Phòng, chống cháy trong mùa khô: Không thể lơ là!

''Mẹ thiên nhiên' hào phóng là thế, song đừng để 'Mẹ thiên nhiên' nổi giận khi bước vào mùa hanh khô. Chúng ta đã có rất nhiều bài học xương máu về vấn nạn cháy, vì vậy công tác phòng cháy, chữa cháy (PCCC) không thể lơ là nhất là khi thời tiết đang chuyển mạnh sang mùa hanh khô…

Nông dân đốt rơm sau thu hoạch lúa gây mất ATGT và tiềm ẩn nguy cơ cháy lan rộng (Ảnh internet)

Đến hẹn lại... lo cháy

Cháy có thể diễn ra khắp mọi lúc, mọi nơi. Nguy cơ cháy luôn tiền ẩn, nhất là khi mùa khô đến, chúng ta có thể thấy nguy cơ này ở bất cứ đâu: Tại những bãi cỏ khô, bãi rác trong các khu dân cư, những cây xăng, trên các cánh rừng, thậm chí ở ngay trong… nhà mình. Đó là chưa kể đến tình trạng sang, nạp gas trái phép, tàng trữ chất cháy, nổ; hàn xì…

Đốt nương rẫy gây nguy cơ cháy rừng rất cao (Ảnh: Lưu Ký)

Một thực trạng đáng báo động nữa là, vào dịp cuối năm, dọc tuyến quốc lộ vùng nông thôn hay ven đô, bà con nông dân sau khi thu hoạch lúa, họ vô tư đốt rơm, mặc cho khói bay mù mịt, không chỉ gây mất an toàn giao thông mà còn làm tăng nguy cơ cháy lan do gặp gió…

Những vạt rừng thông chết khô rất dễ bén lửa do ném mẩu thuốc lá, hoặc do trẻ trâu nghịch ngợm gây cháy (Ảnh: Lưu Ký)

Đặc biệt là, hiện nay tình trạng các nhóm “phượt” có rất nhiều nam thanh nữ tú tụ tập đốt củi, lá cây cạnh những cánh rừng trong các khu danh lam, thắng cảnh để nấu nướng làm các món nhậu. Hay đốt lửa tạo cảnh khói bay để chụp ảnh, quay clip Live stream… khoe mẽ, thỏa mãn ý thích cá nhân mà không hề biết đó là những nguy cơ gây cháy rừng rất lớn. Thế nhưng, hiếm thấy chính quyền địa phương hay lực lượng chức năng, nhắc nhở hoặc có những biện pháp ngăn chặn kịp thời.

Đốt lửa trại là việc khá phổ biến và cũng rất dễ gây cháy lây lan... (Ảnh: Lưu Ký)

Bên cạnh đó, tại các khu đô thị, hoặc vùng nông thôn, hạ tầng kỹ thuật phát triển không kịp với nhu cầu sử dụng điện của người dân đã làm cho các đường dây cao, hạ thế quá tải trầm trọng. Đây chính là nguyên nhân gián tiếp làm tăng nguy cơ cháy lên cao.

Nấu nướng khi đi du lịch cũng tiềm ẩn nguy cơ cháy rất cao (Ảnh: Lưu Ký)

Phòng, chống cháy: Không thể lơ là!

Theo số liệu thống kê của Cục Cảnh sát Phòng cháy, Chữa cháy (PCCC) và Cứu nạn Cứu hộ (CNCH), trong 9 tháng đầu năm 2018 cả nước xảy ra 2.989 vụ cháy, làm chết 73 người, bị thương 163 người; thiệt hại về tài sản 1.590 tỷ đồng. Xảy ra 24 vụ nổ, làm chết 5 người, bị thương 24 người, thiệt hại về tài sản 388 triệu đồng.

Điiển hình như: Vụ cháy ngày 2/2/2018 tại Công ty TNHH Khoa học Kỹ thuật Texhong Ngân Long thuộc Khu Công nghiệp Hải Yên, phường Hải Yên, thành phố Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh gây thiệt hại về tài sản khoảng 350 tỷ đồng.

Vụ cháy chung cư Carina TP. Hồ Chí Minh (Ảnh internet)

Vụ cháy công trình đang thi công thuộc dự án nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 ngày 07/3/2018 tại xã Dân Thành, thị xã Duyên Hải, tỉnh Trà Vinh gây thiệt hại về tài sản khoảng 105 tỷ đồng, nguyên nhân vụ cháy do hàn cắt kim loại.

Vụ cháy chung cư Carina Plaza ngày 23/3/2018 tại số 1648 đường Võ Văn Kiệt, quận 8, thành phố Hồ Chí Minh khiến 13 người chết, 51 người bị thương. Và mới đây nhất làm vụ cháy lớn cạnh Bệnh viện Nhi Trung ương Hà Nội) đã làm cho 2 người bị chết; 10 ngôi nhà từ số 887 đến 907 đường Đê La Thành đã bị lửa thiêu rụi. Hàng chục ngôi nhà tại khu vực giáp ranh với Bệnh viện Nhi Trung ương cũng bị hư hỏng hoàn toàn.

Theo lãnh đạo Cục Cảnh sát PCCC và CNCH, nguyên nhân dẫn đến các vụ cháy này chủ yếu là do ý thức chủ quan của người dân, trách nhiệm cũng như kiến thức PCCC của người dân, người lao động chưa cao, còn lơ là, thậm chí coi thường nguy cơ gây cháy. Đặc biệt là tình trạng người dân chưa tự tìm hiểu, học tập kiến thức về PCCC cũng như kiến thức xử lý, thoát nạn khi có sự cố cháy xảy ra.

Chớ coi thường “giặc lửa”

Vào mùa khô ở nước ta (từ tháng 10 năm trước đến tháng 4 năm sau), là thời gian phải đối mặt với nguy cơ cháy rất cao. Không chỉ các cơ quan chuyên môn, chính quyền các địa phương, mà cả người dân đều “nơm nớp” nỗi lo cháy, nhất là nguy cơ cháy rừng ở vùng trung du và miền núi.

Người dân tộc vùng cao thường đốt rẫy làm nương luôn tiềm ẩn nguy cơ cháy rừng (Ảnh: Lưu Ký)

Bên cạnh yếu tố khách quan do thời tiết, thì ý thức chủ quan của con người là một trong những nguyên nhân chính. Tại một số địa phương vẫn còn tình trạng người dân có thói quen đốt nương làm rẫy, đốt lửa lấy mật ong vô tình gây cháy rừng. Hay vào dịp nghỉ lễ, lượng người vào rừng tham quan, cắm trại khá đông không tránh khỏi bất cẩn khi sử dụng lửa.

Điển hình như vụ cháy xảy ra trước giờ giao thừa Tết Mậu Tuất 2018 vừa qua vào khoảng 11 giờ 30 phút ngày 15/2 đã thiêu cháy 2,5 ha rừng tại khu vực núi Sơn Đảo, (xã Thủy Đường, huyện Thủy Nguyên, Hải Phòng). Cơ quan chức năng xác định nguyên nhân do người dân sơ ý khi đốt vàng mã đã để ngọn lửa bùng phát dẫn đến cháy rừng.

Đốt vàng mã càng làm tăng hỏa hoạn khu di tích hoặc khu dân cư (Ảnh internet)

Hoặc như vụ hỏa hoạn nghiêm trọng xảy ra khoảng 6 giờ 30 phút sáng 28/4, tại khu vực thuộc khu du lịch hồ Tuyền Lâm (TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng), do bất cẩn, khiến cho bình ga mini phát nổ gây cháy. Đám cháy bùng phát lớn đã thiêu rụi toàn bộ 1 qúan cà phê, cháy 10 chiếc xe cổ, ước thiệt hại hơn 1 tỉ đồng. Do nhiều vật dụng dễ bắt lửa nên ngọn lửa nhanh chóng bao trùm rồi lan qua nhiều nhà bên cạnh.

Theo người viết bài này ghi nhận, nếu địa phương nào làm tốt công tác tuyên truyền và đi kiểm tra, đôn đốc người dân thực hiện tốt công tác phòng ngừa, cảnh báo… thì ở đó hạn chế được các nguy cơ cháy nổ. Nhiều nơi, nhiều năm liền không xảy ra vụ hỏa hoạn nào. Không chủ quan với “giặc lửa” là phương châm mà mỗi người chúng ta cần phải ghi nhớ thực hiện. Cảnh giác, đề phòng bao nhiêu với "giặc lửa" vẫn không bao giờ là điều thừa cả.

Lưu Ký

Nguồn Công Luận: http://congluan.vn/doi-song-xa-hoi/dia-phuong/phong-chong-chay-trong-mua-kho-khong-the-lo-la-46099