Phòng chống HIV/AIDS: Cam kết cần đi kèm với hành động mạnh mẽ

Năm 2018 là năm thứ 10 liên tiếp dịch HIV/AIDS ở Việt Nam được khống chế, giảm cả 3 chỉ tiêu số người nhiễm mới, số người chuyển sang giai đoạn AIDS và số người tử vong. Trong khuôn khổ Tháng Hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (từ 10/11- 10/12/2018), PV Báo Đại Đoàn Kết có cuộc trò truyện cùng PGS.TS Nguyễn Hoàng Long - Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS (Bộ Y tế).

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long .

PV: Xin ông cho biết, tại Việt Nam năm 2018 diễn biến dịch HIV/AIDS có gì đáng chú ý?

PGS.TS Nguyễn Hoàng Long: Trong 9 tháng đầu năm 2018, cả nước xét nghiệm phát hiện mới 7.497 trường hợp nhiễm HIV, số bệnh nhân chuyển sang giai đoạn AIDS 2.514, số bệnh nhân tử vong 1.436 trường hợp. Ước tính số người nhiễm mới HIV trong năm 2018, có khoảng 5.500 người từ 15 tuổi nhiễm HIV và trẻ em nhiễm mới là 268 trẻ. Số người nhiễm mới người lớn giảm 64% so với năm 2010. Nhìn chung, dịch HIV/AIDS tiếp tục có xu hướng giảm. Tuy nhiên, diễn biến dịch HIV/AIDS vẫn còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ lây nhiễm HIV cao trong cộng đồng. Sự gia tăng tỉ lệ lây nhiễm HIV trong nhóm đồng tính nam (MSM), đặc biệt trong nhóm trẻ tuổi, dần sẽ là nhóm chính nhiễm mới HIV ở Việt Nam.

Hiện các thách thức trong công tác phòng, chống HIV/AIDS mà chúng ta đang phải đối mặt là gì, thưa ông?

- Như đã nói, mặc dù dịch HIV/AIDS ở Việt Nam tiếp tục có xu hướng giảm, tuy nhiên vẫn chưa đảm bảo tính bền vững và vẫn tiềm ẩn những nguy cơ bùng phát nếu chúng ta không tiếp tục có những biện pháp can thiệp mạnh mẽ và hiệu quả. Đáng chú ý là có sự đan xen giữa các hành vi của nhóm người nghiện chích ma túy và nhóm phụ nữ bán dâm, nhóm nam có quan hệ tình dục với nam, chuyển giới... trong khi mức độ bao phủ của các dịch vụ phòng, chống HIV/AIDS còn rất hạn chế.

Bên cạnh đó, sự kỳ thị phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn lớn, do đó những người có hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV sợ bị kỳ thị, không muốn đi làm xét nghiệm HIV, người nhiễm không muốn bộc lộ bị nhiễm HIV để đến cơ sở y tế để được điều trị ARV sớm.

Trong khi kinh phí cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS chủ yếu phụ thuộc vào viện trợ, do đó các địa phương không có dự án viện trợ quốc tế, hoạt động phòng, chống HIV/AIDS gặp nhiều khó khăn, nguồn ngân sách địa phương dành cho hoạt động phòng, chống HIV/AIDS là rất hạn chế, nguồn kinh phí địa phương chỉ cung cấp đủ cho duy trì hoạt động thường xuyên của cơ quan phòng, chống HIV/AIDS địa phương.

Định mức chi cho một số hoạt động khó tạo động lực cho triển khai các hoạt động phòng, chống HIV/AIDS tại cộng đồng, ví dụ định mức chi cho một tuyên truyền viên đồng đẳng tối thiểu 500.000 đồng/tháng, mức chi này không khuyến khích các đồng đẳng viên đi lại nhiều lần để tiếp cận với những người có nguy cơ cao, mức chi cho xét nghiệm HIV chỉ 52.000 đồng/ xét nghiệm cũng rất thấp cho triển khai xét nghiệm tại cộng đồng. Với mức chi này chi phí mua sinh phẩm xét nghiệm khoảng 35.000-40.000 đồng, do đó công xét nghiệm và chi phí đi lại để tiếp cận được một người nguy cơ cao là không thể khuyến khích cộng đồng tham gia cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV. Đồng thời, nhân lực phòng, chống HIV/AIDS thường xuyên thay đổi trong khi các kỹ năng, phương pháp tiếp cận hiệu quả có tính đặc thù.

Thưa ông, Việt Nam là quốc gia đầu tiên trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương cam kết thực hiện mục tiêu phòng chống HIV/AIDS 90-90-90 vào năm 2020 của Liên hợp quốc. Vậy những thách thức vừa nêu trên có ảnh hưởng gì tới nỗ lực đạt mục tiêu không?

- Năm 2018 là năm thứ 5 liên tiếp, Việt Nam tiếp tục theo đuổi và thực hiện mục tiêu 90-90-90. Tuy nhiên, như thực tế đã đề cập ở trên, các chỉ tiêu hiện tại của Việt Nam còn khá xa so với các mục tiêu 90-90-90 mà Liên hợp quốc đề ra. Cùng với đó, hành lang pháp lý của Việt Nam khá đầy đủ, được các tổ chức quốc tế đánh giá cao. Các cam kết chính trị cho phòng, chống HIV/AIDS cũng ở mức cao ở cả cấp trung ương và địa phương. Tuy nhiên để đạt được mục tiêu 90-90-90, thì cam kết là không đủ mà đòi hỏi chúng ta phải hành động mạnh mẽ hơn nữa; đồng thời đòi hỏi chương trình phòng, chống HIV/AIDS cũng cần phải có những điều chỉnh thích hợp với tình hình mới để đạt được mục tiêu 90-90-90.

Trong bối cảnh dịch HIV mang tính toàn cầu và tác động toàn cầu, nếu Việt Nam làm tốt công tác phòng, chống HIV/AIDS nói chung và thực hiện thắng lợi các mục tiêu 90-90-90 thì nó không chỉ có ý nghĩa thiết thực đối với người dân Việt Nam mà cả với cộng đồng quốc tế và điều quan trọng đó là tiền đề để tiến tới kết thúc đại dịch AIDS vào năm 2030.

Hiện Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới áp dụng chi trả điều trị HIV/AIDS thông qua Quỹ BHYT. Để thực hiện chi trả thuốc ARV qua BHYT cho người nhiễm HIV, vậy khó khăn chủ yếu hiện nay là gì, thưa ông?

- Theo quy định tại khoản 1, Điều 22 của Luật BHYT năm 2008, người tham gia BHYT phải đồng chi trả chi phí khám chữa bệnh tùy theo các nhóm đối tượng tham gia BHYT. Do đó, người nhiễm HIV có thẻ BHYT có trách nhiệm cùng chi trả tiền thuốc ARV theo quy định. Tuy nhiên, việc cùng chi trả là rất khó khăn cho người nhiễm HIV. Hầu hết bệnh nhân HIV/AIDS đều ở mức thu nhập thấp. Điều trị ARV là điều trị liên tục và suốt đời. Đây là một thách thức lớn cho bệnh nhân. Bên cạnh đó trong bối cảnh còn nhiều nguồn thuốc hỗ trợ miễn phí và để tiếp cận công bằng giữa các nhóm bệnh nhân có thẻ BHYT và không có thẻ BHYT, Thủ tướng Chính phủ đã có QĐ 2188 ngày 15/11/2016 quy định các địa phương đảm bảo các nguồn NS cho hỗ trợ phần cùng chi trả thuốc ARV.

Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã có công văn số 380/AIDS-VP ngày 30/5/2018 về hướng dẫn các tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch đảm bảo kinh phí mua thẻ BHYT và hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV giai đoạn 2018-2020. Hiện nay đã có 35/63 tỉnh thành phố được cấp thẩm quyền phê duyệt kế hoạch hỗ trợ mua thẻ (gần 30.000 thẻ đã được mua và cấp cho người nhiễm HIV). 18/63 tỉnh thành phố phê duyệt ngân sách cho hỗ trợ đồng chi trả thuốc ARV. Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã đề xuất và được Quỹ toàn cầu phê duyệt hỗ trợ mua thẻ BHYT và đồng chi trả thuốc ARV cho 32 tỉnh dự án và 16 tỉnh ngoài dự án trong giai đoạn 2019-2020.

Báo cáo công tác của Cục Phòng, chống HIV/AIDS có nhấn mạnh tới tình trạng nghiện ma túy tổng hợp làm gia tăng nhiễm HIV trong giới trẻ. Xin ông cho biết Cục đã có những kế hoạch gì để can thiệp trong nhóm này?

- Hiện nay, Cục Phòng, chống HIV/AIDS đã chính thức được Bộ Y tế giao làm đầu mối điều trị lạm dụng ma túy tổng hợp. Có thể nói đây là lĩnh vực khá mới ở Việt Nam cũng như nhiều quốc gia trên thế giới, chính vì vậy trong thời gian qua, Cục đã mời các chuyên gia quốc tế đến để chia sẻ các can thiệp hiệu quả cũng như kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới can thiệp lạm dụng ma túy tổng hợp. Việc can thiệp ma túy tổng hợp là vấn đề cực kỳ phức tạp vì kinh nghiệm từ các quốc gia trên thế giới, các loại ma túy tổng hợp mới hàng năm ra đời ngày một nhiều, can thiệp chủ yếu hiện nay là tâm lý xã hội và hành vi. Chưa có thuốc nào tỏ ta hiệu quả trong điều trị. Điều này đòi hỏi sự phối hợp rất lớn của không chỉ người bệnh mà cả gia đình và cộng đồng.

Trân trọng cảm ơn ông!

Đức Trân (thực hiện)

Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/cac-benh-dich/phong-chong-hiv-aids-cam-ket-can-di-kem-voi-hanh-dong-manh-me-tintuc424238