công tác phòng chống dịch: “Việc tuyên truyền thì người dân tiếp nhận rất tốt. Nhưng thực tế có một số hộ gia đình (dù còn ít) vẫn thực hiện chưa tốt lắm. Người ta còn lơ là, chưa đánh giá được tính nguy hiểm của sốt xuất huyết. Có những hộ phải nhắc nhở đến lần thứ 3 mới thực hiện”.

Và mỗi khi ngành y tế địa phương tổ chức phun hóa chất diệt muỗi trong khu dân cư, thì không phải lúc nào cũng được chào đón. Nhiều người tỏ ra không mấy mặn mà, thậm chí “ngại” cho cán bộ y tế vào nhà phun thuốc, nên có thể thấy, nhận thức của cộng đồng về phòng chống dịch vẫn còn nhiều điều đáng bàn.

Truyền thông phải giúp thay đổi hành vi

Theo thống kê, từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận hơn 80.000 trường hợp mắc sốt xuất huyết, gấp ba lần so với cùng kỳ năm 2018, trong đó có sáu trường hợp tử vong. Ở phía Nam, chỉ riêng tại TP HCM ghi nhận hơn 27.000 ca mắc từ đầu năm, còn tại Đồng Nai con số này là gần 6.000 ca.

Biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết hiệu quả hiện nay là dọn dẹp vệ sinh, diệt loăng quăng, phòng tránh muỗi đốt. Diệt muỗi, loăng quăng thì phải dọn dẹp vệ sinh, giải quyết các vật dụng chứa nước để không cho muỗi có môi trường đẻ trứng; tránh muỗi đốt thì cần mặc quần áo dài tay, ngủ màn (mùng)… Những cách làm trên đều không khó, ai cũng có thể biết, nhưng không phải ai cũng chịu bắt tay vào làm.

Có những người dân không muốn hợp tác

Theo Phó giám đốc Sở Y tế Đồng Nai Huỳnh Cao Hải, năm nay Đồng Nai dành ra số tiền hơn 10 tỷ đồng cho công tác phòng chống sốt xuất huyết. Giải pháp về tuyên truyền được tỉnh thực hiện với sự tham gia của các cơ quan báo, đài địa phương; song song với các giải pháp “cổ điển” như xe tuyên truyền lưu động, phát tờ rơi…

“Đối với tỉnh, các cơ quan báo chí thường xuyên có các tin bài, hình ảnh về phòng chống dịch. Từ đầu năm tới giờ chúng tôi đã phát hành khoảng 700.000 tờ rơi để phát đến các hộ gia đình thông qua đội ngũ cộng tác viên y tế cũng như cộng tác viên của các đoàn thể để tuyên truyền cho người dân”.

Tuy nhiên, theo bác sĩ, tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng, Phó viện trưởng Viện Pasteur TP HCM cần xem lại các giải pháp truyền thông đã thực hiện. Đối với sốt xuất huyết, việc tuyên truyền, thực hiện các giải pháp phòng chống phải làm thường xuyên, liên tục hàng ngày, hàng tuần chứ không thể chỉ thực hiện trong một thời gian rồi thôi. Bởi nếu chỉ thực hiện một thời điểm nào đó mà không duy trì thì muỗi, loăng quăng lại tiếp tục phát triển vì nước ta là nước nhiệt đới.

Phó viện trưởng Viện Pasteur TP HCM Nguyễn Vũ Thượng

Do đó, bác sĩ, tiến sĩ Nguyễn Vũ Thượng cho rằng, việc tuyên truyền cần làm sao để không chỉ là nâng cao nhận thức mà còn phải làm thay đổi hành vi của mỗi người dân: “Chúng ta xem lại truyền thông của chúng ta đã đủ chưa, đã phủ khắp hết cho người dân, toàn bộ người dân đã nghe được chưa, nghe thường xuyên hay chưa? Tôi tin rằng khi người dân thấy được nguy hiểm của bệnh sốt xuất huyết là có thể nặng, có thể gây tử vong, thì tôi nghĩ dần dần người ta sẽ thay đổi và hợp tác.

Mục tiêu của truyền thông hiện nay là truyền thông phải làm sao thay đổi hành vi, chứ không phải truyền thông chỉ để người ta “biết”. Và thay đổi hành vi đó phải mang tính bền vững, nghĩa là phải đảm bảo thường xuyên không có loăng quăng, chứ không phải chỉ đảm bảo không có loăng quăng ở một thời điểm”.

Giải pháp phòng chống sốt xuất huyết là không khó, đó đều là những công việc hàng ngày, xung quanh mỗi người chúng ta. Ai cũng biết phải làm gì, làm như thế nào nhưng chưa chắc đã thực sự làm. Thế mới thấy, từ nhận thức đến hành động còn có một khoảng cách, loại bỏ được khoảng cách đó thì những nỗ lực phòng chống bệnh dịch nguy hiểm như sốt xuất huyết mới hiệu quả. Và công tác truyền thông y tế vẫn sẽ giữ vai trò cốt lõi để giúp người dân thay đổi, không chỉ dừng lại ở nhận thức mà còn giúp thay đổi hành vi./.

Xuân Lượng/VOV-TP HCM

Nguồn VOV: https://vov.vn/xa-hoi/phong-chong-sot-xuat-huyet-truyen-thong-phai-giup-thay-doi-hanh-vi-934329.vov