Phòng, chống HIV/AIDS hướng tới mục tiêu 90-90-90: Tham vọng và thách thức

Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90 (90 % người có HIV biết được tình trạng bệnh của mình; 90% người nhiễm HIV được điều trị ARV; 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp) trong phòng, chống HIV/AIDS. Mặc dù trong những năm qua, chúng ta đã đạt được nhiều thành tựu trong công tác phòng, chống đại dịch này, nhưng dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát nguy hiểm. Để hiểu sâu hơn nội dung này, PV báo Lao động Thủ đô đã có cuộc phỏng vấn trực tiếp với TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

PV: Xin ông cho biết rõ hơn mục tiêu 90-90-90? Tại sao, mục tiêu này lại quan trọng trong công tác với phòng, chống HIV/AIDS?

TS Hoàng Đình Cảnh: Tại Hội nghị AIDS toàn cầu tại Úc tháng 7/2014, Liên hợp quốc đã đưa ra các mục tiêu đến năm 2020, có 90% người có HIV biết được tình trạng nhiễm HIV của mình; 90% số người được chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị ARV và 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp để sống khỏe mạnh và làm giảm nguy cơ lây truyền HIV cho người khác. Ba mục tiêu này được gọi là Mục tiêu 90-90-90 của Liên hợp quốc.

Các mục tiêu 90-90-90 là hết sức quan trọng, có tính chiến lược trong phòng, chống HIV/AIDS nói chung, cũng như để kết thúc dịch HIV/AIDS vào năm 2030. Trong đó, mục tiêu 90% số người nhiễm HIV biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu. Bởi lẽ, một người nhiễm HIV mà không biết mình nhiễm thì có thể vô tình làm lây nhiễm bệnh cho người thân và cho nhiều người khác trong cộng đồng.

TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Hơn nữa, nếu người nhiễm HIV không biết được tình trạng nhiễm bệnh của mình, thì họ cũng không tiếp cận được các dịch vụ dự phòng, chăm sóc và điều trị HIV/AIDS và người cung cấp dịch vụ cũng không tiếp cận và cung cấp cách dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS cho họ.

Đặc biệt, 90% số người đã chẩn đoán có HIV được điều trị ARV, đây là một trong những mục tiêu trọng tâm trong chiến lược phòng chống căn bệnh nguy hiểm này. Việc điều trị sớm bằng thuốc ARV sẽ giúp người nhiễm HIV tiếp tục kéo dài cuộc sống khỏe mạnh, giảm các nhiễm trùng cơ hội.

Hơn nữa, các nhà khoa học đã chứng minh “Không phát hiện = không lây truyền”, tức là nếu một người nhiễm HIV được điều trị sớm bằng thuốc ARV, tuân thủ điều trị tốt thì thông thường sau 6 tháng điều trị ARV sẽ có tải lượng vi rút dưới ngưỡng phát hiện (200 bản sao/ml máu) sẽ không lây truyền HIV cho bạn tình qua quan hệ tình dục, làm giảm lây truyền từ mẹ sang con.

Bên cạnh đó, 90% số người được điều trị ARV kiểm soát được tải lượng vi rút ở mức thấp nhất để sống khỏe mạnh và không lây truyền HIV sang người khác. Việc kiểm soát tải lượng vi rút HIV ở mức thấp, dưới ngưỡng phát hiện là chỉ báo quan trọng liên quan đến chất lượng và tuân thủ điều trị bằng thuốc kháng HIV. Như vậy, các mục tiêu này có mối quan hệ mật thiết với nhau. Từ tiếp cận với những người có hành vi nguy cơ cao để tư vấn, dự phòng lây nhiễm HIV và tạo cơ hội cho họ tiếp cận các dịch vụ xét nghiệm HIV. Khi một người được chẩn đoán có HIV cần được kết nối dịch vụ và điều trị bằng ARV và duy trì tốt việc tuân thủ điều trị.

PV: Những thách thức trong việc phòng, chống HIV/AIDS trong giai đoạn hiện nay là gì thưa ông?

TS Hoàng Đình Cảnh: Bên cạnh rất nhiều kết quả đạt được đáng khích lệ với chương trình, chúng ta cũng phải đối diện với nhiều khó khăn và thách thức. Cụ thể, hiện nay nhiều người có HIV vẫn chưa biết tình trạng mình bị nhiễm bệnh. Đối với những người chưa biết tình trạng nhiễm bệnh, như vậy vô tình họ sẽ là nguồn lây cho cả cộng đồng.

Đáng lo ngại, mỗi năm số người mắc HIV vẫn cao, mỗi năm chúng ta phát hiện ra khoảng 10.000 người mắc bệnh, có khoảng 2000 trường hợp tử vong do AIDS. Như vậy HIV vẫn là một gánh nặng bệnh tật, nguyên nhân hàng đầu gây tử vong hiện nay. Còn nhiều người được chẩn đoán có HIV vẫn chưa tham gia điều trị ARV. Theo thống kê, mới chỉ có khoảng gần 130 000 người nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV, đạt được khoảng 65% số người chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị bằng thuốc ARV.

Khám, tầm soát phòng tránh lây nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Như vậy vẫn có khoảng 60.000 người được chẩn đoán nhiễm HIV chưa tham gia điều trị ARV. Trong khi, hiện nay, việc điều trị ARV đã được mở rộng đến tất cả các tỉnh/thành phố trong toàn quốc, với 470 cơ sở điều trị ARV ở tất cả các tỉnh/thành phố và hầu hết các huyện. Cụ thể, có tới 652 cơ sở phát thuốc ARV tại trạm y tế xã. Thuốc ARV hiện nay đang được các dự án cấp miễn phí và sẽ được cấp thông qua bảo hiểm y tế trong năm tới.

Trong suốt thời gian qua, Việt Nam đã đạt được nhiều thành tựu trong phòng, chống HIV/AIDS, nhưng dịch HIV vẫn đang tiềm ẩn nguy cơ bùng phát. Căn nguyên là vì hiện nay nhiều người nhiễm HIV chưa được phát hiện, đặc biệt là những khu vực miền múi, vùng sâu vùng xa, trong khi tỷ lệ nhiễm HIV trong nhóm người nghiện ma túy có xu hướng tăng trở lại; lây truyền HIV trong nhóm nam quan hệ tình dục đồng giới có xu hướng tăng nhanh, đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi; sự gia tăng số người sử dụng ma túy tổng hợp. Bên cạnh đó, sự thay đổi về tổ chức và sự cắt giảm về các nguồn lực viện trợ quốc tế sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến công tác phòng, chống HIV/AIDS.

Đặc biệt, hiện nay chúng ta vẫn đang phải đối diện với sự kỳ thị, phân biệt đối xử với những người có HIV. Đây chính là một rào cản khiến những người có HIV họ lẩn tránh, họ không tiếp cận điều trị, khiến dịch tiềm ẩn và khó kiểm soát. Ngoài ra, chúng ta đã khống chế dịch được 10 năm, tạo tâm thế chủ quan của các cấp lãnh đạo, địa phương… khiến cho việc quan tâm, giám sát bệnh dịch HIV bị buông lỏng.

PV: Tại sao năm 2018, Việt Nam lại chọn chủ đề “Hãy hành động để hướng tới mục tiêu 90-90-90 vào năm 2020 thưa ông?

TS Hoàng Đình Cảnh: Trong năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu 90 – 90 – 90. Chúng ta đang tiến tới hoàn thiện mục tiêu này. Tuy nhiên, để hoàn thiện mục tiêu này phải có thời gian kéo dài, chúng ta đang phấn đấu để đến năm 2020 hoàn thành. Và trong năm 2018, chúng ta vẫn tiếp tục đưa mục tiêu này lên hàng đầu.

Chúng tôi luôn xác định, việc thực hiện mục tiêu 90- 90- 90 là hết sức tham vọng và rất thách thức. Bởi vậy, để đạt được mục tiêu này, chỉ cam kết là không đủ, mà cần có những hành động mạnh mẽ hơn nữa của mỗi lãnh đạo, mỗi người dân trong việc phòng, chống HIV/AIDS. Làm sao để đến năm 2030 chúng ta có thể “thanh toán” được được đại dịch HIV/AIDS. “Thanh toán” ở đây không có nghĩa là không còn người mắc HIV, mà được hiểu dịch bệnh ấy trở thành một thành bệnh mãn tính và tần suất tỷ lệ nhiễm, tử vong thấp và không phải là vấn đề y tế công cộng trong cộng đồng.

Theo TS Hoàng Đình Cảnh, một trong những giải pháp để bảo vệ tính bền vững nguồn lực trong chương trình phòng, chống nhiễm HIV/AIDS là sự chuyển đổi sang sử dụng nguồn bảo hiểm y tế để thanh toán và chăm sóc điều trị bao gồm cả thuốc ARV cho người nhiễm HIV. Đặc biệt, theo Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS, hiện Bộ Y tế đang tiến hành quy trình đấu thầu mua thuốc tập trung để cung cấp về cho các điểm điều trị.

Đồng thời, các tỉnh/ thành phố phải khẩn trương hoàn thiện các điểm điều trị trong bệnh viện mà đủ điều kiện để ký hợp đồng với bảo hiểm y tế. Bên cạnh đó, các cơ sở phải tạo cơ chế hỗ trợ cho những người hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện mua thẻ bảo hiểm y tế… làm sao để mọi bệnh nhân có HIV đều được hỗ trợ và điều trị hiệu quả.

Minh Khuê

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phong-chong-hivaids-huong-toi-muc-tieu-90-90-90-tham-vong-va-thach-thuc-83041.html