Phòng, chống bệnh dịch tả lợn châu Phi: Chăn nuôi an toàn sinh học là hướng đi bền vững

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho rằng, vũ khí duy nhất hiện nay trong phòng chống dịch tả lợn châu Phi (DTLCP) là triển khai đồng bộ các giải pháp an toàn sinh học và chế phẩm vi sinh

Theo Cục Thú y, tính đến nay, bệnh DTLCP đã xảy ra tạ 4.550 xã, 501 huyện của 62 tỉnh, TP (chưa qua 30 ngày); tổng số lợn bị bệnh buộc phải tiêu hủy là 2.856.722 con (chiếm khoảng hơn 8% tổng đàn lợn thực tế là trên 35 triệu con); đã có 106 xã thuộc 22 tỉnh có dịch bệnh đã qua 30 ngày nhưng sau đó lại phát sinh lợn bệnh; cả nước còn tỉnh Ninh Thuận chưa có bệnh DTLCP.

Trong thời gian tới, nguy cơ bệnh DTLCP tiếp tục phát sinh và lây lan theo 3 hướng sau: Dịch bệnh dễ dàng phát tán, lây lan nhanh và lan tỏa đến các địa bàn (cấp xã, huyện) chưa có dịch; tái phát các ổ dịch cũ qua 30 ngày; dịch bệnh xâm nhiễm vào các cơ sở chăn nuôi lợn tập trung, quy mô lớn. Trước diễn biến bệnh DTLCP đang tiếp tục phát sinh trên địa bàn cả nước, ngày 11-7, Bộ NN&PTNT đã tổ chức hội nghị triển khai các giải pháp tổng hợp phòng, chống bệnh dịch.

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Đa số hộ chăn nuôi lớn, áp dụng quy trình an toàn sinh học hầu hết không bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tấn công”. Ảnh tư liệu

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: “Đa số hộ chăn nuôi lớn, áp dụng quy trình an toàn sinh học hầu hết không bị bệnh dịch tả lợn châu Phi tấn công”. Ảnh tư liệu

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, chưa có loại dịch bệnh nào mà toàn hệ thống chính trị từ T.Ư đến địa phương phải vào cuộc đồng bộ như đối với DTLCP thời gian qua. DTLCP gây thiệt hại rất lớn chủ yếu ở các hộ nhỏ lẻ, liên quan đến sinh kế người dân và liên quan đến kinh phí hỗ trợ... Nhưng DTLCP không đáng sợ nếu chúng ta nắm chắc nguyên lý.

“Thực tiễn vừa qua cho thấy có nhiều cách làm rất sáng tạo trong phòng, chống DTLCP. Các trang trại, cơ sở chăn nuôi lợn lớn vẫn an toàn trong dịch bệnh nhờ triển khai hiệu quả các giải pháp an toàn sinh học kết hợp chế phẩm vi sinh có lợi. Đây vẫn sẽ là nhóm giải pháp cần nhân rộng trong thời gian tới”, ông Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Xuân Cường, chăn nuôi an toàn sinh học cũng là hướng đi bền vững, lâu dài cho cả ngành chăn nuôi, chứ không chỉ đối với chăn nuôi lợn. Trong thời gian tới cần đẩy nhanh nghiên cứu vắc-xin, chế phẩm sinh học phòng DTLCP. Nơi nào thực sự an toàn mới tái đàn, không tái đàn bừa bãi để tránh người dân bị thiệt hại kép.

Hà Nội là địa phương có tổng đàn lợn lớn 1,87 triệu con (đứng thứ 2 cả nước sau tỉnh Đồng Nai) cũng không tránh khỏi những thiệt hại năng nề do DTLCP gây ra. Tính đến ngày 11-7, bệnh DTLCP đã xảy ra tại 27.689 hộ chăn nuôi/2.295 thôn, tổ dân phố/445 xã, phường, thị trấn thuộc 24 quận, huyện có chăn nuôi trên địa bàn Hà Nội; làm mắc bệnh và tiêu hủy 481.649 con, với trọng lượng 33.151 tấn.

Mặc dù với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, các cấp chính quyền song thiệt hại vẫn là rất lớn. Ước tính TP Hà Nội đã chi tới 1.500 tỷ đồng cho công tác phòng, chống bệnh DTLCP. Trong đó, kinh phí hỗ trợ lợn tiêu hủy khoảng 1.300 tỷ đồng, các hoạt động phòng chống dịch bệnh khác là 200 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, Chi cục trưởng Chi cục Chăn nuôi và thú y Hà Nội, dịch bệnh trên đàn vật nuôi khi bùng phát đều xuất phát từ các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ. Trong khi đó, các trang trại có quy mô lớn cơ bản vẫn giữ được, nhiều hộ đã đảm bảo tiêu thụ được trong giai đoạn qua, hạn chế tối đa rủi ro, nhiều hộ đến nay vẫn đảm bảo an toàn dịch bệnh do áp dụng nghiêm ngặt các biện pháp phòng, chống dịch bằng biện pháp an toàn sinh học. “Để giảm thiểu rủi ro do dịch bệnh bản thân các chủ hộ phải có biện pháp chủ động, xác định “tự cứu” mình trong việc bảo vệ đàn lợn của chính mình trong giai đoạn hiện nay. Chăn nuôi an toàn sinh học chính là giải pháp hữu hiệu nhất để phòng chống dịch bệnh trong chăn nuôi nói chung và phòng bệnh DTLCP nói riêng”, ông Nguyễn Ngọc Sơn nhấn mạnh.

Cũng theo ông Nguyễn Ngọc Sơn, lợi ích của chăn nuôi an toàn sinh học việc đầu tiên là đem lại hiệu quả kinh tế cao, phát triển chăn nuôi bền vững. Chủ động được trong công tác phòng chống dịch bệnh động vật nhất là trong bối cảnh hiện nay do môi trường ô nhiễm nặng, diễn biến dịch bệnh phức tạp, một số dịch bệnh rất dễ bùng phát (như LMLM, tai xanh, DTLCP …).

Khi áp dụng các biện pháp chăn nuôi an toàn sinh học sức đề kháng của lợn với các mầm bệnh truyền nhiễm sẽ cao hơn. Lợn khỏe mạnh hơn, sức tăng trưởng, tăng trọng tốt hơn. Đảm bảo công tác quản lý, giám sát dễ dàng, giảm thiểu tác động tới môi trường xung quanh, chủ động đối phó với dịch bệnh.

Văn Biên

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/phong-chong-benh-dich-ta-lon-chau-phi-chan-nuoi-an-toan-sinh-hoc-la-huong-di-ben-vung-155226.html