Phòng chống cháy rừng Bảy Núi

Công tác phòng chống cháy rừng (PCCR) vùng Bảy Núi (An Giang) càng trở nên cấp bách, khi cơ quan chuyên môn nhận định tình hình khí tượng – thủy văn mùa khô năm nay diễn biến phức tạp...

Lực lượng kiểm lâm cùng người dân kiểm tra PCCR ở huyện Tịnh Biên

Ông Trương Minh Hùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm An Giang cho biết, toàn tỉnh có khoảng 10.986ha đất rừng đang báo động cháy, tập trung chủ yếu ở các huyện Tri Tôn, Tịnh Biên, Thoại Sơn và TP Châu Đốc. Trong khi đang vào tháng cao điểm du lịch, khách hành hương thường xuyên đốt nhang rất dễ xảy ra cháy rừng. Ngoài ra, trên các con đường nhỏ men theo triền đồi núi, khách hành hương chỉ cần lơ là trong việc hút thuốc hoặc đốt nhang thì lớp thực bì dưới tán rừng sẽ bắt lửa và bốc cháy dữ dội.

Trong tháng 3 và 4/2018 Chi cục Kiểm lâm An Giang đã nâng mức báo động cháy rừng lên cấp 5 (cấp cực kỳ nguy hiểm); đồng thời đề ra hàng loạt phương án, bố trí lực lượng, phương tiện chữa cháy để ứng trực 24/24h tại những khu rừng trọng điểm cháy. Hằng ngày, lãnh đạo Chi cục phải gọi điện nhắc nhở các Hạt, chốt trạm đóng cửa đường mòn và triển khai nhiều phương án phòng cháy chữa cháy.

Chi cục Kiểm lâm An Giang trang bị 133 máy chữa cháy cải tiến, 34 máy chữa cháy đeo vai, 5 máy bơm chuyên dụng chữa cháy rừng và trên 10.500 dụng cụ thùng chứa nước, bình xịt, can đựng nước, bàn đập lửa, bào cào, dao quéo, thùng thiết, kẻng báo động... bố trí ở 132/195 điểm. Bên cạnh đó còn phát dọn 5 đường băng cản lửa, chống cháy lan thuộc Núi Cấm và núi Phú Cường với tổng diện tích dọn băng chống cháy là gần 21ha rừng.

Trang bị dụng cụ chữa cháy rừng ở vùng đồi núi

Ông Lý Vĩnh Định, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện Tri Tôn cho biết, mùa khô năm 2018, toàn huyện có trên 4.274ha rừng thuộc vùng trọng điểm có khả năng xảy ra cháy, trong đó có trên 1.850ha có nguy cơ cháy cao như: đồi 81, vồ Cờ, đồi 400 (núi Dài), núi Tượng, vồ Đá, Bụng Ông Địa, Ô Cây Chương, vườn tầm vông và cây ăn quả ven chân núi Dài, rừng tràm Tỉnh đội, Bình Minh, Bưu điện.

"Ban Chỉ đạo huyện và các xã có rừng đã triển khai 11 phương án bảo vệ PCCR và 1 kế hoạch hiệp đồng chữa cháy. Ngoài ra, huyện đã bố trí nhiều chốt trực, chồi canh, chuẩn bị đầy đủ nhân lực, phương tiện theo phương châm “4 tại chỗ”, ông Định nói.

Còn tại huyện Tịnh Biên công tác PCCR cũng đang vào giai đoạn cao điểm. Ông Lê Thành Công, Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm huyện cho biết, Hạt đã phối hợp với Đội Cơ động PCCR thuộc Chi cục Kiểm lâm đi khảo sát thực tế tại núi Phú Cường, khu vực Latina và núi Cấm. Hiện rừng đã ngả màu và rụng trơ lá. Phía dưới triền núi là địa bàn dân cư sinh sống dày đặc. Khi xảy ra cháy rừng, lực lượng chữa cháy chỉ có thể tiếp cận hiện trường bằng con đường đất mới mở vắt ngang. Toàn huyện 6.645ha rừng, trong đó có 270ha rừng nằm ở đồi núi Phú Cường năm nào cũng xảy ra cháy.

Theo ông Công, để đảm bảo công tác PCCR tốt trong năm 2018, Hạt Kiểm lâm Tịnh Biên đã tiến hành xây nhiều bốn chứa nước nằm rảy rác trên địa bàn cả trên núi và rìa rừng. Đây là những hồ nước lớn có sức chứa từ 10.000 - 20.000m3 phục vụ công tác PCCR. Hạt còn ký hợp đồng PCCR với nghiệp đoàn xe ôm tại Núi Cấm. Khi xảy ra cháy rừng có thể huy động từ 100 - 150 người hành nghề xe ôm có thể tiếp cận đám cháy để dập lửa.

Trang bị can nước phục vụ chữa cháy rừng di động rất hiệu quả ở vùng Bảy Núi

Trước diễn biến phức tạp của thời tiết, ông Trần Anh Thư, GĐ Sở NN-PTNT An Giang cùng lãnh đạo Chi cục Kiểm lâm đến kiểm tra công tác PCCR trên địa bàn huyện Tri Tôn và Tịnh Biên.

Đoàn đã chỉ đạo công tác triển khai phương án PCCR, kiểm tra việc chuẩn bị dụng cụ, huy động lực lượng trực gác rừng… tại các điểm nóng như khu vực nghĩa địa xã Lương Phi (dưới chân núi Dài), khu vực rừng tràm Tỉnh đội (xã Tân Tuyến).

LÊ HOÀNG VŨ

Nguồn Nông Nghiệp: http://nongnghiep.vn/phong-chong-chay-rung-bay-nui-post216353.html