Phòng, chống bạo lực gia đình: Cần sự chung tay của cộng đồng

Chiều 17/10, báo Kinh tế & Đô thị đã tổ chức buổi tọa đàm - tư vấn pháp luật trực tuyến với chủ đề 'Quy định pháp luật về phòng, chống bạo lực gia đình'.

Phó Tổng Biên tập Lại Bá Hà cho biết, thời gian qua, báo đã thường xuyên phối hợp cùng Hội Luật gia TP Hà Nội phổ biến, tuyên truyền pháp luật, tư vấn pháp luật bằng nhiều hình thức như bài viết, hình ảnh và video trên báo in, báo điện tử theo đúng tinh thần tự tôn pháp luật, hỗ trợ kiến thức pháp luật cho người dân.

Trong đó, bạo lực gia đình luôn là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và báo đã tổ chức nhiều buổi tọa đàm để tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về Luật Phòng chống bạo lực gia đình.

 Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Trọng

Phó Tổng Biên tập báo Kinh tế & Đô thị Lại Bá Hà phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Văn Trọng

Tại buổi tọa đàm, hơn 20 câu hỏi của bạn đọc liên quan các nội dung sát thực tiễn, với các tình huống cụ thể trong cuộc sống gia đình, những mâu thuẫn dẫn đến hành vi bạo lực giữa vợ với chồng, bố mẹ với con cái… đã được các khách mời là luật sư, luật gia có uy tín trả lời, tư vấn trực tiếp. Tất cả đều mong muốn đưa công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và tuyên truyền Luật Phòng chống bạo lực gia đình nói riêng đến gần người dân hơn, được thực thi tốt hơn.

Trong đó, nhiều bạn đọc phản ánh những năm gần đây, tình hình bạo lực gia đình ở Việt Nam đã giảm nhưng còn diễn biến phức tạp, trong khi công tác tuyên truyền pháp luật còn khó khăn, dù đã phát hiện nhiều vụ việc nhưng xử lý chưa đủ sức răn đe.

Làm rõ băn khoăn này, Luật sư Nguyễn Hồng Tuyến - Chủ tịch Hội Luật gia TP cho hay, Điều 1 Luật Phòng chống bạo lực gia đình năm 2007 nêu rõ, hành vi bạo lực gia đình bao gồm 9 hành vi cụ thể. Thậm chí, ngăn cản việc thực hiện quyền, nghĩa vụ trong quan hệ gia đình giữa ông, bà và cháu, cha, mẹ và con, vợ và chồng, giữa anh, chị, em; cưỡng ép quan hệ tình dục giữa vợ và chồng... cũng là hành vi bạo lực gia đình.

Theo Luật gia Phạm Thu Hương, nếu là nạn nhân của các hành vi hành hạ, ngược đãi, đánh đập, cố ý khác xâm hại sức khỏe, tính mạng, lăng mạ hoặc cố ý xúc phạm danh dự, nhân phẩm người khác, người vợ có quyền yêu cầu cơ quan tổ chức, người có thẩm quyền để được bảo vệ sức khỏe, tính mạng, nhân phẩm, cũng như có biện pháp ngăn chặn hành vi bạo lực tiếp theo. Nếu đã bị xử phạt hành chính rồi còn tái phạm, sẽ bị xem xét khởi tố hình sự.

Còn theo Luật sư Nguyễn Quốc Việt, Điều 18 Luật Phòng, chống bạo lực gia đình nêu rõ, người phát hiện bạo lực gia đình cũng phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an gần nhất, UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực. Nếu phát hiện hành vi bạo lực gia đình có dấu hiệu tội phạm, phải báo ngay người đứng đầu cơ sở khám bệnh, chữa bệnh để báo cơ quan công an nơi gần nhất.

Cơ quan công an, UBND cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình. Người dân nào khi phát hiện và chứng kiến sự việc bạo lực gia đình đều có trách nhiệm báo cơ quan có thẩm quyền để có biện pháp ngăn chặn, bảo vệ.

Các luật sư, luật gia cũng khuyến cáo, khi xảy ra bạo lực gia đình, nạn nhân nên báo ngay công an gần nhất hoặc UBND cấp xã để có biện pháp bảo vệ, trong đó có thể được đưa đến nhà tạm lánh hoặc địa chỉ tin cậy trong cộng đồng. Hiện, Hội LHPN Việt Nam đã xây dựng "Ngôi nhà bình yên" tại địa chỉ 20 Thụy Khuê; quận Hoàn Kiếm xây nhà tạm lánh ở phường Chương Dương; các quận, huyện khác cũng có những địa chỉ tin cậy ở cộng đồng...

Linh Chi

Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/phong-chong-bao-luc-gia-dinh-can-su-chung-tay-cua-cong-dong-355292.html