Phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm: Không để trên 'nóng' dưới 'nguội'

Sáng ngày 15/2, tại Hà Nội, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) đã tổ chức 'Hội nghị triển khai công tác phòng chống dịch bệnh động vật trên cạn các tỉnh phía Bắc'. Thứ trưởng Bộ NN&PTNT - Phùng Đức Tiến - nhấn mạnh, hiện đang là giai đoạn cao điểm lây nhiễm dịch bệnh trên gia cầm, gia súc... Tuy nhiên, qua kiểm tra, nhiều nơi vẫn còn thờ ơ với việc chống dịch.

Báo cáo của Cục Thú y cho thấy, từ ngày 1/1 - 14/2/2019, bệnh cúm gia cầm xảy ra tại 2 hộ chăn nuôi tại tỉnh Quảng Ngãi và Khánh Hòa. Tổng số gia cầm buộc phải tiêu hủy là 8.875 con. Ngay khi có kết quả xét nghiệm dương tính với vi rút cúm A/H5N6, chính quyền và cơ quan chuyên môn của các địa phương đã xử lý, tiêu hủy toàn bộ đàn gà mắc bệnh và thực hiện các biện pháp xử lý ổ dịch, khử trùng tiêu độc. Đối với dịch bệnh lở mồm long móng gia súc, từ ngày 1/1 - 14/2/2019, bệnh lở mồm long móng xảy ra tại một số hộ chăn nuôi nhỏ lẻ, chủ yếu ở lợn chưa được tiêm phòng vắc xin tại một số tỉnh như Lạng Sơn, Yên Bái, Thái Nguyên, Quảng Trị, Kon Tum,...; tổng số gia súc mắc bệnh 757 con lợn, trong đó 679 con lợn đã được tiêu hủy.

Phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm: Không để trên ‘nóng’ dưới ‘nguội’

Phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm: Không để trên ‘nóng’ dưới ‘nguội’

Nhận định tình hình dịch bệnh lở mồm long móng, đại diện Cục Thú y cho hay, nguy cơ phát sinh và lây lan dịch bệnh lở mồm long móng là rất cao vì mầm bệnh lưu hành trong đàn gia súc rất nhiều và có ở hầu khắp các địa phương trong cả nước; chăn nuôi nhỏ lẻ còn nhiều, việc phòng bệnh bằng vắc xin và các biện pháp an toàn sinh học chưa được thực hiện thường xuyên, liên tục; buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ gia súc, sản phẩm gia súc tăng nhiều trước, trong và sau Tết nguyên đán; thời tiết thay đổi bất lợi cho đàn vật nuôi nhưng thuận lợi cho mầm bệnh phát triển.

Đối với dịch tả lợn châu Phi, theo thông tin từ Tổ chức Thú y thế giới (OIE), tính từ năm 2017 đến ngày 14/02/2019, đã có 20 quốc gia báo cáo bệnh dịch tả lợn châu Phi. Tổng cộng đã có hơn 1,08 triệu con lợn buộc phải tiêu hủy. Tại Trung Quốc, theo thông tin từ OIE và Tổ chức Nông lương Liên hợp quốc (FAO), từ ngày 3/8/2018 đến ngày 14/02/2019, Trung Quốc thông báo tổng cộng có 105 ổ dịch xuất hiện tại 25 tỉnh. Tổng cộng đã có hơn 950 nghìn con lợn các loại buộc phải tiêu hủy. Đại diện Cục Thú y nhận định, hiện nay, trên thế giới dịch tả lợn châu Phi đã xuất hiện tại 20 nước, trong đó dịch bệnh đã được xác định lây lan rất nhanh từ các nước như Liên bang Nga sang Trung Quốc, Đài Loan và Mông Cổ, nên nguy cơ dịch bệnh lây lan sang Việt Nam và các nước khác là rất cao.

Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, nguy cơ các mầm bệnh H5N1, H7N9, dịch tả lợn châu Phi... lây nhiễm vào Việt Nam rất cao. Hiện, cúm gia cầm đang xuất hiện tại 31 nước, dịch tả lợn châu Phi xuất hiện ở 21 nước, ngay tại nước láng giềng là Trung Quốc có tới 105 ổ dịch xuất hiện ở 25 tỉnh. Trong khi đó, chỉ tính riêng ở Quảng Ninh, hàng ngày trên 10.000 người qua lại biên giới, lượng khách qua đường bộ, đường biển vào Việt Nam rất lớn. Họ có thể đem theo thịt lợn nên dễ đem mầm bệnh vào Việt Nam.

Mặc dù diễn biến của các loại dịch bệnh đang phức tạp nhưng theo Thứ trưởng Phùng Đức Tiến, nhiều nơi chính quyền địa phương chưa vào cuộc. “Chúng tôi vừa xuống Nghệ An kiểm tra để gỡ thẻ vàng nhưng tất cả đều thờ ơ. Đi kiểm tra dịch lở mồm long móng, việc tuyên truyền đền bù cho bà con rất kém, mặc dù chính sách đã có từ lâu nhưng bà con hoàn toàn không biết về chính sách đền bù. Do vậy, phải rà soát lại cách làm”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho rằng, kinh nghiệm cho thấy, việc phòng chống dịch bệnh phải quyết liệt ngay từ đầu năm mới có kết quả. Đồng thời, phải đánh giá lại công tác phòng chống dịch bệnh thời gian qua và đưa ra các giải pháp quyết liệt trong phòng chống dịch bệnh thời gian tới.

Theo lãnh đạo Cục Thú y, Bộ NN&PTNT, Chính phủ đã chỉ đạo cấm mọi hình thức vận chuyển, buôn bán, giết mổ, tiêu thụ lợn, sản phẩm của lợn nhập lậu, nghi nhập lậu, không rõ nguồn gốc, kể cả hình thức cho, tặng của các tổ chức, cá nhân và cư dân khu vực biên giới. Trong thời gian tới, Cục sẽ tiếp tục ngăn chặn, phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật từ nước ngoài vào Việt Nam. Giám sát chặt các cửa khẩu, đường mòn, lối mở... và tuyên truyền đến cộng đồng dân cư, để người dân không tham gia các hoạt động nhập lậu gia súc, gia cầm.

Nguyễn Hạnh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/phong-chong-dich-benh-tren-gia-suc-gia-cam-khong-de-tren-nong-duoi-nguoi-115815.html