Phòng, chống bệnh viêm da nổi cục trên trâu, bò

Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đang có diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 17-3, huyện Quảng Trạch có 338 con trâu, bò bị bệnh VDNC. Huyện đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.

Người dân huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại để ngăn dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò lây lan. Ảnh: N.TÂM

Người dân huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) rắc vôi bột quanh khu vực chuồng trại để ngăn dịch viêm da nổi cục trên trâu, bò lây lan. Ảnh: N.TÂM

Hiện nay, bệnh viêm da nổi cục (VDNC) trên trâu, bò ở huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đang có diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 17-3, huyện Quảng Trạch có 338 con trâu, bò bị bệnh VDNC. Huyện đang tích cực thực hiện các biện pháp phòng dịch theo quy định.

* Tại tỉnh Thanh Hóa, từ ngày 3-2 đến 19-3 phát sinh bệnh VDNC trên 470 con trâu, bò tại 342 hộ chăn nuôi ở 55 thôn, 18 xã thuộc các huyện: Yên Ðịnh, Vĩnh Lộc, Hoằng Hóa và thị xã Nghi Sơn.

Ngoài tiêu hủy sáu con trâu, bò, bao vây, dập dịch, tỉnh Thanh Hóa huy động 21.000 lít hóa chất, ba tấn vôi bột, 2.235 lít thuốc diệt côn trùng, ruồi, muỗi và tiêu độc khử trùng. Ngày 20-3, UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành, cấp ủy, chính quyền các địa phương… quyết liệt chỉ đạo, điều hành thực thi các giải pháp phòng, chống dịch bệnh theo các văn bản chỉ đạo, phấn đấu đến ngày 20-4 công bố hết dịch VDNC trên trâu, bò trên địa bàn tỉnh.

* Xã Nghi Ðức, TP Vinh (Nghệ An) đang tập trung khoanh vùng, dập dịch, cách ly trâu, bò bị nhiễm bệnh VDNC. Tính đến sáng 18-3, xã Nghi Ðức có 23 con trâu, bò bị nhiễm dịch bệnh này.

* Chi cục Chăn nuôi và Thú y tỉnh Hà Tĩnh cho biết, đến nay, toàn tỉnh đã có 3.785 con trâu, bò bị nhiễm bệnh VDNC. Tỉnh Hà Tĩnh đang tập trung đồng bộ các giải pháp phòng, chống, khoanh vùng dịch bệnh.

* Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ngân Sơn (Bắc Kạn) cho biết, bệnh VDNC trên trâu, bò vừa xuất hiện tại thôn Thôm Tà, xã Thuần Mang. Ðược biết, xã Thuần Mang có tổng đàn trâu, bò gần 1.100 con. Từ cuối năm 2020 đến nay, bệnh VDNC đã xuất hiện tại bốn thôn (Khuổi Tục, Khuổi Chắp, Thôm Tà, Bản Băng) với số lượng hơn 20 con bò bị mắc bệnh.

* Cục Kiểm lâm (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cảnh báo, hiện nay, một số địa phương thuộc các tỉnh Hà Giang, Lai Châu, Ðiện Biên, Sơn La, Khánh Hòa, Gia Lai, Ðắk Nông, Ðắk Lắk, Lâm Ðồng, Ninh Thuận, Bình Thuận, Ðồng Tháp, An Giang, Kiên Giang, Cà Mau đang có nguy cơ xảy ra cháy rừng cấp V (cấp cực kỳ nguy hiểm). Cục Kiểm lâm yêu cầu chính quyền các địa phương nêu trên và các chủ rừng khẩn trương thực hiện các biện pháp phòng cháy, chữa cháy rừng theo quy định.

* Tỉnh An Giang hiện có 16.868 ha rừng, trong đó 11.550 ha rừng phòng hộ. Những ngày qua, nắng nóng kéo dài làm cho các cánh rừng tại vùng Bảy Núi bắt đầu khô héo, vàng úa, nâng mức báo cảnh cháy rừng lên cấp cực kỳ nguy hiểm. Hiện, tỉnh An Giang đã bố trí lực lượng hơn 2.600 người sẵn sàng làm nhiệm vụ chữa cháy rừng.

* Tỉnh Sóc Trăng vừa triển khai kế hoạch phòng, chống cháy rừng trên địa bàn toàn tỉnh. Theo đó, Chi cục Kiểm lâm phối hợp với các đơn vị liên quan thành lập đoàn công tác tuyên truyền người dân nâng cao ý thức bảo vệ rừng; kiểm tra công tác phòng cháy, chữa cháy tại các lâm trường từ nay cho đến hết tháng 3. Ðược biết, Sóc Trăng có gần 11.000 ha diện tích đất có rừng; trong đó rừng phòng hộ 6.813,3 ha, rừng sản xuất 3.623,5 ha và rừng đặc dụng 269,6 ha.

* Sáng 20-3, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Ðồng cho biết, gần ba tháng qua, do thời tiết khô hanh nhiều ngày không mưa, nắng nóng kéo dài cho nên mức cảnh báo nguy cơ cháy rừng ở toàn bộ 12 huyện, thành phố trong tỉnh đều ở cấp cực kỳ nguy hiểm. UBND tỉnh Lâm Ðồng đã ban hành quy định về kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy trong phòng cháy rừng thông; trong đó, tuyệt đối không được đốt thực bì (cỏ khô, cây bụi, cành lá khô dưới gốc) khi dự báo cháy rừng từ cấp 3 trở lên để phòng tránh tình trạng lửa cháy lan mất kiểm soát…

* Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia cho biết, bộ phận không khí lạnh mạnh đã tiếp tục di chuyển xuống phía nam. Sáng nay (21-3), bộ phận không khí lạnh này sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh vùng núi Bắc Bộ; sau đó ảnh hưởng đến các nơi khác ở Ðông Bắc Bộ, Bắc Trung Bộ, Tây Bắc Bộ và Trung Trung Bộ. Ở các tỉnh Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, trời chuyển rét với nhiệt độ thấp nhất phổ biến từ 15 đến 18oC, vùng núi có nơi dưới 15oC.

Trên biển, từ sáng nay, gió chuyển hướng đông bắc trong đất liền cấp 3, vùng ven biển cấp 4-5; ở vịnh Bắc Bộ và khu vực bắc Biển Ðông, gió đông bắc mạnh cấp 6-7, giật cấp 8-9, biển động mạnh, sóng biển cao từ 2 đến 4 m. Ở vùng biển Trung Bộ, khu vực giữa Biển Ðông và vùng biển phía tây khu vực nam Biển Ðông, gió đông bắc mạnh cấp 6, giật cấp 7, biển động, sóng biển cao từ 1 đến 2,5 m.

* Tính đến nay, bệnh phồng lá phát sinh và gây hại cho 88 ha cây chè ở huyện Văn Chấn và TP Yên Bái (tỉnh Yên Bái). Ngành nông nghiệp tỉnh Yên Bái khuyến cáo người dân thường xuyên kiểm tra nương chè, tỉa bớt cây che bóng, tạo cho nương chè có độ thông thoáng, đủ ánh sáng, những nương chè bị bệnh cần tiến hành hái đau, hái triệt để, đem lá bị bệnh đi tiêu hủy…

* Vụ đông xuân 2020 - 2021, huyện Hiệp Ðức (Quảng Nam) gieo trồng hơn 350 ha cây trồng. Qua kiểm tra, hiện có 5 ha cây sắn bị mắc bệnh khảm lá. Chính quyền địa phương đang kiểm soát chặt chẽ việc vận chuyển thân lá củ sắn bị nhiễm bệnh, đẩy mạnh tuyên truyền hướng dẫn người dân cách nhận biết và phòng trừ bệnh khảm lá sắn.

* Ngày 20-3, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cho biết, vụ hè thu năm 2021, toàn tỉnh xuống giống 230.000 ha lúa. Ngành nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân nên bắt đầu xuống giống từ ngày 15-3 đến 10-5 để chủ động né khô hạn, né rầy…

* Vụ khoai mỡ đông xuân 2020 - 2021, nông dân huyện Thạnh Hóa (tỉnh Long An) rất phấn khởi vì trúng mùa, được giá. Năng suất khoai mỡ dao động từ 12 đến 15 tấn/ha, giá bán bình quân hơn 20.000 đồng/kg, cao gấp bốn lần so cùng kỳ. Sau khi trừ chi phí, mỗi ha thu về khoảng 100 triệu đồng.

* Từ đầu tháng 2 đến nay, trứng các loại gia cầm liên tục rớt giá. Cụ thể, trứng vịt loại nhỏ dao động từ 1.900 đến 2.100 đồng/quả, loại to là 2.200 đến 2.300 đồng/quả, trứng vịt lộn 3.000 đồng/quả; trứng gà công nghiệp 2.000 đồng/quả, trứng gà ta 2.300 đến 2.500 đồng/quả. Theo các tiểu thương, mức giá này giảm từ 20 đến 30% so với cùng kỳ.

Nam Bộ chủ động phòng, chống xâm nhập mặn

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng - Thủy văn quốc gia, từ nay đến 31-3, xâm nhập mặn ở các sông Vàm Cỏ, Cửu Long xu thế tăng cao; riêng sông Cái Lớn xâm nhập mặn duy trì ở mức cao từ nay đến 27-3 và từ ngày 30 đến 31-3. Chiều sâu ranh mặn 1g/l trong thời kỳ này có khả năng như sau: sông Vàm Cỏ Ðông, Vàm Cỏ Tây phạm vi xâm nhập mặn 100 đến 110 km; sông Cửa Tiểu, Cửa Ðại phạm vi xâm nhập mặn 55 đến 63 km; sông Hàm Luông, Cổ Chiên phạm vi xâm nhập mặn 65 đến 73 km… Cấp độ rủi ro thiên tai do xâm nhập mặn ở đồng bằng sông Cửu Long: cấp 1 đến cấp 2. Các địa phương cần hạn chế tưới (tưới nước tối thiểu) đối với diện tích trồng cây ăn trái có giá trị kinh tế cao, chịu mặn kém, trước khi tưới cần kiểm tra nồng độ mặn; chủ động các biện pháp trữ nước và cấp nước phục vụ sinh hoạt trong thời kỳ này.

PV và CTV

Nguồn Nhân Dân: https://nhandan.com.vn/tin-tuc-xa-hoi/phong-chong-benh-viem-da-noi-cuc-tren-trau-bo-639208/