Phòng cháy chữa cháy tại các chợ: Phải chặn 'bà hỏa' từ gốc

Tại các chợ trên địa bàn Hà Nội, thời gian qua dù chính quyền địa phương quan tâm và có những chỉ đạo sát sao song nguy cơ tiềm ẩn do cháy nổ vẫn diễn biến phức tạp. Trong thời điểm cận Tết như hiện tại, công tác nâng cao ý thức phòng cháy chữa cháy (PCCC) cho các tiểu thương khi kinh doanh trong chợ là hết sức quan trọng.

Âm ỉ nỗi lo

Theo thống kê của Sở Công Thương, hiện Hà Nội có 454 chợ, trong đó chỉ có 102 chợ kiên cố, 242 chợ bán kiên cố và 128 chợ lánh tạm, với tổng diện tích 170ha, 90.000 hộ kinh doanh.

Đáng lo ngại, nhiều chợ ở các huyện ngoại thành đang có hiện tượng xuống cấp, hạ tầng chợ không đáp ứng yêu cầu về công tác PCCC. Lực lượng chức năng dù thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở song một bộ phận tiểu thương vẫn còn tâm lý thờ ơ.

Khách quan nhìn nhận, những vụ cháy chợ thường để lại những hậu quả nghiêm trọng cả về người và tài sản. Vụ cháy chợ ở huyện Sóc Sơn là một ví dụ.

Theo đó, ngày 21/6, đám cháy bùng phát từ một gian hàng của chợ trung tâm thị trấn Sóc Sơn. Sau đó, đám cháy lan nhanh và thiêu rụi nhiều gian hàng khác.

Vụ cháy này khiến 223 trong tổng số 662 sạp hàng với diện tích 1.000m2 bị cháy rụi. Ngoài ra, Quốc lộ 3 đoạn qua khu vực chợ trung tâm cũng vì thế mà ùn tắc nghiêm trọng.

Trước đó, vụ cháy chợ Quang (xã Thanh Liệt, Thanh Trì) cũng để lại nhiều hệ lụy. Vụ cháy xảy ra vào chiều 31/3. Ngọn lửa bắt đầu bùng phát từ một gian hàng giữa chợ rồi nhanh chóng lan rộng sang các ki-ốt xung quanh.

Dù được các lực lượng PCCC kịp thời ngăn chặn, xử lý song vụ cháy vẫn gây thiệt hại nhiều tài sản, khiến người dân hoảng loạn.

Theo tìm hiểu, nguyên nhân chủ yếu khiến các chợ dân sinh tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ cao là bởi trong chợ có nhiều hàng hóa và vật liệu dễ cháy như đệm mút, bông, vải, nhựa, gỗ, giấy…

Trong khi đó, ý thức về an toàn PCCC của tiểu thương chưa cao, nhiều người vẫn mang tâm lý chủ quan, phó mặc cho may rủi.

Phát tờ rơi, tuyên truyền về công tác PCCC cho tiểu thương tại chợ Nghệ. Ảnh: P.Hảo

Theo ghi nhận thực tế trên một số khu chợ như: Chợ Nhà Xanh nằm trên đường Phan Văn Trường (phường Dịch Vọng Hậu, quận Cầu Giấy), chợ Phùng Khoang (quận Nam Từ Liêm)… có điểm chung tại các khu chợ này đó là thuộc vị trí gần các trường Đại học lớn nên từ sáng đến khuya luôn tấp nập. Hàng hóa bày bán tại chợ rất đa dạng và phong phú, phù hợp với đối tượng học sinh, sinh viên.

Tuy nhiên, qua quan sát công tác PCCC ở đây vẫn chưa được các tiểu thương quan tâm nhiều. Có thể dễ dàng nhận thấy hàng hóa được các tiểu thương bày bán kín trong và ngoài chợ. Giữa các quầy hàng gần như không có khoảng cách. Tại chợ thời điểm chiều tối còn có hiện tượng đun nấu ngay tại các sạp hàng.

Đẩy mạnh tuyên truyền

Bên cạnh những hạn chế, tại nhiều nơi, công tác PCCC tại các chợ đã và đang mang lại hiệu quả, tạo nên sự chuyển biến trong nhận thức của các tiểu thương.

Chị Hương, một tiểu thương bán vải ở chợ Hà Đông cho biết: “Tôi mua bán ở đây, hàng năm đều được Ban quản lý chợ tập huấn công tác phòng chống cháy nổ. Nghe vụ cháy chợ ai cũng lo ngại bởi vậy hễ có cơ hội là tôi đều tự trang bị kiến thức PCCC cho bản thân”.

Thông qua việc đến từng tiểu thương để tuyên truyền, nhắc nhở, công tác PCCC tại các chợ thuộc thị xã Sơn Tây cũng từng bước mang lại hiệu quả.

Mới đây nhất, Công an thị xã phối hợp với Ban quản lý chợ Nghệ tổ chức tuyên truyền, phát tờ rơi về công tác phòng cháy chữa cháy cho các hộ kinh doanh tại chợ Nghệ.

Theo tìm hiểu, chợ Nghệ là một trong những khu vực buôn bán lớn nhất thị xã. Chợ có quy mô 3 tầng nổi, 1 tầng hầm với quy mô kinh doanh trên 1.000 gian hàng. Ngoài ra trên địa bàn còn có siêu thị Lan Chi thuê kinh doanh… đặc điểm phức tạp là vậy nên nguy cơ cháy nổ khu vực trên rất cao.

Nhận thức được tầm quan trọng của công tác PCCC, những năm qua, chợ Nghệ đã được trang bị hệ thống PCCC tự động đồng bộ theo thiết kế được phê duyệt, Ban quản lý chợ còn bổ sung bình bột chữa cháy tại các khu vực; xây dựng các phương án và tổ chức tập huấn phòng chống cháy nổ, đồng thời thường xuyên tuyên truyền, vận động các hộ kinh doanh và khách hàng chấp hành tốt các quy định về PCCC, cứu hộ cứu nạn; bổ sung, thay thế, sữa chữa kịp thời các trang thiết bị xuống cấp và hư hỏng như: bình ăcquy, máy bơm, lăng, vòi chữa cháy, đèn exit, đèn chiếu sáng sự cố…góp phần phục vụ tốt công tác PC&CC.

Thông qua công tác tuyên truyền, các tiểu thương đang kinh doanh tại chợ được cán bộ, chiến sỹ của Đội Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ Công an thị xã phổ biến Luật phòng cháy và chữa cháy, Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật phòng cháy và chữa cháy, một số nghị định và các văn bản quy phạm pháp luật khác về PCCC; kiến thức cơ bản về công tác đảm bảo an toàn PCCC như: an toàn PCCC trong việc sử dụng gas, thiết bị điện, thắp hương thờ cúng; quy trình cứu chữa một vụ cháy, kỹ năng thoát nạn khi xảy ra cháy tại nhà cao tầng; tính năng, tác dụng và thao tác sử dụng các loại bình chữa cháy… từ đó chủ động thực hiện tốt các quy định của Nhà nước về công tác đảm bảo an toàn PCCC.

Rõ ràng thiệt hại do cháy, nổ tại các chợ đã khiến nhiều gia đình tiểu thương phá sản, không ít người bị thương vong… Vì vậy, hơn bao giờ hết, công tác bảo đảm an toàn về PCCC tại các chợ phải được quan tâm đặc biệt và giải pháp tiên quyết để chặn “bà hỏa” từ gốc đó là tuyên truyền.

Theo số liệu của Cảnh sát PC&CC TP Hà Nội, đầu năm 2018, qua rà soát tại 313 chợ (bao gồm 220 chợ kiên cố và bán kiên cố thuộc diện quản lý, theo dõi về PCCC và 93 chợ không thuộc diện quản lý) chỉ có 35 chợ bảo đảm các điều kiện an toàn, 278 chợ còn lại (chiếm hơn 80%) không bảo đảm các tiêu chí về PCCC. Việc không đảm các điều kiện an toàn cháy nổ trong các khu chợ đã dẫn đến nhiều hệ lụy. Chỉ tính riêng trong năm 2018, ít nhất đã có 3 vụ cháy chợ nghiêm trọng xảy ra trên địa bàn thành phố Hà Nội

Giang Nam

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/phong-chay-chua-chay-tai-cac-cho-phai-chan-ba-hoa-tu-goc-84363.html