Phòng, chống sâu bệnh vụ đông xuân

Tại tỉnh Thanh Hóa, đến cuối tháng 3-2019, toàn tỉnh gieo trồng 195.697 ha lúa đông xuân, đạt 94% kế hoạch. Hiện, do ảnh hưởng của điều kiện thời tiết, cây trồng xuất hiện một số loại sâu bệnh gây hại, như bệnh đạo ôn lá, bạc lá, đốm sọc vi khuẩn, khô vằn, rầy nâu, rầy lưng trắng, sâu cuốn lá nhỏ, sâu đục thân. Ngành nông nghiệp đang tập trung chỉ đạo bà con nông dân chăm sóc cây trồng vụ đông xuân và phòng trừ sâu bệnh đạt hiệu quả.

Phun thuốc phòng trừ dịch bệnh trên lúa đông xuân ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) . Ảnh: Văn Bốn

Phun thuốc phòng trừ dịch bệnh trên lúa đông xuân ở huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) . Ảnh: Văn Bốn

Vụ đông xuân 2018 - 2019, tỉnh Thừa Thiên-Huế gieo cấy hơn 28.000 ha lúa. Hiện có khoảng 2.440 ha lúa bị nhiễm bệnh khô vằn, với tỷ lệ bệnh phổ biến từ 10 đến 20%, nhiều nơi bị nhiễm nặng đến 60%; tăng 575 ha so với cùng kỳ năm trước. Bệnh khô vằn trên lúa bùng phát ở các xã Phú Diên, Phú Thanh (huyện Phú Vang), Quảng Phước (huyện Quảng Ðiền), các phường Thủy Châu, Thủy Phương (thị xã Hương Thủy).

Nhiều người nuôi ngao ở xã Hải Lộc (huyện Hậu Lộc, Thanh Hóa) đang đứng trước nguy cơ rơi vào cảnh nợ nần vì hàng trăm héc-ta ngao sắp thu hoạch bỗng dưng chết trắng bãi. Nhiều hộ có ngao bị chết 100%, có hộ ngao chết 60 đến 70%. Chính quyền địa phương đang thống kê mức độ thiệt hại và lấy mẫu nước, mẫu ngao đi xét nghiệm, tìm hiểu nguyên nhân.

Dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng

Sau gần 20 ngày xuất hiện dịch tả lợn châu Phi (DTLCP), đến nay, dịch đã xuất hiện ở bảy trong số tám huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh Bắc Ninh. Cơ quan thú y đã tổ chức phun vôi bột và hóa chất tiêu độc, khử trùng chuồng nuôi và khu vực chung quanh một lần/ngày trong vòng một tuần đầu tiên và ba lần/tuần trong các tuần tiếp theo.

Tại xã Nam Nghĩa, huyện Nam Ðàn, tỉnh Nghệ An vừa xuất hiện một ổ DTLCP. Hiện chính quyền địa phương đã phối hợp các cơ quan liên quan xử lý an toàn, triệt để, không để lây lan dịch bệnh ra các hộ nuôi chung quanh. Chính quyền xã Nam Nghĩa đã lập hai chốt chặn trên địa bàn, nghiêm cấm tuyệt đối tình trạng vận chuyển lợn ra vào địa bàn xã.

Nhằm ngăn chặn DTLCP xảy ra trên địa bàn, tỉnh Bạc Liêu đã thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra vùng chăn nuôi tập trung, những nơi có nguy cơ xảy ra dịch bệnh cao để giám sát dịch bệnh, khuyến cáo người chăn nuôi phát hiện lợn nghi mắc bệnh phải lấy ngay mẫu xét nghiệm, xử lý tiêu hủy kịp thời, thực hiện chính sách hỗ trợ cho người chăn nuôi theo quy định.

Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai tỉnh Tuyên Quang, liên tiếp trong hai ngày 31-3 và 1-4, trên địa bàn tỉnh có mưa trên diện rộng, một số nơi xuất hiện mưa to và rất to. Tại thị trấn Tân Yên, huyện Hàm Yên, lượng mưa đo được đạt 100 mm/12 giờ. Mưa dông trên diện rộng đã khiến nhà ở, hoa màu cùng nhiều công trình công cộng ở 12 xã, thị trấn của các huyện Hàm Yên, Yên Sơn và Chiêm Hóa bị ảnh hưởng, thiệt hại. Cụ thể: toàn tỉnh có 855 nhà ở bị sập đổ, tốc mái, hư hỏng; 159 ha ngô, 78,4 ha cây ăn quả, 98,6 ha cây lâm nghiệp bị nghiêng, đổ, gãy; 6 phòng học bị hư hỏng, tốc mái và 12 cột điện bị đổ. Sau khi thiên tai xảy ra, UBND các huyện đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn, cơ quan phụ trách xã xuống cơ sở thăm hỏi các hộ bị thiệt hại, phối hợp UBND các xã huy động lực lượng giúp nhân dân khẩn trương khắc phục thiệt hại, bảo đảm ổn định đời sống và sản xuất.

Làm rõ hai vụ phá rừng tại Cà Mau và Quảng Bình

Chiều 2-4, UBND huyện Ngọc Hiển (Cà Mau) cho biết, lực lượng chức năng của huyện đang khẩn trương xác minh, điều tra làm rõ vụ nhóm người lạ chặt phá cây rừng phòng hộ trên lâm phần Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên (huyện Ngọc Hiển). Trước đó, trưa 31-3, trong quá trình tuần tra tại khoảnh 70 (Tiểu khu 215), Ban Quản lý rừng phòng hộ Nhưng Miên phát hiện 15 người chặt cây đước trái phép. Một số đối tượng gây sức ép, dùng hung khí hăm dọa, chửi bới lực lượng thi hành công vụ. Toàn bộ gỗ rừng bị chặt phá đã bị nhóm người nêu trên vận chuyển, tẩu tán. Bước đầu xác định, có 29 cây gỗ đước bị đốn hạ, tương đương khoảng 1,1 m3.

* Ngày 2-4, Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch (Quảng Bình) cho biết, lực lượng liên ngành của địa phương vừa kiểm tra, phát hiện ba hầm gỗ mun quý hiếm được chôn trong vườn hai gia đình ở xã biên giới Thượng Trạch, huyện Bố Trạch - nơi xảy ra vụ khai thác gỗ mun trong vùng lõi Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng. Tại vườn nhà ông Nguyễn Trung Kính và ông Mai Xuân Sử ở bản Cu Tồn, trong ba hố sâu, lực lượng chức năng phát hiện 97 phách gỗ mun có đường kính từ 30 - 50 cm, dài hơn 3 m, với tổng khối lượng gần 7 m3. Hạt Kiểm lâm huyện Bố Trạch đã tạm giữ số gỗ quý này để điều tra, làm rõ xuất xứ.

PV

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/39722102-phong-chong-sau-benh-vu-dong-xuan.html