Phòng chống cướp nhà băng

Cướp ngân hàng (NH) là loại tội phạm hình sự nguy hiểm. Vì thế, tăng cường hiệu lực hoạt động của lực lượng an ninh bảo vệ là quan trọng nhất trong các biện pháp phòng ngừa cướp NH và ứng phó có hiệu quả khi xảy ra cướp.

Nhận diện cơ bản

Thứ nhất: Trụ sở Phòng giao dịch NH, máy ATM là các mục tiêu tội phạm tấn công, đột nhập để cướp. Các đối tượng tội phạm thường theo dõi và nắm rõ quy luật hoạt động của điểm giao dịch và ra tay hành động khi chúng nhận thấy địa bàn vắng vẻ, tổ chức an ninh bảo vệ chưa chặt chẽ, hệ thống thiết bị hỗ trợ an ninh bảo vệ chưa đầy đủ, hoặc có nhưng không hoạt động.

Các vụ cướp trong 3 năm gần đây đều xảy ra ở phòng giao dịch các NH, là nơi nhân lực làm việc có số lượng ít, nhiều nơi chỉ có nhân viên nữ. Nhân viên an ninh bảo vệ thường chỉ 1 người, cá biệt có nơi chỉ bố trí bảo vệ chuyên trách vào ban đêm. Có những chi nhánh, phòng giao dịch còn sử dụng người cao tuổi làm bảo vệ. Trong nhiều trường hợp, lực lượng an ninh bảo vệ còn lơ là mất cảnh giác, kỹ năng xử lý tình huống chưa tốt, đồng thời còn hạn chế về công cụ hỗ trợ như súng bắn đạn cao su, đạn nhựa, đạn cay, bình xịt hơi cay, dùi cui điện, dùi cui cao su… Vụ cướp NH ngày 29-10-2020 tại NH Nông nghiệp chi nhánh Lâm Hóa tỉnh Hòa Bình, thời điểm tên cướp hành động phòng giao dịch này chỉ có 2 nhân viên nữ…

Cô gái này vào Techcombank cướp hơn 2 tỷ đồng, rõ ràng có sự bất cẩn của lực lượng bảo vệ.

Cô gái này vào Techcombank cướp hơn 2 tỷ đồng, rõ ràng có sự bất cẩn của lực lượng bảo vệ.

Thứ hai: Cướp thường tấn công vào giờ trưa hoặc cuối ngày lúc đang “hộn tiền”, là những thời điểm vắng khách, nhân viên bảo vệ mất cảnh giác, thiếu tập trung rồi bất ngờ dùng vũ khí đe dọa, uy hiếp bảo vệ và nhân viên NH để cướp tiền. Trong vụ cướp ngày 10-10-2020 tại Techcombank phòng giao dịch Trương Vĩnh Ký (98A Trương Vĩnh Ký, Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú), có thể thấy nữ kẻ cướp khó vào trong quầy giao dịch để cướp tiền nếu lực lượng bảo vệ cảnh giác, tập trung làm việc. Bởi lẽ, lúc này NH đã đến giờ nghỉ trưa, không nhận khách, nhưng bảo vệ vẫn cho đối tượng vào để “lấy đồ để quên” - như lời chị này nói. Trong khi với nhiệm vụ của mình, bảo vệ phải chặn đối tượng lại hỏi quên đồ gì, khi nào, rồi thông tin vào trong mang đồ ra (nếu có).

Một cán bộ cấp cao trong cơ quan bảo vệ pháp luật, qua theo dõi đánh giá các vụ cướp NH, cho biết hầu hết khi đối tượng tấn công vào NH, lực lượng bảo vệ lúc đó thường bỏ chạy, để lại các nhân viên NH bị đối tượng khống chế. Một chi nhánh NH có đến 3 bảo vệ nhưng lúc bị cướp cả 3 đều bỏ chạy... Ông đưa ra khuyến cáo hệ thống NH, từ tỉnh đến các chi nhánh đặt tại các địa bàn xung yếu cần tổ chức lại lực lượng bảo vệ, nhất là kỹ năng ứng xử khi bị tấn công.

Thứ ba: Hành vi của kẻ cướp thường manh động, táo tợn, dùng dao, súng, thậm chí chế tạo cả bom mìn và sẵn sàng tấn công, chống trả để cướp tiền rồi nhanh chóng tẩu thoát. Phần lớn các vụ cướp, vũ khí nóng như súng, bom là giả. Khi lực lượng an ninh bảo vệ hoạt động tập trung, hiệu quả và có tính chuyên nghiệp, cùng với sự bình tĩnh phối hợp của nhân viên NH, việc xử lý chống tình huống cướp có kết quả. Thí dụ, gần 3 năm qua trong 17 vụ cướp có 7 vụ kết thúc chóng vánh và chống được cướp, an toàn và không mất tiền, do có sự bình tĩnh chuyên nghiệp trong xử lý tình huống cướp của lực lượng bảo vệ và nhân viên NH, cùng với sự tác chiến hỗ trợ kịp thời của lực lượng ngành công an.

Ứng phó linh hoạt và kiên quyết

Các đối tượng tội phạm thường dành nhiều thời gian để quan sát tìm hiểu, theo dõi và nắm rõ quy luật hoạt động của điểm giao dịch trước khi gây án. Do đó sẽ hạn chế được đối tượng có cơ hội tiếp cận trực tiếp mục tiêu và uy hiếp nhân viên NH để cướp, nếu việc phòng ngừa tại thực địa được lực lượng an ninh bảo vệ làm tốt, tập trung làm nhiệm vụ, không lơ là mất cảnh giác. Thông thường, người ta không giao lực lượng an ninh bảo vệ thực hiện các công việc khác trong thời gian làm nhiệm vụ.

Ngay từ vòng ngoài, lực lượng bảo vệ chuyên nghiệp hoàn toàn có thể chủ động quan sát nhận diện và giám sát đối tượng khả nghi trà trộn, đột nhập vào trụ sở uy hiếp, khống chế để cướp tài sản. Đối tượng khả nghi được thể hiện qua các dấu hiệu như bịt kín mặt, đội mũ kín, đeo kính đen, mang găng tay vào NH không tháo ra, thường xuyên lảng vảng quanh khu vực NH để dò la, thậm chí vào NH hỏi han nhiều lần về gửi tiền hoặc vay tiền nhưng không gửi cũng chẳng vay. Nhận diện các đối tượng này lực lượng an ninh bảo vệ, vệ sỹ cần thể hiện cho chúng biết là đã bị theo dõi. Đồng thời cần thông tin trong đội ngũ, cho nhân viên NH cùng cảnh giác, cảnh báo hỗ trợ khách hàng đến giao dịch đề phòng nguy cơ tội phạm tấn công cướp giật sau khi rút tiền từ NH.

Kẻ cướp thường manh động, táo tợn và tàn độc, nên việc bảo vệ tính mạng, sức khỏe của con người được ưu tiên hàng đầu khi xảy ra cướp NH. Pháp luật cũng không có quy định bắt buộc nhân viên NH phải chống trả kẻ cướp. Về nguyên tắc chỉ khống chế cướp khi có cơ hội và phải bảo đảm tính mạng và sức khỏe của mọi người. Các công cụ hỗ trợ không sử dụng với đối tượng là phụ nữ, người tàn tật, trẻ em, trừ khi họ sử dụng vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ tấn công hay chống trả, đe dọa tính mạng mọi người

Trong tình huống cướp, lực lượng an ninh bảo vệ có nghiệp vụ sẽ nhanh chóng quan sát nhận định hiện trạng đối tượng cướp về giới tính, vũ khí mang theo, cách thức di chuyển… Khi nhận thấy đối tượng mang vũ khí giả, không có khả năng chống đỡ, sẽ nhanh chóng khống chế đối tượng ngay khi có thể. Trong mọi trường hợp cần phải bình tĩnh tìm cách hạn chế việc đối tượng có cơ hội tiếp cận trực tiếp uy hiếp nhân viên NH, cần linh hoạt bình tĩnh xử lý, nhấn chuông báo động, nhanh chóng kết nối với công an gần nhất… Nếu không thể khống chế cướp vì mất an toàn tính mạng, bảo vệ và nhân viên NH có thể buộc làm theo yêu cầu nhưng khéo léo trì hoãn, kết nối với công an gần nhất khi có thể.

Trên thực tế an ninh trật tự tại NH được bảo đảm cho hoạt động an toàn cho con người và tài sản của NH, cũng như khách hàng nhờ vào các cơ quan bảo vệ pháp luật và bản thân các NH nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp phòng chống cướp, như bảo vệ vòng trong, vòng ngoài, lắp đạt hệ thống giám sát, camera, chuông báo động, diễn tập và hướng dẫn cho nhân viên cách xử lý trong tình huống cướp.

Cướp NH sẽ ít xảy ra hơn, các NH sẽ được an toàn mức cao nhất có thể khi thực hiện tốt các biện pháp để phòng ngừa cướp NH, nhất là tổ chức tốt lực lượng bảo vệ được lựa chọn đủ chuẩn, có đủ công cụ hỗ trợ, làm việc chuyên nghiệp hơn, có kỹ năng ứng xử khi bị tấn công để họ thực hiện tốt nhất vai trò bảo vệ mục tiêu tại NH.

Phạm Như Liên

Nguồn SGĐT: http://saigondautu.com.vn/ngan-hang/phong-chong-cuop-nha-bang-85996.html