Phòng chống COVID-19: Chủ động để không bị động

Sự phức tạp của dịch, bệnh COVID-19 đang đòi hỏi và đặt chúng ta vào hoàn cảnh phải đề cao cảnh giác. Mỗi người dân, mỗi cơ quan phải xác định đó là mệnh lệnh chính trị, yêu cầu bắt buộc và không thể khác lúc này để chúng ta không rơi vào sự bị động.

Dịch, bệnh COVID-19 ở nước ta cơ bản đã được không chế, là thành quả rất lớn của cả hệ thống chính trị trong nước. Nhưng chúng ta chỉ nên xem đó là kết quả bước đầu, trận đầu thắng lớn, nếu không kiên trì, tiếp tục đề cao cảnh giác, thì nguy cơ tái bùng phát một đợt dịch bệnh mới có thể đến bất cứ lúc nào.

Ở rất gần chúng ta, chung đường biên giới dài hàng nghìn km, hai quốc gia là Campuchia và Lào hiện đang rất vất vả để chống đỡ với dịch, bệnh. Tại Campuchia những ngày gần đây quốc gia này đã phát hiện hàng trăm người nhiễm bệnh mới mỗi ngày. Còn ở đất nước Ấn Độ không xa chúng ta, bóng đen dịch bệnh COVID-19 đang bao trùm, phủ lên một không khí tang tóc, đau thương. Đặc biệt ở đây đã xuất hiện chủng virus mới rất phức tạp. Chúng ta dù đã có vaccine phòng bệnh, nhưng không nên xem đó là “tấm khiên” giúp mỗi người bình yên miễn nhiễm với COVID-19. Những biến thể mới của virus luôn đem đến sự bất an mà không thứ vacinne nào có thể theo kịp, suy nghĩ nào có thể bắt kịp.

Con đường lây lan của COVID-19 ai cũng nhìn thấy, nhưng để ngăn chặn nó thì lại không dễ. Thông tin từ các cơ quan chức năng cho biết, chúng ta đã phát hiện ra một lượng người không nhỏ nhập cảnh trái phép vào Việt Nam mỗi ngày bằng những con đường tiểu ngạch, đường mòn, lối mở rất khó để phát hiện.

Đặc biệt, ở biên giới Tây Nam sau khi dịch bệnh bùng phát ở Campuchia đã có rất nhiều người Việt đang định cư, làm ăn tại đây vì lo sợ mà bất chấp khuyến cáo của cả hai nước để tháo chạy về nước. Họ đang đem theo một nguy cơ rất lớn, mà nếu như không phát hiện, ngăn chặn kịp thời thì nguồn bệnh ấy sẽ lây lan ra cộng đồng, đe dọa đến an nguy đất nước.

Những mối đe dọa đang rập rình, áp sát ngay biên giới nước ta. Sự chủ động của lực lượng chức năng là hữu hạn trước một đường biên giới quá dài và lòng người hết sức khó lường. Vì lòng tham, sự hẹp hòi, thậm chí là bất nhân, nhiều đối tượng trong nước đã bất chấp để câu kết, tiếp tay cho các đối tượng nhập cảnh trái phép vào Việt Nam. Dù cho chúng ta đã phát hiện ra nhiều đường dây đưa người nhập cảnh trái phép, đã có những bản án nghiêm khắc dành cho những kẻ cơ hội, nhưng sự phức tạp dường như vẫn chưa chịu dừng lại. Hơn lúc nào chúng ta càng cần phải đê cao cảnh giác trước thủ đoạn của các đối tượng tổ chức đưa người nhập cảnh trái phép này. Cùng với lực lượng biên phòng, hải quan, y tế, mỗi người dân hãy chung sức, đồng lòng lên tiếng đấu tranh vì lợi ích quốc gia, dân tộc và sự sống còn của chính bản thân mình.

Chúng ta hãy nhìn vào thành quả vĩ đại trong công cuộc phòng, chống dịch, bệnh COVID-19 của đất nước bằng một sự tự hào, để tiếp tục phát huy, đề cao cảnh giác, đấu tranh với giặc dịch hiệu quả hơn. Xin đừng nhìn vào kết quả ấy bằng sự chủ quan và ỷ lại.

Cuộc chiến chống lại giặc dịch dự báo sẽ còn cam go, phức tạp hơn nhiều, vì nguồn bệnh vẫn còn đó, rất gần chúng ta, mà chỉ cần một chút lơ là, thiếu ý thức là dịch sẽ bùng lên như mồi lửa được đốt lên giữa rừng cây khô.

Tất nhiên đề cao cảnh giác nhưng không phải là lo sợ để thụ động, co mình lại, thủ thế cầu an. Mỗi người dân, mỗi lực lượng chức năng càng phải cố gắng hơn, gồng mình lên để cùng nhau tạo ra một pháo đài chống dịch.

Vũ khí lớn nhất của chúng ta từ ngàn đời nay đó chính là tinh thần Việt Nam. Tinh thần ấy đã làm nên trí tuệ Việt Nam, sức mạnh và bản lĩnh Việt Nam. Trong cuộc chiến này cũng vậy, không chỉ đòi hỏi mỗi người dân, mỗi cơ quan phải đề cao các nguyên tắc chống dịc với “vũ khí 5K”, mà còn phải đòi hỏi sự ứng xử một cách khôn ngoan. Nghĩa là chúng ta vừa phải áp dụng các nguyên tắc vừa phải mềm mỏng vận động để tất cả người dân cùng thực hiện đầy đủ các nguyên tắc về y tế cũng như đề cao tính chủ động đấu tranh với những lệch lạc, biểu hiện bất minh liên quan đến dịch, bệnh COVID-19.

Đất nước Việt Nam đã đi qua biết bao khó khăn, gian nan, nhưng chưa bao giờ người Việt Nam chùn bước cả. Càng trong những hoàn cảnh gian nguy, thì tinh thần người Việt càng trở nên kiên cường, khôn khéo. Trong cuộc chiến chống lại “giặc dịch” lần này cũng vậy, cần ở chúng ta đó là sự chủ động ngày từ ban đầu, từ những nguồn bệnh còn ở xa.

Xin đừng nghĩ rằng đó là câu chuyện ở nước khác, ở bên kia biên giới mà chủ quan, lơ là. Hãy dựng lên một “bức tường thành ý thức” để hy vọng miễn nhiễm với mối nguy dịch, bệnh chính là điều quan trọng lúc này để chúng ta tiếp tục kiên trì với “mục tiêu kép”, sự bình thường trong hoàn cảnh mới mà chúng ta đã lựa chọn.

Gần như ai cũng nhìn ra sự thiệt thòi của những ngày dịch, bệnh bùng phát trong nước trong năm 2020 và những tháng đầu năm 2021 khiến chúng ta phải thực hiện biện pháp cách ly toàn quốc và cách ly cục bộ, thực hiện giãn cánh xã hội với nhiều khó khăn trong cuộc sống thường ngày. Chắc chắn sẽ chẳng có ai muốn điều đó trở lại một lần nữa, và để ước mong của chúng ta hiện thực phải bắt đầu từ chính chúng ta, bên cạnh sự nỗ lực của mỗi cơ quan chức năng, là sự trách nhiệm hơn, chung sức hơn từ mỗi cộng đồng dân cư, mỗi người dân.

Ngày 23-4-2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Công điện số 541/CĐ-TTg về tăng cường thực hiện phòng, chống dịch COVID-19, nêu rõ: Dịch COVID-19 trên thế giới vẫn đang tiếp tục diễn biến phức tạp, số lượng ca mắc mới và tử vong vẫn tăng ở nhiều nước. Đặc biệt ở một số nước láng giềng có chung đường biên giới với nước ta, dịch bệnh đang bùng phát mạnh trên diện rộng. Trong nước, tuy đã được kiểm soát tốt, song nguy cơ dịch bệnh bùng phát trở lại luôn thường trực, nhất là từ nguồn nhập cảnh, nhập cảnh trái phép; đã có tình trạng lơ là, chủ quan, thực hiện không đúng, không đầy đủ các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định, xuất hiện hiện tượng ngại tiêm vaccine phòng bệnh.

Để duy trì vững chắc thành quả phòng, chống dịch, thực hiện thành công “mục tiêu kép”, bảo vệ tốt nhất sức khỏe Nhân dân, đặc biệt trong những ngày lễ lớn sắp tới, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tiếp tục tăng cường cảnh giác với nguy cơ dịch, bệnh, đề cao trách nhiệm người đứng đầu, thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch đã đề ra với phương châm “phòng ngừa tích cực, phát hiện sớm, cách ly nhanh, điều trị hiệu quả, xử lý dứt điểm, nhanh chóng ổn định tình hình”.

Theo đó, Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ, Thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch trên phạm vi quản lý. Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm chính về việc phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn; báo cáo cấp ủy cùng cấp để thống nhất chỉ đạo. Chỉ đạo thực hiện và tổ chức kiểm tra, giám sát việc thực hiện nghiêm yêu cầu “5K” của Bộ Y tế, nhất là đeo khẩu trang bắt buộc tại nơi công cộng, tại các sự kiện có tập trung đông người, trên các phương tiện giao thông công cộng. Các lực lượng chức năng thường xuyên kiểm tra, đôn đốc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch trong phạm vi và trên địa bàn quản lý, nhất là tại các cơ sở y tế, trường học, cơ sở du lịch, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, sân bay, bến xe...; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm phòng, chống dịch. Khi phát hiện ca bệnh, các lực lượng liên quan phải tập trung chỉ đạo, áp dụng ngay các biện pháp khoanh vùng, truy vết, cách ly; kiên quyết không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng.

Thủ tướng cũng yêu cầu tiếp tục hạn chế các sự kiện, hoạt động tập trung đông người không cần thiết; trường hợp tổ chức, phải thực hiện nghiêm các biện pháp bảo đảm an toàn, đặc biệt, phải tuân thủ đeo khẩu trang, sát khuẩn theo quy định.

Sự phức tạp của dịch, bệnh đang đòi hỏi và đặt chúng ta vào hoàn cảnh phải đề cao cảnh giác. Mọi sự bất tuân đều là đi ngược lại lợi ich của quốc gia, dân tộc. Mỗi người dân, mỗi cơ quan phải xác định đó là mệnh lệnh chính trị, một yêu cầu bắt buộc và không thể khác lúc này để chúng ta không rơi vào sự bị động.

Lam Vũ

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/thoi-su/chu-dong-de-khong-bi-dong/135288.htm