Phòng chống Covid-19: 'Vua vaccine' Ấn Độ nỗ lực sản xuất thuốc trong vòng 6 tháng

Tỷ phú Cyrus Poonawalla là người đứng đằng sau Viện huyết thanh Ấn Độ – một 'đế chế vaccine', trực tiếp ảnh hưởng đến cuộc sống của hàng tỷ người trên thế giới.

Với khối tài sản 9,8 tỷ USD, ông Poonawalla là người sáng lập và chủ tịch của Viện huyết thanh Ấn Độ – nhà sản xuất vaccine lớn nhất thế giới theo số lượng liều sản xuất. (Nguồn: Telegraph)

Viện huyết thanh Ấn Độ (SII) của tỷ phú Cyrus Poonawalla vừa ký một thỏa thuận liên doanh với công ty dược phẩm Mỹ Codagenix nhằm sản xuất thuốc điều trị bệnh viêm đường hô hấp cấp Covid-19.

Với khối tài sản ước tính 9,8 tỷ USD, tỷ phú Cyrus Poonawalla, 78 tuổi, hy vọng Viện của ông sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc sản xuất vaccine Covid-19 với quy mô lớn một khi loại vaccine này được công nhận hiệu quả và an toàn cho con người. Giờ đây, khi cả thế giới đang tranh giành nhau để tìm ra phương thức điều trị hiệu quả virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) gây bệnh Covid-19, ông Cyrus Poonawalla cho rằng đây là một cơ hội kinh doanh rất lớn.

Vào tháng trước, SII đã ký kết lập liên doanh với công ty dược phẩm Mỹ Codagenix. Hiện Codagenix đang nghiên cứu một loại vaccine phòng ngừa Covid-19 bằng cách sử dụng các thuật toán để phân tích bộ gien của chủng virus này.

Codagenix tuyên bố rằng với công nghệ mới, họ có thể phát triển và sản xuất loại vaccine phòng ngừa Covid-19 một cách hiệu quả và nhanh chóng. Toàn bộ quá trình chỉ diễn ra trong vòng vài tháng thay vì vài năm giống như trước đây.

Theo ông J. Robert Coleman, giám đốc điều hành của Codagenix, “với sự hỗ trợ tài chính và kỹ thuật của Viện huyết thanh Ấn Độ, chúng tôi sẽ có thể nhanh chóng đưa ra thị trường loại vaccine phòng chống virus SARS-CoV-2".

Ông Cyrus Poonawalla chia sẻ mục tiêu là "trong vòng 6 tháng, chúng tôi có thể thử nghiệm loại vaccine này trên người”, tất nhiên là với sự chấp thuận của các cơ quan quản lý.

Thực tế là thông thường, "chúng tôi phải mất từ 7 đến 8 năm để phát triển một loại vaccine. Mới đây, chúng tôi vừa đưa ra ra thị trường hai loại vaccine viêm phổi và vaccine ngừa virus rota sau 8 năm nghiên cứu và sản xuất".

Với thế mạnh là “chuyên môn và kinh nghiệm trong việc sản xuất nhiều loại vaccine khác nhau, vì vậy, chúng tôi không xem đây là một thách thức. Thách thức thực sự là liệu loại vaccine mà chúng tôi sản xuất có mang lại hiệu quả trên người hay không; ngoài ra, chúng tôi còn phải tiến hành thử nghiệm ở một quốc gia có dịch bệnh, và rất có thể đó là Trung Quốc”.

SII hy vọng có thể thử nghiệm loại vaccine trên người trong vòng 6 tháng.

Là con trai của một người lai giống ngựa đua, tỷ phú Cyrus Poonawalla thành lập SII vào năm 1966 tại thời điểm Ấn Độ buộc phải nhập khẩu vaccine với giá cao từ các nhà sản xuất thuốc phương Tây để phòng dịch bệnh cho trẻ em nước này.

Cyrus Poonawalla, một nhân vật nổi tiếng với lối sống xa hoa và bộ sưu tập xe cổ khổng lồ sản xuất từ những năm 1930, đã xây dựng một doanh nghiệp sản xuất vaccine vô cùng thành công. Không chỉ cung cấp vaccine cho thị trường Ấn Độ, SII còn ký hợp đồng cung cấp vaccine cho Tổ chức Y tế thế giới và hàng trăm quốc gia khác.

Tại nhà máy sản xuất vaccine rộng lớn và hiện đại tại thành phố Pune (miền Nam Ấn Độ), SII sản xuất và bán nhiều loại vaccine phòng ngừa các bệnh như sởi, bại liệt, viêm gan, quai bị và cúm. Khoảng 65% trẻ em trên thế giới đã từng sử dụng vaccine do SII sản xuất.

SII sở hữu công ty sản xuất vaccine Bilthoven Biologicals của Hà Lan và chi nhánh của công ty Nanotherapeutics tại CH Czech. Hiện công ty này hoạt động dưới sự điều hành của Adar Poonawalla, con trai của nhà sáng lập Cyrus Poonawalla.

Xuất thân từ cộng đồng người Parsis, một cộng đồng cư dân di cư từ Iran sang Ấn Độ từ thế kỷ X, gia đình của Cyrus Poonawalla có mối quan hệ sâu rộng trong giới thượng lưu Ấn Độ và thế giới. Dân số của cộng đồng Parsis chỉ chiếm chưa tới 0,005% dân số Ấn Độ, nhưng họ đã sản sinh ra 3 trong số 10 tỷ phú hàng đầu của đất nước.

Vào tháng 11, Cyrus Poonawalla đã nhận được giải thưởng thành tựu trọn đời từ tỷ phú Bill Gates vì những đóng góp của ông cho lĩnh vực y tế thế giới. Tháng 6/2019, ông được Đại học Oxford, Anh trao bằng Tiến sĩ Khoa học danh dự.

(theo Telegraph)

Châu Khánh Tâm

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/phong-chong-covid-19-vua-vaccine-an-do-no-luc-san-xuat-thuoc-trong-vong-6-thang-111389.html