Phòng chống sốt xuất huyết: Cần sự chủ động của người dân

Gần đây, không chỉ các tỉnh, thành phố phía Nam mà một số tỉnh, thành phía Bắc, nhất là Hà Nội xuất hiện nhiều ca bệnh sốt xuất huyết. Quảng Ninh là tỉnh có số lượng khách vãng lai qua lại lớn, cộng thêm những ổ dịch nhỏ khu trú vẫn tồn tại nên nguy cơ bùng phát dịch rất lớn.

Không chủ quan với dịch sốt xuất huyết

Chúng tôi đến Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, vào một ngày cuối tháng 10. Lúc này, Khoa đang có 7 bệnh nhân sốt xuất huyết nằm điều trị. Bà N.T.C ở phường Hồng Hà, TP Hạ Long, cho biết: “Tôi vào đây điều trị gần 1 tuần, đến nay đã khỏi và sắp được ra viện. Gia đình tôi ngủ không có thói quen dùng màn. Cứ nghĩ chỉ bị một, hai nốt muỗi đốt không sao. Ai ngờ thấy người sốt cao, dùng thuốc hạ sốt mà cũng không hạ, đầu thì đau... nên đi khám. Khi xét nghiệm mới biết mình bị sốt xuất huyết”. Không chỉ bà C, mà qua tìm hiểu, hầu hết bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh là người dân ở TP Hạ Long, phần lớn trong số họ bị muỗi đốt do không nằm màn.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh.

Theo bác sĩ Lương Xuân Kiên, Trưởng Khoa Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Đa khoa tỉnh, thì từ đầu hè đến nay, lượng bệnh nhân sốt xuất huyết xuất hiện khá đông. Ngoài bệnh nhân là người sinh sống trên địa bàn tỉnh còn cả khách vãng lai từ các tỉnh, thành khác đến.

Qua trò chuyện với các bệnh nhân cũng như đến một số khu dân cư cho thấy, nhiều người còn khá chủ quan trong phòng chống bệnh sốt xuất huyết. Trung gian truyền bệnh này là muỗi aedes hay còn gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn sau khi đốt hút máu người bệnh sốt xuất huyết hoặc người bệnh mang vi rút Dengue nhưng không biểu hiện triệu chứng (người lành mang bệnh), rồi sau đó đốt người khỏe mạnh sẽ đưa vi rút vào cơ thể người khỏe mạnh qua vết đốt đó. Tuy nhiên, ý thức diệt trừ muỗi của người dân chưa cao. Ở một số khu dân cư vẫn tồn tại nhiều dụng cụ như: Lọ, bình vỡ chứa nước vứt xung quanh; nhiều nhà có bể cá ngoài trời hoặc chậu trồng cây cảnh chứa nước, hòn non bộ... nhưng không khơi thông dòng chảy hay nuôi cá... dẫn đến muỗi vằn dễ dàng đẻ trứng. Một số khu dân cư còn có nhiều bụi cây rậm rạp, ẩm thấp quanh nhà...

Cần sự vào cuộc của người dân

Theo số liệu thống kê của Trung tâm Phòng chống bệnh tật tỉnh, trong tuần qua, toàn tỉnh ghi nhận 25 ca mắc sốt xuất huyết mới, trong đó TP Hạ Long có 19 ca, còn lại rải rác ở các địa phương: Cẩm Phả, Đông Triều, Vân Đồn, Móng Cái, Quảng Yên. Như vậy, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh có 280 ca sốt xuất huyết, trong khi đó cả năm 2018 chỉ có 122 ca.

Đáng lo ngại là một số tỉnh lân cận với Quảng Ninh, số bệnh nhân sốt xuất huyết tăng cao. Điển hình là Hà Nội, trong tháng 9, mỗi tuần có hơn 400 ca sốt xuất huyết. Trong khi đó, số người từ Quảng Ninh đến Hà Nội và ngược lại hàng ngày cũng rất đông nên người mang vi rút về địa bàn tỉnh không ít. Điển hình trong tuần qua có tới 6 bệnh nhân ngoại lai (mắc bệnh từ các tỉnh, thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bắc Ninh di chuyển về Quảng Ninh). Cùng với đó, ở Quảng Ninh vẫn có vi rút dengue (vi rút gây bệnh sốt xuất huyết) lưu hành. Đây là mối lo ngại lớn về nguy cơ bùng phát sốt xuất huyết nếu không có biện pháp phòng chống hữu hiệu.

Vết xuất huyết dưới da khi người bệnh mắc sốt xuất huyết.

Theo Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Ninh Văn Chủ, điều đáng mừng là công tác phòng chống sốt xuất huyết được tỉnh và ngành Y tế chỉ đạo mạnh mẽ. Không chỉ có kế hoạch phòng chống dịch bệnh ngay từ đầu năm mà vào các đợt nguy cơ bùng phát dịch, tỉnh lại có các văn bản chỉ đạo các địa phương thực hiện công tác vệ sinh môi trường, diệt lăng quăng/bọ gậy phòng chống sốt xuất huyết. Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh đã chỉ đạo triển khai việc giám sát thường kỳ, giám sát chủ động phát hiện ca bệnh và khoanh vùng xử lý ổ dịch nhằm ngăn chặn dịch lây lan.

Mặc dù vậy, cho đến nay, sốt xuất huyết chưa có thuốc điều trị đặc hiệu và chưa có vắc xin phòng bệnh. Biện pháp hữu hiệu nhất để phòng chống sốt xuất huyết chính là sự vào cuộc của người dân. Để phòng bệnh, người dân cần tích cực tham gia diệt muỗi, lăng quăng bằng cách phun diệt; thu vén nhà cửa luôn thoáng mát, sạch sẽ; dọn dẹp vệ sinh môi trường, không để các dụng cụ chứa nước hoặc nếu có phải đậy nắp và thường xuyên thay rửa, loại bỏ các ổ nước đọng; khơi thông cống rãnh, phát quang bụi rậm quanh nhà... Tránh muỗi đốt bằng cách ngủ màn, không để trẻ chơi ở chỗ tối, thoa kem chống muỗi.

Qua thực tế ở Bệnh viện Đa khoa tỉnh cho thấy, bệnh nhân sốt xuất huyết thường có biểu hiện sốt cao đột ngột, liên tục 39-40 độ C, khó hạ sốt. Một số bệnh nhân có biểu hiện đau đầu dữ dội ở vùng trán, nhức hai hố mắt, có thể có nổi mẩn, phát ban, da xung huyết; chán ăn, buồn nôn; đau cơ, đau khớp. Khi có một trong các biểu hiện trên, người dân cần đi khám, xét nghiệm để được phát hiện, điều trị sớm, hạn chế các biến chứng; đồng thời có các biện pháp để tránh lây lan ra cộng đồng.

Thu Nguyệt

Nguồn Quảng Ninh: http://baoquangninh.com.vn/xa-hoi/201911/phong-chong-sot-xuat-huyet-can-su-chu-dong-cua-nguoi-dan-2459812/