Phòng, chống đuối nước trẻ em: Thực hiện đồng bộ và lâu bền

Đuối nước hiện vẫn là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong do tai nạn thương tích ở trẻ em Việt Nam. Vấn nạn này gặp nhiều ở trẻ em trai hơn trẻ em gái, ở nông thôn nhiều hơn thành thị.

Thiếu nguồn lực, kiến thức, kỹ năng

Tại Việt Nam, trung bình mỗi năm trong giai đoạn 2016 - 2020 có hơn 2.000 trẻ em tử vong do đuối nước. Tỷ suất tử vong do đuối nước ở trẻ em Việt Nam cao hơn so với khu vực châu Á - Thái Bình Dương, gần gấp 10 lần các nước phát triển. Con số này được nêu tại hội thảo "Phòng, chống đuối nước trẻ em", do Ủy ban Văn hóa, Giáo dục phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tổ chức sáng 7.12.

Hội thảo Phòng, chống đuối nước trẻ em sáng 7.12. Ảnh: Nghĩa Đức

Hội thảo Phòng, chống đuối nước trẻ em sáng 7.12. Ảnh: Nghĩa Đức

Thống kê cũng chỉ ra, tử vong do đuối nước xảy ra chủ yếu tại cộng đồng 76,6%, 22,4% tại gia đình và 1% tại trường học. Trẻ em trai có tỷ lệ cao gấp đôi trẻ em gái. Trẻ em ở khu vực nông thôn có nguy cơ bị đuối nước cao gấp 2 lần trẻ em ở khu vực thành thị và 55% trẻ em tử vong do đuối nước sống trong các hộ gia đình có điều kiện kinh tế khó khăn, tập trung ở khu vực nông thôn. Các vụ đuối nước trẻ em thường xảy ra vào những tháng hè, hay gặp khi các em chuẩn bị vào kỳ nghỉ hè.

Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam lý giải, thực trạng này là do nhận thức của cộng đồng, cha mẹ, người chăm sóc trẻ và bản thân trẻ về các nguy cơ gây đuối nước còn hạn chế. Nhiều trường hợp đuối nước trẻ em do trẻ em thiếu sự giám sát của cha mẹ và người lớn. Môi trường sống ngay trong từng gia đình và ngoài cộng đồng chưa an toàn, tiềm ẩn các nguy cơ. Thực tế ở rất nhiều địa phương các giếng khơi và bể nước không có nắp đậy, nhiều công trình xây dựng không có rào chắn, thiếu biển báo tại các hố nước hoặc không lấp hố nước khi không sử dụng. Các khúc sông, hồ nước sâu, nước xoáy gần khu dân cư không có rào chắn, biển cảnh báo nguy hiểm.

"Trẻ em đang thiếu các kỹ năng an toàn trong môi trường nước, nhiều trẻ em chưa biết bơi an toàn. Địa phương chưa chủ động đề xuất các nhiệm vụ làm căn cứ bố trí thực hiện chương trình. Một số địa phương chưa bố trí kinh phí riêng thực hiện chương trình phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, trong đó có phòng, chống đuối nước trẻ em", ông Đặng Hoa Nam nói.

Cục trưởng Cục trẻ em, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Đặng Hoa Nam chỉ ra nguyên nhân dẫn đến đuối nước trẻ em. Ảnh: Nghĩa Đức

Trong khi phần lớn ao, hồ, sông, suối ô nhiễm không sử dụng để dạy bơi được thì việc dạy bơi cho trẻ trong trường học cũng gặp nhiều khó khăn. Phó Cục trưởng Cục Giáo dục thể chất, Bộ Giáo dục và Đào tạo, TS Nguyễn Nho Huy chỉ ra những bất cập, thách thức trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em trong nhà trường.

"Tỷ lệ trường học tổ chức dạy bơi cho học sinh còn rất thấp, thiếu bể bơi, thiếu thiết bị, điều kiện. Việc triển khai tài liệu giáo dục, hướng dẫn kiến thức, kỹ năng phòng, chống tai nạn đuối nước học sinh ở nhiều nhà trường còn lúng túng, nhiều trường chưa có bể bơi nên không thể tổ chức dạy bơi cho học sinh. Đội ngũ cán bộ, giáo viên làm công tác phòng, chống tai nạn, thương tích đuối nước trong nhà trường chủ yếu là kiêm nhiệm, còn yếu và thiếu về kiến thức, kỹ năng, khó khăn về phương tiện triển khai thực hiện".

Huy động nguồn lực thỏa đáng

Bốn năm qua, Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ đã triển khai chương trình phòng, chống đuối nước cho 30.000 trẻ em Việt Nam. Giám đốc Quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ Đoàn Thị Thu Huyền chia sẻ kinh nghiệm từ thực hiện chương trình.

Giám đốc Quốc gia Tổ chức Vận động chính sách y tế toàn cầu Hoa Kỳ Đoàn Thị Thu Huyền chia sẻ kinh nghiệm từ thực hiện chương trình phòng, chống đuối nước trẻ em

"Phòng, chống đuối nước cho trẻ em phải gắn với dạy bơi an toàn cho trẻ. Biết bơi là không đủ mà còn phải có kỹ năng an toàn trong môi trường nước. Phòng, chống đuối nước là một trong những kỹ năng sống còn mà bất kỳ con người nào cũng phải có để sống sót. Biết bơi mà không biết nổi sẽ gặp nguy cơ. Chính vì vậy, chương trình của chúng tôi hướng đến dạy bơi miễn phí cho trẻ, để trẻ biết bơi, biết nổi, biết tự cứu đuối", bà Đoàn Thị Thu Huyền nói.

Làm sao triển khai chương trình dạy bơi an toàn một cách hiệu quả và độ bao phủ lớn hơn cho trẻ em Việt Nam? Đây là câu hỏi được Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chính sách và Phòng chống chấn thương, Trường Đại học Y tế Công cộng, PGS. TS Phạm Việt Cường đặt ra. "Cần ưu tiên đầu tư, phân bổ kinh phí cho hoạt động dạy bơi, nghiên cứu và đưa ra hướng dẫn lộ trình học bơi an toàn cho trẻ theo từng độ tuổi và đào tạo nâng cao hàng năm. Để bù đắp hạn chế nguồn lực ở các địa phương, bên cạnh xây dựng quy định về các hình thức tham gia dạy bơi, cần thúc đẩy xã hội hóa việc dạy bơi cho trẻ em tại cộng đồng".

Công tác phòng, chống đuối nước ở trẻ em Việt Nam còn nhiều thách thức. Rõ ràng, những việc chúng ta đã và đang làm vẫn là chưa đủ để thực hiện tốt nhất nhiệm vụ chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Nhận định như vậy, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục Nguyễn Thị Mai Hoa cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang phát triển, nhiều vấn đề đặt ra ở tầm vĩ mô nhưng cũng có những vấn đề cụ thể, thiết thực gắn với tương lai con em. Đó là sức khỏe, là an toàn cho trẻ.

Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội An Giang Nguyễn Thị Bảo Trâm chia sẻ những hạn chế về nguồn lực trong phòng, chống đuối nước tại địa phương

Thực tế có những bất cẩn, thiếu kiến thức, thiếu kỹ năng, có những hạn chế, bất cập nhưng cũng có nhiều nội dung, mô hình, cách làm hay, hiệu quả trong công tác phòng, chống đuối nước cho trẻ em. Vấn đề là nỗ lực, quyết tâm để nâng cao nhận thức, trách nhiệm và hành động quyết liệt để tăng cường hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước trẻ em.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Nguyễn Thị Mai Hoa lưu ý 3 vấn đề: "Thứ nhất, các bộ, ngành, cơ quan, địa phương cần tiếp tục thực hiện tốt hơn công tác phòng, chống đuối nước, đặc biệt là quy định về bảo vệ, chăm sóc, giáo dục trẻ em trong Luật Trẻ em năm 2016. Nhiều giải pháp đã được nêu ra, nhưng đó không phải là ý tưởng mà cần cụ thể hóa bằng kế hoạch hàng năm của từng bộ, ngành, các cấp, gắn với tinh thần quyết tâm thực hiện, quyết tâm hành động. Thứ hai, công tác phối hợp giữa cơ quan quản lý Nhà nước và các cơ quan, bộ, ban, ngành trong lĩnh vực liên quan cần được thể hiện rõ hơn. Thứ ba, cần huy động các nguồn lực thỏa đáng để công tác phòng, chống đuối nước được thực hiện đồng bộ, lâu bền, hướng tới sự công bằng cho trẻ em ở tất cả vùng miền".

Thái Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/phong-chong-duoi-nuoc-tre-em-thuc-hien-dong-bo-va-lau-ben-i310410/