Phòng, chống cháy nổ: 'Đừng để mất bò mới lo làm chuồng'

Vụ nổ kinh hoàng tại một nhà hàng ở TP Vinh vừa qua một lần nữa gióng lên hồi chuông báo động về công tác phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện như nhà hàng, quán bar, karoke... những nơi vừa tập trung đông người lại vừa tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao.

Vụ nổ nhà hàng ở TP Vinh khiến nhiều người dân sống xung quanh được một phen bàng hoàng. Ảnh: Tiến Hùng

Đến bây giờ, những người dân ở khu vực lân cận vẫn chưa hết bàng hoàng vì sức công phá của vụ nổ đã làm tan hoang cả ngôi nhà hai tầng và ảnh hưởng tới cả những nhà dân ở phía bên kia đường. Rất may, vụ nổ xảy ra vào thời điểm không có khách hàng ra vào quán và lực lượng chức năng đã kịp thời có mặt tại hiện trường để hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về tài sản. Nếu vụ nổ xảy ra vào giờ cao điểm, lượng khách và người qua lại trên quốc lộ 1A ngay cạnh nhà hàng này rất đông thì chưa biết hậu quả sẽ khủng khiếp như thế nào!

Trên thực tế, hầu hết các nhà hàng kinh doanh ăn uống thường sử dụng các bình gas công nghiệp để nấu nướng nhưng việc đảm bảo an toàn phòng chống cháy nổ lại rất sơ sài, họ có thể đấu nối nhiều bình gas lại với nhau để dẫn vào khu vực bếp. Và chỉ cần một sơ suất nhỏ, rò rỉ khí gas là tai nạn cháy nổ sẽ xảy ra, như trường hợp vừa xảy ra tại nhà hàng ở TP Vinh.

Các bình gas công nghiệp được chuyển ra khỏi nhà hàng sau khi xảy ra vụ nổ. Ảnh: Tiến Hùng

Trước đó, theo báo cáo của Ban chỉ đạo phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn cứu hộ tỉnh, năm 2017, Nghệ An đã xảy ra 64 vụ cháy, thiệt hại về tài sản khoảng 18 tỷ đồng; xảy ra 1 vụ nổ sau đó dẫn đến cháy, gây thiệt hại tài sản khoảng 3 tỷ đồng. Cũng trong năm 2017 các lực lượng chức năng đã kiểm tra công tác PCCC gần 7.000 lượt cơ sở, phương tiện, lập 697 biên bản vi phạm hành chính, xử phạt, nạp ngân sách nhà nước gần 1 tỷ đồng.

Tuy nhiên, nhiều chủ cơ sở kinh doanh vẫn tỏ ra “điếc không sợ súng”, còn lơ là với công tác phòng, chống cháy nổ. Bằng mắt thường, chúng ta cũng có thể thấy được việc vi phạm về phòng, chống cháy nổ tại các cơ sở kinh doanh có điều kiện này, nhưng những người có trách nhiệm lại tỏ ra thờ ơ, hoặc là chỉ kiểm tra, xử phạt “cho có”.

Còn nhớ, ngay sau khi xảy ra vụ cháy một quán karaoke ở Hà Nội vào cuối năm 2016, làm 13 người chết, các cấp chính quyền, các cơ quan chức năng liên quan đã ban hành rất nhiều văn bản về phòng, chống cháy nổ và chỉ đạo kiểm tra, xử lý ngay các điểm kinh doanh karaoke chưa đảm bảo điều kiện an toàn, nhưng cho đến nay, trên địa bàn Nghệ An rất nhiều quán karaoke vi phạm về công tác PCCC vẫn ngang nhiên tồn tại.

Vụ cháy quán karaoke ở Hà Nội khiến 13 người thiệt mạng Ảnh: Internet

Mới đây, tại Công văn chỉ đạo của Tỉnh ủy Nghệ An về “đảm bảo an toàn phòng cháy, chữa cháy năm 2018” cũng chỉ rõ “Nguy cơ cháy, nổ vẫn còn tiềm ẩn nhiều yếu tố phức tạp, khó lường; xảy ra các vụ cháy lớn, nhất là cháy, nổ tại các khu dân cư, hộ gia đình, chợ, khu công nghiệp... làm nhiều người bị thương, gây thiệt hại lớn về tài sản, ảnh hưởng đến an ninh trật tự, hoạt động sản xuất, kinh doanh, môi trường đầu tư và cuộc sống của người dân”.

“Tình hình trên có nhiều nguyên nhân, nhưng chủ yếu do: một số người đứng đầu cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp, chủ hộ gia đình và người dân chưa nhận thức đầy đủ về vị trí, vai trò, tầm quan trọng của công tác phòng cháy, chữa cháy.... Công tác quản lý nhà nước về phòng cháy, chữa cháy, có nơi, có lúc còn buông lỏng ...”.

Mùa nắng nóng đang đến gần, nguy cơ tiềm ẩn cháy nổ lại càng cao, các cấp, các ngành, các đơn vị, địa phương, lực lượng chức năng cần đẩy mạnh tuyên truyền về công tác phòng, chống cháy nổ một cách cụ thể, hiệu quả, theo phương châm “4 tại chỗ”; đồng thời xử phạt nghiêm, thậm chí “đóng cửa” những cơ sở vi phạm về công tác phòng, chống cháy nổ, để tránh những hậu quả đáng tiếc xảy ra, tránh tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” thì đã muộn!

Đức Chuyên

Nguồn Nghệ An: http://www.baonghean.vn/phong-chong-chay-no-dung-de-mat-bo-moi-lo-lam-chuong-188077.html