Phòng cháy, chữa cháy trong khu dân cư

Hiện đã vào mùa khô hạn, bên cạnh những nỗi lo về sản xuất, sinh hoạt của người dân thì công tác phòng cháy chữa cháy (PCCC) được các ngành, địa phương quan tâm không kém. Ngoài đẩy mạnh tuyên truyền nhằm nâng cao ý thức tự giác của người dân, việc xây dựng lực lượng chữa cháy ở địa bàn dân cư là một trong những giải pháp được khuyến khích nhân rộng tại huyện Phú Tân (An Giang), nhất là khi có sự tham gia nhiều thành phần: người dân, tổ chức đoàn thể, từ thiện.

Trình diễn mô hình chữa cháy của các xã, thị trấn

Thời gian qua, việc tuyên truyền về công tác PCCC luôn được duy trì thường xuyên, đặc biệt là được đẩy mạnh thực hiện trong các đợt cao điểm vào mùa lễ, mùa hanh khô kết hợp với các buổi diễn tập, tập huấn trong địa bàn dân cư, doanh nghiệp; khuyến cáo các nguy cơ cháy nổ và biện pháp PCCC khi sử dụng nguồn nhiệt, lửa sinh hoạt, xăng dầu, gas, hóa chất có nguy cơ cháy nổ…

Qua khảo sát, huyện Phú Tân có 15 khu dân cư và 3 tuyến dân cư có nguy hiểm về cháy, nổ. Tiềm ẩn ở các khu vực này là khi xảy ra cháy sẽ rất phức tạp, nguy cơ cháy lan sang nhiều hộ dân, trong khi phương tiện tham gia chữa cháy khó hoặc không thể tiếp cận hiện trường, bởi đường đi chật hẹp, hệ thống nguồn nước hạn chế, đặc biệt nếu xảy ra cháy vào ban đêm sẽ rất khó khăn cho việc thoát hiểm, thoát nạn.

Trên cơ sở đó, lực lượng công an đã tham mưu UBND các cấp phối hợp các ngành, đoàn thể thành lập, củng cố lực lượng PCCC dân phòng, trang bị phương tiện chữa cháy phù hợp. Phong trào “Toàn dân tham gia công tác đảm bảo an toàn PCCC” được người dân hưởng ứng mạnh mẽ, xuất hiện nhiều mô hình hay, nhân dân tự chế tạo các phương tiện, dụng cụ hiệu quả để chữa cháy phù hợp với điều kiện địa bàn.

Tiêu biểu là Đội PCCC xã Phú Lâm đã lắp ráp thành công xe chữa cháy tự chế với tổng kinh phí 90 triệu đồng do nhân dân đóng góp. Xe được thiết kế kết hợp giữa phần đầu là xe bán tải và bồn chứa có dung tích gần 3m3 nước, thuận tiện cho việc di chuyển khi có sự cố xảy ra.

Từ mô hình này, đội PCCC xã Phú Hưng đã vận động người dân, Hội Chữ thập đỏ xã cho lắp ráp xe chữa cháy tương tự với kinh phí 50 triệu đồng. Xã hiện có 4 đội chữa cháy ở 4 ấp với 40 thành viên và 1 đội chữa cháy dân phòng xã có 10 thành viên, tổng cộng có 5 máy bơm chữa cháy, 21 cuộn vòi chữa cháy, 1 xe chữa cháy tự trang bị, đáp ứng cơ bản yêu cầu chữa cháy ban đầu khi xảy ra sự cố.

Riêng Đội PCCC xã Phú Bình đã triển khai mô hình “Giếng nước PCCC tại khu dân cư”, lắp đặt 4 giếng khoan trong chợ Bình Tây, nhân dân đóng góp gần 20 triệu đồng. Tại xã Hòa Lạc, qua 2 lần vận động, nhân dân đã đóng góp 120 triệu đồng mua được 2 xe để cải tiến thành xe chữa cháy, tham gia chữa cháy nhiều vụ trên địa bàn và các xã lân cận. Gần đây nhất, đội PCCC của xã đã chữa cháy thành công 1 vụ hỏa hoạn nhỏ ở rạch Thơm Rơm.

Đến nay, huyện Phú Tân đã xây dựng được 92 đội PCCC dân phòng ở 88 ấp, với 984 thành viên và 18 đội PCCC tại chỗ của công an - quân sự các xã, thị trấn, được trang bị 81 máy bơm chữa cháy, 275 cuộn vòi, cơ bản đảm bảo yêu cầu chữa cháy trên địa bàn dân cư.

Qua thực tế các vụ cháy xảy ra trên địa bàn cho thấy, lực lượng và phương tiện chữa cháy tại chỗ hoạt động rất hiệu quả, kịp thời phát hiện và dập tắt nhiều vụ cháy ngay từ khi mới phát sinh, làm giảm đáng kể thiệt hại và ngăn chặn không cho cháy lan, cháy lớn. Năm 2019, huyện xảy ra 1 vụ cháy, không thiệt hại về người, thiệt hại tài sản khoảng 150 triệu đồng.

Theo Phó Trưởng phòng Cảnh sát PCCC (Công an tỉnh) Nguyễn Thắng Lợi: “Phong trào toàn dân PCCC của huyện Phú Tân được Cục Cảnh sát PCCC (Bộ Công an) đánh giá rất cao, đặc biệt là lực lượng dân phòng ở các xã, thị trấn. Việc đầu tư, trang bị dụng cụ, phương tiện chữa cháy cơ bản, đáp ứng yêu cầu chữa cháy trước mắt và tại chỗ theo phương châm: lực lượng tại chỗ, phương tiện tại chỗ, vật tư hậu cần tại chỗ và chỉ huy tại chỗ”.

Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, khi lực lượng chữa cháy ở địa bàn dân cư còn thiếu chuyên nghiệp, một số thiết bị, phương tiện thô sơ, điều kiện bảo quản chưa đảm bảo… nhưng trên hết là tinh thần trách nhiệm của người dân về PCCC đã được nhân rộng, lan tỏa.

Từ hiệu quả tại chỗ, UBND huyện Phú Tân đã kêu gọi các địa phương tiếp tục đổi mới, phát huy hiệu quả công tác tuyên truyền, vận động nhân dân tích cực tham gia thực hiện tốt công tác PCCC với phương châm “phòng cháy là chủ yếu” bằng nhiều hình thức, tùy vào đặc điểm, tình hình, địa hình; nhân rộng các mô hình xã hội hóa công tác PCCC trên toàn địa bàn huyện.

MỸ HẠNH

Nguồn An Giang: https://baoangiang.com.vn/phong-chay-chua-chay-trong-khu-dan-cu-a267031.html